leftcenterrightdel
Khi bộ hay làm việc dưới trời nắng kéo dài, nguy cơ sốc nhiệt, trụy tim dẫn tới tử vong rất lớn. Ảnh:BatonrougeclinicGiữa trưa nắng lúc 12h, chàng trai 21 tuổi phóng xe máy từ Hà Nội về Phú Thọ thì đột ngột đau đầu vật vã, người nóng như than, sau đó ngất lịm. May mắn được cấp cứu sốc nhiệt kịp thời, nam thanh niên thoát chết.

Tuy nhiên, những vụ việc mới đây như trẻ mầm non ở Thái Bình bị bỏ quên trên ôtô gần như cả ngày hay người đàn ông đi bộ hành theo đoàn ông Thích Minh Tuệ không may mắn như thế.

Liên tiếp xảy ra những vụ việc đau lòng này đặt ra vấn đề trong cách nhận biết, xử trí ban đầu và biện pháp phòng tránh sốc nhiệt - một tình trạng cấp cứu cần được can thiệp sớm trước khi nguy cơ trụy tim.

Sức chịu nhiệt của con người có giới hạn

Trao đổi với Tri Thức - Znews, TS.BS Nguyễn Hải Công, Chủ nhiệm khoa Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Quân y 175, cũng nhấn mạnh việc vận động, thậm chí là đi bộ, dưới trời nắng nóng kéo dài cũng rất dễ sinh ra rối loạn thân nhiệt.

"Đi bộ thông thường dưới thời tiết mát mẻ sẽ không sao. Tuy nhiên, một người đi bộ dưới trời nắng nóng, đi trong thời gian dài, không nghỉ ngơi hợp lý, sẽ sinh ra rối loạn cân bằng nhiệt trong cơ thể, dễ dẫn tới sốc nhiệt", TS Công cho hay.

Theo TS Nguyễn Hải Công, cơ thể luôn tồn tại 2 cơ chế ngang nhau là sinh nhiệt và thải nhiệt. Khi vận động nhiều, nhiệt lượng sẽ được đào thải bằng việc đổ mồ hôi qua lỗ chân lông hay qua hơi thở để đảm bảo mức nhiệt trong cơ thể luôn đạt 36-36,5 độ C.

Khi nhiệt độ cơ thể tăng cao trên 37 độ C, cơ chế thải nhiệt sẽ kém hơn, gây ra tình trạng tăng thân nhiệt và có thể dẫn đến sốc nhiệt.

Sốc nhiệt là tình trạng tăng thân nhiệt quá mức, cấp tính, gây tổn thương nặng nề các cơ quan trong cơ thể, đe dọa nguy kịch, tử vong. Đây là trạng thái nặng nhất của tăng thân nhiệt.

“Có thể nói, sốc nhiệt có khả năng gây ra ảnh hưởng kinh khủng tới các cơ quan có ý nghĩa sống còn đối với cơ thể. Nếu không được kịp thời cấp cứu, người bệnh sốc nhiệt có khả năng nguy cơ tử vong cao, hoặc để lại di chứng nặng nề, đặc biệt khi ảnh hưởng tới tế bào thần kinh”, TS Công nhận định.

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga, Bộ Quốc phòng (Hà Nội), cũng phân tích trong cơ thể có một trung tâm điều nhiệt, nằm phía sau gáy, khi nhiệt độ môi trường cao, chúng sẽ điều khiển tiết ra mồ hôi để làm mát cơ thể.

Khi đi bộ dưới trời nắng, đòi hỏi cơ thể tiêu tốn nhiều năng lượng, cung cấp dinh dưỡng cho các nhóm cơ mà nó co bóp. Tuy nhiên, khi cơ thể bị quá sức, các mạch máu dưới da giãn ra, lượng máu cung cấp cho các cơ quan khác như tim, phổi, não bị giảm.

