Viêm bàng quang cấp là gì? Khi nào thì nên đi khám?
Viêm bàng quang cấp là tình trạng nhiễm trùng bàng quang cấp tính thường xảy ra ở nữ. Tình trạng viêm này thường do nhiễm vi khuẩn, còn được gọi là nhiễm trùng đường tiết niệu. Viêm bàng quang có thể gây đau đớn và khó chịu, và có thể trở thành một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nếu nhiễm trùng lan đến thận.
Một số ít trường hợp, viêm bàng quang có thể xảy ra do phản ứng với một số loại thuốc, xạ trị hoặc các chất kích thích tiềm ẩn, chẳng hạn như thuốc xịt vệ sinh phụ nữ, dung dịch diệt tinh trùng hoặc sử dụng ống thông tiểu trong thời gian dài. Viêm bàng quang cũng có thể xảy ra như một biến chứng của một bệnh khác.
Phương pháp điều trị thông thường đối với bệnh viêm bàng quang do vi khuẩn là dùng thuốc kháng sinh.
Triệu chứng viêm bàng quang cấp gồm:
- Cảm giác nóng rát khi đi tiểu
- Đi tiểu thường xuyên, một lượng nhỏ
- Có máu trong nước tiểu (tiểu máu)
- Đi tiểu đục hoặc có mùi tanh nồng
- Khó chịu vùng chậu
- Cảm giác tức bụng dưới
- Sốt nhẹ
Ở trẻ nhỏ, những đợt đái dầm ban ngày mới xảy ra cũng có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu.
Khám bác sĩ ngay khi có những dấu hiệu và triệu chứng viêm thận bao gồm:
- Đau hông lưng
- Sốt hoặc có cảm giác ớn lạnh
- Buồn nôn và nôn ói
Ngoài ra cần đi khám khi:
- Có triệu chứng đi tiểu gấp, thường xuyên hoặc đau đớn, kéo dài vài giờ hoặc lâu hơn hoặc nếu nhận thấy máu trong nước tiểu của mình.
- Nếu đã được chẩn đoán nhiễm khuẩn đường tiết niệu trong quá khứ và hiện tại xuất hiện các triệu chứng giống với nhiễm khuẩn niệu trước đó.
- Các triệu chứng viêm bàng quang trở lại sau khi dùng xong một đợt thuốc kháng sinh.
- Đối với nam giới khỏe mạnh, viêm bàng quang rất hiếm và cần được thăm khám kĩ.
Những nguyên nhân gây viêm bàng quang
1. Viêm bàng quang do nhiễm khuẩn:
Nhiễm khuẩn niệu thường xảy ra khi vi khuẩn bên ngoài cơ thể xâm nhập vào đường tiết niệu qua niệu đạo và bắt đầu sinh sôi. Hầu hết các trường hợp viêm bàng quang là do một loại vi khuẩn Escherichia coli (E. coli) gây ra.
Viêm bàng quang do vi khuẩn có thể xảy ra ở phụ nữ do quan hệ tình dục. Nhưng ngay cả những phụ nữ ít hoạt động tình dục cũng dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu dưới vì vùng kín của phụ nữ thường ẩn chứa vi khuẩn có thể gây viêm bàng quang.
2. Viêm bàng quang không do nhiễm khuẩn:
Mặc dù nhiễm trùng do vi khuẩn là nguyên nhân phổ biến nhất của viêm bàng quang, nhưng một số yếu tố không lây nhiễm cũng có thể khiến bàng quang bị viêm. Một số ví dụ bao gồm:
Viêm bàng quang kẽ:
Nguyên nhân của tình trạng viêm bàng quang mãn tính, còn được gọi là hội chứng đau bàng quang , không rõ ràng. Hầu hết các trường hợp được chẩn đoán ở phụ nữ. Tình trạng này có thể khó chẩn đoán và điều trị.
Viêm bàng quang do thuốc:
Một số loại thuốc, đặc biệt là thuốc hóa trị cyclophosphamide và ifosfamide, có thể gây viêm bàng quang khi các thành phần phân hủy của thuốc thoát ra khỏi cơ thể.
Viêm bàng quang do xạ trị:
Xạ trị vùng chậu có thể gây ra những thay đổi viêm trong mô bàng quang.
Viêm bàng quang do dị vật:
Sử dụng ống thông tiểu lâu dài có thể dẫn đến nhiễm trùng do vi khuẩn và tổn thương mô, cả hai đều có thể gây viêm.
Viêm bàng quang do hóa chất:
Một số người có thể quá mẫn cảm với các hóa chất có trong một số sản phẩm nhất định, chẳng hạn như sữa tắm bong bóng, thuốc xịt vệ sinh phụ nữ hoặc dung dịch diệt tinh trùng và có thể phát triển phản ứng dạng dị ứng trong bàng quang, gây viêm.
