Điều gì đã giúp Cuba trở thành quốc gia chống dịch COVID-19 tốt nhất nam bán cầu?
Cập nhật lúc 00:30, Thứ bảy, 10/04/2021 (GMT+7)
Cuba đã tự mình vượt qua đại dịch COVID-19 và đang phát triển 5 loại vắc-xin. Ngoài ra, họ còn giúp đỡ các quốc gia khác.
Nhờ nhiều thập niên tập trung phát triển ngành y tế công cộng, Cuba nhanh chóng đạt được những thành tựu đáng chú ý trong việc sản xuất thuốc điều trị và vắc-xin chống COVID-19
Thành công trong chống dịch
Cuba đã tiến hành cuộc tổng tiến công chống lại COVID-19, huy động hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng, tập trung vào phòng ngừa, thực hiện việc thăm khám tại nhà hàng ngày để tích cực phát hiện và điều trị các ca bệnh. Đồng thời, thúc đẩy ngành khoa học y tế thích ứng, tìm kiếm các phương pháp điều trị mới cho bệnh nhân COVID -19 và phát minh nhiều loại vắc-xin đặc hiệu.
Những tiến bộ này không chỉ mang lại hy vọng cho Cuba mà còn cho thế giới.
Bằng cách phản ứng nhanh chóng và quyết đoán, Cuba đã giữ tỷ lệ lây nhiễm và tử vong ở mức thấp. Tính đến ngày 24/3/2021, Cuba đã ghi nhận khoảng 70.000 trường hợp mắc và 408 trường hợp tử vong vì COVID-19, tương ứng tỷ lệ tử vong 0,59% - thấp hơn nhiều so với mức trung bình trên toàn thế giới là 2,2%.
Mặt khác, trong vòng một năm, 57 lữ đoàn gồm các chuyên gia y tế từ Cơ quan Dự phòng Quốc tế Henry Reeve của Cuba đã điều trị cho 1,26 triệu bệnh nhân COVID-19 ở 40 quốc gia. Ước tính khoảng 28.000 chuyên gia chăm sóc sức khỏe Cuba hiện vẫn đang làm việc tại 66 quốc gia khác nhau trên thế giới.
Vắc-xin của Cuba có gì đặc biệt?
Khoảng 200 loại vắc-xin COVID-19 đang được phát triển trên toàn thế giới (tính đến ngày 25/3/2021) bao gồm 23 ứng viên đã chuyển sang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III. Hai trong số đó là sản phẩm của Cuba (Soberana 2 và Abdala).
Tại Cuba, hàng chục tổ chức nghiên cứu hợp tác, chia sẻ tài nguyên và kiến thức, thay vì cạnh tranh lẫn nhau; điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoàn thiện nhanh chóng vắc-xin, từ khâu nghiên cứu, đổi mới đến thử nghiệm và ứng dụng.
Cùng với đó là sự phối hợp lưu động giữa các trường đại học, trung tâm nghiên cứu và hệ thống y tế công cộng để theo dõi phản hồi từ chiến dịch tiêm chủng. Những yếu tố này đã được chứng minh là quan trọng trong quá trình phát triển vắc-xin COVID-19 của Cuba.
Năm loại vắc-xin Cuba đang thử nghiệm lâm sàng đều là vắc-xin protein; chúng mang virus lành tính được mã hóa protein gai bám đột biến mà virus SARS-CoV-2 dùng liên kết với các tế bào của con người; qua đó tạo ra các kháng thể trung hòa để ngăn chặn quá trình liên kết khi virus thật xâm nhập.
Idania Caballero - nhà khoa học dược phẩm tại BioCubaFarma, công ty dược phẩm có trụ sở tại La Habana - chỉ ra rằng, vắc-xin được xây dựng dựa trên nhiều thập niên tiến bộ khoa học y tế đối với các bệnh truyền nhiễm mà quốc gia đã tích lũy.
Bằng cách phát triển các nền tảng vắc-xin khác nhau, những tổ chức nghiên cứu tại Cuba tránh được việc cạnh tranh về nguồn lực. Caballero giải thích rằng: “Cuba có khả năng sản xuất hai chuỗi vắc-xin độc lập, với hơn 90 triệu liều vắc-xin hàng năm”.
Các loại vắc-xin của Cuba yêu cầu ba mũi tiêm và vì chúng ổn định ở nhiệt độ từ 2 - 8 độ C, sản phẩm không yêu cầu thiết bị làm lạnh đặc biệt đắt tiền.
Các nhà khoa học y tế Cuba tự tin rằng họ có đủ năng lực và kinh nghiệm để điều chỉnh các công thức, công nghệ và quy trình sản xuất vắc-xin nhằm giải quyết các biến thể mới.
Cuba tuyên bố rằng vắc-xin COVID-19 của họ sẽ được xuất khẩu sang các nước khác. Điều này mang lại hy vọng cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, những nơi không có khả năng tiêm vắc-xin cho cộng đồng vì chi phí cao (từ 10-30 USD mỗi liều vắc-xin của các hãng dược phẩm lớn).
Thông qua thỏa thuận giữa Cuba với Viện Pasteur Iran, 100.000 người Iran sẽ tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III cho Soberana 2. Ở Venezuela, 60.000 người cũng tình nguyện thử nghiệm Soberana 2. Các quốc gia khác bao gồm Mexico, Jamaica, Pakistan và Ấn Độ, Liên minh châu Phi - đại diện cho tất cả 55 quốc gia ở châu Phi, bày tỏ sự quan tâm đến việc nhận vắc-xin của Cuba.
Có khả năng Cuba sẽ tính giá bán vắc-xin dựa trên khả năng chi trả của từng quốc gia, nhằm đảm bảo yếu tố công bằng và bình đẳng, tương tự như cách quốc gia “xuất khẩu” các chuyên gia y tế của mình.
Theo phunuonline