Bên cạnh đó, khi ta toát mồ hôi, cơ thể bị mất nước và muối, gây rối loạn điện giải, máu cô đặc lại, giảm thể tích, nhịp tim nhanh, huyết áp giảm. Nếu không bù đủ nước, đặc biệt là điện giải, cơ thể bị hạ natri, kali, cũng dẫn đến rất mệt mỏi.

Người bị sốc nhiệt sẽ có biểu hiện lơ mơ, mệt mỏi, đau đầu, thậm chí không tỉnh táo, choáng váng, hôn mê. Ngoài ra, nhiệt độ cơ thể tăng sẽ dẫn đến rối loạn chuyển hóa, gây tiêu cơ vân, sinh ra các chất độc. Chúng không chuyển hóa được gây suy gan, suy thận, trụy tuần hoàn, suy đa cơ quan, thậm chí tử vong.

Các chuyên gia nhấn mạnh sốc nhiệt có thể xảy ra với bất kỳ ai hoạt động dưới thời tiết nắng nóng kéo dài. Tuy nhiên, nhóm người có yếu tố nguy cơ hơn cả là trẻ em, người già và những người mắc bệnh mạn tính, đặc biệt là các bệnh tim mạch, hô hấp, thần kinh.

leftcenterrightdel
Sốc nhiệt là tình trạng tăng thân nhiệt quá mức, cấp tính, gây tổn thương nặng nề các cơ quan trong cơ thể, đe dọa nguy kịch tử vong. Ảnh:Shutterstock  

Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, khi đi bộ dưới trời nắng, người bệnh cần chú ý các dấu hiệu cảnh báo thần kinh như mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt. Tuy nhiên, khi bạn cảm thấy thân nhiệt tăng lên là đã muộn.

Không nên làm theo người khác một cách mù quáng

Chia sẻ về tình huống người đàn ông 47 tuổi (tự nguyện đi bộ hành theo đoàn ông Thích Minh Tuệ) không may tử vong, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng khuyên người dân không nên làm theo hành động của nam bệnh nhân xấu số.

"Ông Minh Tuệ đã có thời gian rèn luyện trong điều kiện khó khăn suốt nhiều năm. Các cơ quan trong cơ thể cũng thích nghi được một cách từ từ. Bên cạnh đó, trong quá trình di chuyển, họ cũng có sự bổ sung nước. Người ít rèn luyện, sức khỏe không tốt, không nên thực hiện theo một cách mù quáng, có thể gây thiệt hại về tính mạng", bác sĩ Hoàng nhấn mạnh.

Theo chuyên gia, tinh thần cũng rất quan trọng. Khi bạn vẫn còn lo lắng, căng thẳng, sức chịu đựng cũng kém đi so với khi đi trong tâm trạng thoải mái. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là phải bù đủ nước và điện giải, mặc quần áo phù hợp, ăn uống đủ.

“Người đàn ông đi theo đoàn bộ hành có thể chưa có sự rèn luyện trước đó và đã mắc bệnh nền. Đây là điều khiến ông dễ bị sốc nhiệt hơn những người khác. Cộng thêm các yếu tố vận động quá sức dưới thời tiết nắng nóng những ngày gần đây nhưng không có các phương tiện che chắn, thiếu sự nghỉ ngơi hợp lý và bù nước đầy đủ, sốc nhiệt là điều không thể tránh khỏi”, TS Nguyễn Hải Công chia sẻ.

Để tránh tình trạng sốc nhiệt xảy ra, các bác sĩ khuyến cáo mọi người chỉ nên lao động, vận động vừa sức. Cường độ vận động nên tăng từ từ để cơ chế điều nhiệt có thời gian thích nghi.

Khi vận động, lao động, mọi người nên có quãng thời gian nghỉ ngơi hợp lý, bù nước đầy đủ. Khi có triệu chứng mệt, đau mỏi cơ, chóng mặt, rối loạn ý thức, nạn nhân cần được đưa vào bóng râm, chườm mát, hạ thân nhiệt, bù nước và nhập viện nhanh nhất có thể để tránh những biến chứng kể trên.

Theo ZNews