Đại sứ quán Trung Quốc tại Nga đã yêu cầu Matxcơva ngừng các biện pháp chống dịch mang tính phân biệt chủng tộc đối với công dân nước này, theo hãng tin Reuters. Cơ quan này nhấn mạnh các hành động trên đang gây tổn hại quan hệ song phương và sau đó tìm cách báo động đối với người Trung Quốc đang sống tại Nga, Reuters cho biết thêm.
Tỉnh Hokkaido ban bố tình trạng khẩn cấp
Theo hãng tin Kyodo (Nhật), tỉnh Hokkaido, tỉnh lớn nhất Nhật Bản, hôm nay 28-2 đã ban bố tình trạng khẩn cấp vì dịch COVID-19. Quyết định đưa ra khi tỉnh này đã có 63 ca nhiễm virus corona.
Thống đốc Hokkaido Naomichi Suzuki đã yêu cầu người dân ở trong nhà và hạn chế ra ngoài vào cuối tuần để tránh bị lây nhiễm COVID-19.
Các khu nghỉ dưỡng và trượt tuyết của Hokkaido thu hút rất nhiều khách du lịch châu Á, phần lớn là Trung Quốc. Chính quyền Hokkkaido đã ra lệnh đóng cửa các trường học trên cả tỉnh và đang cân nhắc thêm các biện pháp cứng rắn khác.
Trong diễn biến liên quan, Bộ Giáo dục Nhật Bản cũng đã chính thức yêu cầu đóng cửa mọi trường học vì virus corona chủng mới. Bộ trưởng Giáo dục Nhật Koichi Hagiuda cho biết ban giám hiệu các trường có thể linh hoạt trong việc quyết định thời gian đóng cửa của trường mình.
Việc Thủ tướng Shinzo Abe bất ngờ yêu cầu mọi trường học ở Nhật đóng cửa từ đầu tuần tới cho tới đầu tháng 4 để phòng dịch corona đã làm dấy lên những luồng dư luận trái chiều tại Nhật. Nhiều giáo viên, học sinh và phụ huynh bức xúc trước yêu cầu này vì họ không có thời gian để chuẩn bị cho việc nghỉ học bất ngờ này.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Số ca nhiễm corona theo ngày ở Trung Quốc đại lục thấp nhất từ tháng 1
Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) Trung Quốc hôm nay 28-2 cho biết tổng số ca nhiễm mới trong ngày 27-2 là 327 ca, thấp hơn so với 433 ca của ngày trước đó, cũng là tổng số ca thấp nhất theo ngày kể từ 23-1 đến nay.
Theo hãng tin Reuters, tính tới hết ngày hôm qua 27-2, tổng số ca bệnh COVID-19 tại Trung Quốc đại lục là 78.824.
Tuy nhiên lại có những dấu hiệu cho thấy một số người bệnh đã bình phục vẫn có thể còn virus SARS-CoV-2 trong cơ thể. Tờ Thời báo Hoàn Cầu nêu thông tin về 2 bệnh nhân bị COVID-19 ở tỉnh Giang Tô đã xuất viện nhưng rồi lại tái nhập viện vì dương tính với virus.
Tuy nhiên, trong cuộc họp báo hàng ngày 28-2, một quan chức thuộc NHC là Guo Yanhong xác nhận với các nhà báo rằng những người bệnh này tuy có kết quả dương tính trở lại với virus corona chủng mới, song không còn khả năng lây nhiễm bệnh COVID-19 cho người khác nữa.
Một công nhân vệ sinh lái xe chở rác gần một bức ảnh mô tả ngôi nhà Hankou Customs ở Vũ Hán, vùng tâm dịch của tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hôm 27-2. Ảnh: REUTERS
New Zealand, Belarus, Litva, Nigeria có trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên
New Zealand vừa xác nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên. Theo AFP, bệnh nhân này về từ Iran và quá cảnh ở Bali, Indonesia. Bà trong độ tuổi 60 đang được điều trị và cách ly ở bệnh viện thành phố Auckland.
Bộ Y tế Belarus cũng xác nhận ca nhiễm đầu tiên tại nước này, theo Hãng tin TASS. Bệnh nhân là một sinh viên tới từ Iran.
Tại Litva, chính phủ xác nhận một phụ nữ bị mắc COVID-19 và là ca đầu tiên ở nước này. Bệnh nhân hiện đã được cách ly tại bệnh viện sau khi trở về từ Verona, thành phố có số ca nhiễm nhiều thứ hai tại Ý.
Theo hãng tin Reuters, Bộ Y tế Nigeria cũng xác nhận một trường hợp nhiễm virus corona ở Lagos, thành phố lớn nhất ở Nigeria với khoảng 20 triệu dân.
Theo Bộ Y tế Nigeria, bệnh nhân là nam giới người Ý, từ Milan, đã đến Nigeria 3 ngày trước. Ông này làm việc ở Nigeria. Bệnh nhân không có các triệu chứng nghiêm trọng.