Viêm bàng quang kết hợp với các điều kiện khác:
Viêm bàng quang đôi khi có thể xảy ra như một biến chứng của các rối loạn khác, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, sỏi thận, tuyến tiền liệt phì đại hoặc chấn thương tủy sống.
Ai là người dễ mắc phải viêm bàng quang?
Một số người có nhiều khả năng bị viêm bàng quang hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát hơn những người khác. Phụ nữ là một trong những nhóm như vậy.
Một lý do chính là giải phẫu đường tiểu ở nữ. Phụ nữ có niệu đạo ngắn hơn, vi khuẩn di chuyển từ ngoài vào bàng quang dễ hơn so với nam giới.
Những đối tượng nữ sau có nguy cơ mắc nhiễm khuẩn niệu cao nhất bao gồm những người:
- Đang hoạt động tình dục. Quan hệ tình dục có thể khiến vi khuẩn bị đẩy vào niệu đạo.
- Sử dụng một số loại thuốc ngừa thai. Phụ nữ sử dụng màng chắn ngừa thai có nguy cơ mắc nhiễm khuẩn niệu cao hơn. Màng ngăn có chứa chất diệt tinh trùng càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Đang mang thai. Sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng bàng quang.
- Đã mãn kinh. Mức độ hormone thay đổi ở phụ nữ sau mãn kinh thường liên quan đến nhiễm trùng tiểu.
Các yếu tố nguy cơ khác ở cả nam và nữ bao gồm:
- Cản trở dòng chảy của nước tiểu. Điều này có thể xảy ra trong các tình trạng như có sỏi trong bàng quang hoặc ở nam giới, tuyến tiền liệt phì đại.
- Những thay đổi trong hệ thống miễn dịch. Điều này có thể xảy ra với một số điều kiện, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, nhiễm HIV và điều trị ung thư. Hệ thống miễn dịch suy giảm làm tăng nguy cơ nhiễm vi khuẩn và trong một số trường hợp, nhiễm trùng bàng quang do vi rút.
- Sử dụng ống thông tiểu kéo dài.
Ở nam giới không có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào hiếm gặp viêm bàng quang.
Các biến chứng và cách phòng ngừa
Khi được điều trị kịp thời và đúng cách, viêm bàng quang hiếm khi dẫn đến biến chứng. Nhưng không được điều trị, chúng có thể trở nên nghiêm trọng hơn. Các biến chứng có thể bao gồm:
- Viêm thận. Viêm bàng quang không được điều trị có thể dẫn đến viêm thận, còn được gọi là viêm thận-bể thận. Viêm thận có thể làm hỏng thận vĩnh viễn.
- Trẻ nhỏ và người lớn tuổi có nguy cơ bị tổn thương thận cao nhất do nhiễm trùng bàng quang vì các triệu chứng của chúng thường bị bỏ qua hoặc nhầm với các bệnh lý khác.
- Có máu trong nước tiểu. Với bệnh viêm bàng quang, có thể có các tế bào máu trong nước tiểu mà chỉ có thể nhìn thấy bằng kính hiển vi (tiểu máu vi thể) và điều này thường khỏi khi điều trị. Nếu các tế bào máu vẫn còn sau khi điều trị, cần phải tầm soát thăm khám thêm các nguyên nhân khác.
- Máu trong nước tiểu (tiểu máu đại thể) nhìn thấy được bằng mắt thường, hiếm khi bị trong viêm bàng quang điển hình do vi khuẩn, nhưng dấu hiệu này phổ biến hơn với viêm bàng quang do hóa trị hoặc xạ trị.
Làm sao để phòng ngừa?
- Uống nhiều nước.
- Đi tiểu thường xuyên. Nếu cảm thấy muốn đi tiểu, đừng trì hoãn.
- Lau từ trước ra sau sau khi đi tiêu. Điều này ngăn chặn vi khuẩn ở vùng hậu môn lây lan sang âm đạo và niệu đạo.
- Tắm vòi hoa sen thay vì tắm bồn. Nếu cơ địa dễ bị nhiễm trùng, tắm vòi hoa sen thay vì tắm có thể giúp ngăn ngừa chúng.
- Nhẹ nhàng rửa vùng da xung quanh âm đạo và hậu môn. Làm điều này hàng ngày, nhưng không sử dụng xà phòng mạnh hoặc rửa quá mạnh. Da mỏng manh xung quanh những khu vực này có thể bị kích ứng.
- Đi tiểu càng sớm càng tốt sau khi giao hợp. Uống một cốc nước đầy để giúp loại bỏ vi khuẩn.
- Tránh sử dụng thuốc xịt khử mùi hoặc các sản phẩm phụ nữ ở vùng sinh dục. Các sản phẩm này có thể gây kích ứng niệu đạo và bàng quang.
BS Nguyễn Gia Kỳ