Nếu được chẩn đoán là suy tim, thì sau 1 năm khoảng 20% số đó có khả năng tử vong vì suy tim. Sau 5 năm thì khả năng tử vong sẽ là 50%, do đó bệnh lý suy tim là bệnh lý rất nặng. Chính vì vậy, trong điều trị bệnh lý suy tim việc điều chỉnh lối sống là vô cùng quan trọng.
Biểu hiện của suy tim
Suy tim có thể mạn tính hoặc cấp tính. Triệu chứng suy tim bao gồm:
- Khó thở khi vận động hoặc khi nằm.
- Sưng cẳng chân, mắt cá chân và bàn chân.
- Nhịp tim nhanh hoặc không đều.
- Ho dai dẳng hoặc thở khò khè kèm đàm trắng hoặc hồng
- Khó tập trung hoặc giảm tỉnh táo.
- Đau ngực nếu suy tim do nhồi máu cơ tim.
Nếu suy tim mà điều trị không được ổn định thì bệnh sẽ diễn tiến ngày càng nặng và hậu quả nghiêm trọng. Một trong những hậu quả có thể để lại đó là rối loạn nhịp tim, phù phổi và những cơn phù phổi sẽ làm bệnh nhân khó thở bắt buộc phải nhập viện.
Nếu không phát hiện kịp thời hoặc điều trị không thể đẩy lùi được bệnh phù phổi bệnh nhân có thể dẫn đến tử vong. Ngoài ra có thể làm cho suy giảm chức năng thận, gan.
Thay đổi lối sống trong điều trị bệnh lý suy tim
Với người bệnh suy tim cần thực hiện nghiêm túc chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, cần thay đổi lối sống, chế độ ăn uống khoa học đóng vai trò quan trọng, ảnh hưởng lớn tới hiệu quả điều trị bệnh. Người bệnh cần lưu ý những nguyên tắc chung:
- Cần hạn chế muối và các thực phẩm giàu natri
Người bệnh suy tim cần hạn chế muối và các thực phẩm giàu natri vì muối và các thực phẩm giàu Natri chính là kẻ thù số 1 của bệnh nhân suy tim. Nếu ăn nhiều muối sẽ làm tăng giữ nước, ảnh hưởng xấu đến tình trạng suy tim.
Thực đơn người bệnh suy tim cần ít muối giúp kiểm soát huyết áp, tránh phù nề, cải thiện tình trạng khó thở.
Lượng natri trong mỗi bữa ăn được khuyến cáo với người bệnh suy tim không quá 2.000mg, và tốt nhất là dưới 1500mg. Những bệnh nhân suy tim nặng cần loại bỏ muối hoàn toàn.
- Cần hạn chế chất béo và thực phẩm sinh hơi
Người bệnh suy tim cần hạn chế chất béo và thực phẩm sinh hơi vì nguyên nhân chính gây xơ vữa động mạnh, làm gia tăng các loại bệnh tim mạch là chất béo.
Hạn chế các loại thịt đỏ, mỡ, thức ăn nhanh, các món chiên, xào, rán,… nên ăn cá, thịt nạc và ưu tiên các món luộc, hấp. Người bệnh cũng nên tránh sử dụng những thực phẩm sinh hơi như trứng, đậu và thức ăn lên men.
- Cần kiểm soát lượng nước
Người bệnh suy tim cần kiểm soát lượng nước uống hàng ngày. Khi tim hoạt động không tốt, lượng nước nạp vào cơ thể không được chuyển hóa sẽ bị giữ lại, gây nên tình trạng phù nề.
Theo khuyến cáo, người bệnh suy tim nên giảm uống nước khi gặp triệu chứng khó thở, phù.
Người bệnh suy tim nên uống tối đa 1 lít/ngày và tốt nhất chỉ nên uống khi thấy khát. Lượng nước uống ngoài bữa ăn phải bằng số lượng nước tiểu trong 24h cộng thêm 300 ml.
- Không sử dụng rượu, bia, thuốc lá
Người bệnh suy tim không uống rượu, đồ uống có cồn, cà phê có chứa các chất ức chế thần kinh sẽ gây hại trực tiếp lên cơ tim khiến cho tình trạng bệnh sẽ ngày càng diễn biến xấu đi.
Không hút thuốc lá vì thuốc lá chứa nicotine gây kích thích bài tiết epinephrine vào máu khiến tim làm việc mạnh hơn. Từ đó, mạch máu co nhanh gây tăng huyết áp, trương động mạch, tạo cảm giác khó thở, tức ngực, đau ngực cho người bệnh tim.
- Cần tăng cường thực phẩm giàu chất xơ
Người bệnh suy tim cần tăng cường những thực phẩm giàu chất xơ chứa nhiều chất chống oxy hóa tự nhiên, có lợi cho sức khỏe tim mạch.
Khẩu phần ăn người bệnh suy tim được khuyến cáo nên cung cấp đủ 25-35 chất xơ mỗi ngày, để hỗ trợ tiêu hóa hóa tốt, vừa góp phần kiểm soát lượng đường cholesterol trong máu. Chất xơ có nhiều trong các loại rau xanh, ngữ cốc, trái cây tươi…
- Cần cân bằng lượng kali trong khẩu phần ăn
Người bệnh suy tim cần ăn cân bằng lượng kali, vì khoáng chất quan trọng nhất để duy trì hoạt động của tim chính là kali. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân suy tim thường sử dụng thuốc lợi tiểu nên sẽ làm giảm đáng kể lượng kali trong cơ thể. Vì vậy, có thể bổ sung khoáng chất này thông qua chuối, bông cải xanh, bơ.
Tóm lại: Suy tim là căn bệnh mạn tính, càng lớn tuổi bệnh sẽ càng nặng. Người mắc bệnh suy tim hầu như phải sử dụng thuốc cả đời. Bên cạnh việc dùng thuốc bệnh nhân nên tuân thủ chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt khoa học để kiểm soát tình trạng bệnh.
Theo suckhoedoisong.vn