Ý: lên 650 ca nhiễm COVID-19
Đài NPR dẫn thông tin của Bộ Y tế Ý cho biết số ca nhiễm COVID-19 ở Ý đã tăng hơn 50% chỉ trong 24 giờ qua và hiện đã lên tới 650 ca. Trong khi đó, số ca tử vong hiện là 17 ca.
Hơn 400 ca nhiễm COVID-19 ở Ý tập trung tại vùng Lombardy, miền bắc nước này. Đây cũng là nơi có nhiều thị trấn đã bị phong tỏa.
Nhân viên y tế khử trùng tại một khu dân cư gần nhà thờ giáo phái Tân Thiên Địa ở thành phố Daegu ngày 27-2 - Ảnh: AFP
Trung Quốc: Thêm 327 ca nhiễm, 44 ca tử vong
Theo cập nhật của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) lúc 6h50 ngày 28-2, tại Trung Quốc đại lục có thêm 327 ca nhiễm mới và 44 ca tử vong mới tính đến cuối ngày 27-2. Trong khi đó, có thêm 3.622 ca hồi phục và xuất viện.
Trước đó một ngày (số liệu tính tới cuối ngày 26-2), số ca nhiễm mới ở Trung Quốc đại lục là 433, còn số ca tử vong mới là 29 ca. Như vậy, tính đến nay có 78.824 ca nhiễm, 2.788 ca tử vong và 36.117 ca được xuất viện ở Trung Quốc đại lục.
"Nguy cơ với người Mỹ vẫn còn thấp"
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence ngày 27-2 nói rằng mối đe dọa mà dịch COVID-19 đặt ra cho công chúng Mỹ hiện vẫn còn thấp và cho biết Nhà Trắng đã bắt đầu thảo luận với các nhà lãnh đạo của Quốc hội Mỹ về một dự luật chi tiêu bổ sung giúp đối phó sự lây lan của dịch bệnh này, theo Hãng tin Reuters.
"Theo đánh giá của chúng tôi, mối đe dọa đặt ra với công chúng Mỹ hiện vẫn còn thấp. Trong những ngày tới, chúng tôi sẽ đảm bảo đầy đủ nguồn lực của chính quyền liên bang tiếp tục được đưa vào sử dụng để đối đầu COVID-19" - ông Pence nói.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Những quốc gia nào ở châu Âu đã chịu ảnh hưởng của COVID-19?
Theo thống kê của Hãng tin AFP ngày 27-2, đến nay đã có khoảng 20 quốc gia ở châu Âu chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong đó, Ý là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất, với 17 ca tử vong và 650 ca nhiễm.
Những nước khác ở châu Âu đã ghi nhận các ca nhiễm COVID-19 gồm: Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Anh, Nga, Áo, Croatia, Hi Lạp, Phần Lan, Thụy Điển, Bỉ, Đan Mạch, Georgia, Bắc Macedonia, Na Uy, Romania, Thụy Sĩ. Ngoài ra, vừa có thêm trường hợp nhiễm COVID-19 mới ở Hà Lan.
Số ca nhiễm ở Pháp tăng gấp đôi
Tân Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran cho biết số ca nhiễm COVID-19 ở Pháp đã tăng khoảng gấp đôi trong 24 giờ qua, từ 18 ca tăng lên 38 ca. Trong số này, có 2 ca tử vong, 12 ca đã được chữa trị và 24 ca nhập viện.
Hà Lan ghi nhận ca nhiễm đầu tiên
Viện Y tế công cộng quốc gia Hà Lan ngày 27-2 cho hay một bệnh nhân ở nước này vừa được chẩn đoán nhiễm COVID-19 và đang được cách ly điều trị.
Người này ở thành phố Tilburg, miền nam Hà Lan, gần đây đi du lịch ở miền bắc Ý. "Để ngăn dịch lây lan thêm ở Hà Lan, chúng tôi sẽ truy tìm người đã có tiếp xúc gần với bệnh nhân này" - viện trên cho biết.
6 ngàn tỉ USD bị thổi bay khỏi thị trường tài chính vì COVID-19 Theo hãng tin Reuters, thị trường tài chính toàn cầu đã mất tới 6 ngàn tỉ USD vì dịch COVID-19, đánh dấu thiệt hại lớn nhất kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008. Các nhà đầu tư đã từng hi vọng dịch bệnh được khống chế và kết thúc tại Trung Quốc. Hi vọng này đã chấm dứt khi dịch bệnh lan ra ngoài và bùng phát mạnh tại một số nước phát triển. Tính tới chiều 28-2 đã có 57 nước phát hiện người nhiễm bệnh. Chứng khoán châu Âu tiếp tục trượt dốc và không có dấu hiệu dừng lại, Stoxx Europe 600 giảm 2,7%, DAX của Đức mất 3,6%. Nikkei 225 của Nhật Bản, Kospi của Hàn Quốc và S&P/ASX 200 của Úc rớt hơn 3%. |