leftcenterrightdel
 Hội chứng rối loạn giấc ngủ gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Nguồn ảnh: Internet 

Rối loạn giấc ngủ là bệnh gì?

Thuật ngữ “rối loạn giấc ngủ” dùng để chỉ tình trạng người bệnh gặp phải các vấn đề ảnh hưởng đến chất lượng, thời gian hoặc thời lượng giấc ngủ và ảnh hưởng đến khả năng hoạt động bình thường của người đó khi thức. Tình trạng rối loạn giấc ngủ này có thể góp phần gây ra các vấn đề sức khỏe khác, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần. 

Năm 1979, Hiệp hội Rối loạn giấc ngủ Hoa Kỳ công bố hệ thống phân loại đầu tiên dành riêng cho các chứng rối loạn giấc ngủ. Theo đó, có đến hơn 100 loại rối loạn giấc ngủ được phân loại dựa trên nguyên nhân, triệu chứng, tác động sinh lý và tâm lý và các tiêu chí khác.  

Tuy nhiên, hầu hết các rối loạn giấc ngủ thường có các dấu hiệu sau đây: 

Bạn buồn ngủ nhưng khó có thể đi ngủ.

Bạn gặp khó khăn trong việc cố gắng tỉnh táo vào ban ngày.

Bạn bị mất cân bằng trong nhịp sinh học thức – ngủ mỗi ngày.

Bạn có những hành vi bất thường làm gián đoạn giấc ngủ.

Bất kỳ dấu hiệu nào trong số này đều có thể cho thấy bạn bị rối loạn giấc ngủ. Tùy theo triệu chứng bệnh, bác sĩ có thể hướng dẫn cách điều trị phù hợp nhất.

Rối loạn giấc ngủ và các thể bệnh

Rối loạn giấc ngủ thưởng biểu hiện dưới 3 hình thái chủ yếu là chứng mất ngủ, chứng ngủ nhiều và tình trạng rối loạn nhịp thức ngủ.

Chứng mất ngủ

Ở những người này, việc đi vào giấc ngủ và duy trì nó trở nên khó khăn, làm cho thời gian ngủ ít đi và chập chờn không sâu. 

Chứng mất ngủ đa phần liên quan đến tình trạng căng thẳng, lo âu, trầm cảm và các bệnh rối loạn tâm thần khác, đôi khi là triệu chứng của một bệnh thực thể.

Được gọi là rối loạn giấc ngủ khi mất ngủ xảy ra ít nhất 3 lần/tuần, trong thời gian ít nhất là một tháng. Tình trạng mất ngủ kéo dài làm bệnh nhân lo lắng, sợ hãi thậm chí trầm cảm và hậu quả là càng mất ngủ hơn.

Chứng ngủ nhiều

Ngủ nhiều được chia làm ba loại chính là ngủ rũ, ngủ nhiều nguyên phát và hội chứng ngừng thở khi ngủ.

– Ngủ rũ là một tình trạng bệnh lý thần kinh mạn tính, có đặc điểm là bệnh nhân đi vào giấc ngủ không thể cưỡng lại được trong khi đang nghỉ ngơi hoặc hoạt động, trừ lúc ăn uống hay vệ sinh.

– Trong chứng ngủ nhiều nguyên phát, ban đêm bệnh nhân ngủ nhiều, nhưng ban ngày lại rất buồn ngủ và hay ngủ gật. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có khả năng chống lại những cơn buồn ngủ này. Tình trạng ngủ nhiều tồn tại ít nhất từ một tháng trở lên và ảnh hưởng tới sinh hoạt hằng ngày.

– Hội chứng ngừng thở khi ngủ có biểu hiện là ngừng hô hấp khoảng 20-40 giây trong khi ngủ. Hội chứng ngừng thở gây giảm bão hòa ôxy và tăng nồng độ carbonic trong máu, làm bệnh nhân có nhiều lúc tỉnh giấc ngắn trong đêm.

Rối loạn nhịp thức ngủ

Rối loạn nhịp thức ngủ là hiện tượng mất đồng bộ nhịp thức ngủ của người bệnh và của người thường. Quá trình bệnh lý này thường gây những thời điểm tỉnh giấc bất thường trong giấc ngủ, kèm theo những hành vi tự động, lú lẫn tâm thần và quên.

Chính vì vậy mà giấc ngủ ngắn, không sâu, bệnh nhân cảm thấy không thỏa mãn. Nguyên nhân gây bệnh thường là yếu tố tâm lý, nhưng cũng có thể là bệnh thực thể hoặc di truyền.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh rối loạn giấc ngủ?

Một số rối loạn giấc ngủ như hội chứng chân không yên, ngưng thở khi ngủ tắc nghẽn, chứng ngủ rũ và bệnh mất ngủ giả có thể di truyền trong gia đình. Do đó, những người có người thân bị mắc các rối loạn giấc ngủ trên sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Những người có lịch trình ngủ không đều đặn, bao gồm những người làm việc theo ca và những người thường xuyên di chuyển qua nhiều múi giờ cũng có nhiều nguy cơ mắc các vấn đề liên quan đến giấc ngủ.

Các yếu tố về lối sống như tiêu thụ quá nhiều caffeine, ít tập thể dục, quản lý căng thẳng kém và hút thuốc đều góp phần gây ra rối loạn giấc ngủ.

Một yếu tố nữa cũng ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ là tuổi tác. Các vấn đề liên quan đến giấc ngủ có xu hướng trở nên thường xuyên hơn khi chúng ta già đi.

Theo tieudung.kinhtedothi