Viêm da dị ứng là bệnh lý da liễu hình thành khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên gây hại từ môi trường. Khi đó, da người bệnh sẽ bị khô, bong tróc, ngứa dữ dội và nổi mẩn đỏ. Trong trường hợp nặng hơn, ngoài các dát đỏ trên da, có thể có mụn nước, rỉ dịch.

Viêm da dị ứng kéo dài (mạn tính) và có xu hướng bùng phát thành từng đợt khi có điều kiện thuận lợi như khí hậu hanh khô, người bệnh thường xuyên phải tiếp xúc với hóa chất, xà phòng... Bệnh có thể đi kèm với hen suyễn, mày đay hoặc viêm mũi dị ứng.

Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ hơn. Trong trường hợp nhẹ đến trung bình bác sĩ có thể kê đơn thuốc corticoid bôi ngoài da.

Điều gì sẽ xảy ra khi dùng quá nhiều corticoid trị viêm da dị ứng?- Ảnh 2.
 

Viêm da dị ứng khiến người bệnh ngứa ngáy, khó chịu.

1. Lạm dụng thuốc tăng nguy cơ gặp tác dụng phụ của thuốc

Các thử nghiệm lâm sàng đã chỉ ra rằng, corticoid tại chỗ an toàn và hiệu quả trong điều trị các đợt bùng phát viêm da dị ứng khi sử dụng trong tối đa 4 tuần, mặc dù nhiều đợt bùng phát có thể được kiểm soát trong thời gian ngắn hơn.

Để giảm thiểu độc tính, nên sử dụng corticoid tại chỗ trong thời gian ngắn nhất có thể để kiểm soát cơn bùng phát. Sau khi đợt bùng phát được giải quyết, nên sử dụng các chiến lược phòng ngừa tối đa để kiểm soát bệnh.

Nhìn chung, khi sử dụng thuốc đúng liều lượng theo chỉ định của bác sĩ, corticoid bôi ngoài da đem lại hiệu quả điều trị tốt. Tuy nhiên, nếu lạm dụng thuốc trong thời gian dài hoặc sử dụng corticoid mạnh trong vài tuần đến vài tháng hay trên một diện tích da lớn, sẽ tăng nguy cơ gặp tác dụng phụ của thuốc.

- Tác dụng phụ tại chỗ khi bôi corticoid

Thường gặp nhất là cảm giác châm chích, bỏng rát nhẹ. Ngoài ra, thuốc có thể gây các tác dụng phụ khác như teo da, nổi mẩn, dễ bầm tím, rậm lông, phát ban giống như mụn trứng cá, giãn mạch, giảm sắc tố, rạn da, chậm liền vết thương.

Để ngăn ngừa những tác động này, chỉ sử dụng các chế phẩm có hiệu lực thấp trên mặt, nách và háng (bao gồm cả viêm da tã lót); thận trọng khi sử dụng các chế phẩm có hiệu lực cao.

- Tác dụng phụ toàn thân khi corticoid

Các tác dụng phụ toàn thân thường xảy ra nhất khi sử dụng các thuốc có tác dụng mạnh (thậm chí trong thời gian ngắn) hoặc khi sử dụng các thuốc có hiệu lực trung bình trên diện tích da lớn trong thời gian dài, đặc biệt ở trẻ sơ sinh tỷ lệ giữa diện tích da và cân nặng lớn, do đó dễ ngấm thuốc qua da hơn so với người lớn.

Các tác dụng phụ toàn thân của thuốc corticoid thường là:

  • Ức chế trục hạ đồi - tuyến yên - tuyến thượng thận.
  • Hội chứng Cushing, chậm lớn ở trẻ em.
  • Tăng nhãn áp và đục thủy tinh thể.

2. Cách dùng corticoid bôi tại chỗ

Corticoid tại chỗ là phương pháp điều trị chính cho các đợt bùng phát, phối hợp với dưỡng ẩm đem lại hiệu quả trị liệu tốt cho các trường hợp viêm da dị ứng.

Dựa vào hiệu lực của thuốc

- Ưu tiên lựa chọn các thuốc có hiệu lực thấp ở trẻ sơ sinh vì trẻ có tỷ lệ diện tích bề mặt da trên khối lượng cơ thể tương đối cao hơn so với trẻ lớn và người lớn, làm tăng khả năng hấp thu đường toàn thân của thuốc.

Ví dụ, để kiểm soát các đợt bùng phát viêm da dị ứng, các chế phẩm có hiệu lực thấp (ví dụ, thuốc mỡ hydrocortisone 1% hoặc 2,5%) thường là đủ ở trẻ sơ sinh, trong khi ở người lớn và thanh thiếu niên, các thuốc có hiệu lực trung bình (ví dụ, triamcinolone 0,1%) hoặc hiệu lực cao (ví dụ mometasone 0,1%) là cần thiết.

- Chỉ nên sử dụng các thuốc hiệu lực thấp trên vùng mặt, háng và nách để giảm thiểu tác dụng phụ tại chỗ như mụn trứng cá, nổi mẩn, giãn mao mạch và teo da.

Điều gì sẽ xảy ra khi dùng quá nhiều corticoid trị viêm da dị ứng?- Ảnh 3.

Dùng thuốc corticoid trị viêm da dị ứng cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ để tránh những biến chứng nguy hiểm.

Dựa vào dạng bào chế của thuốc

- Thuốc mỡ (Ointment) là dạng thuốc có thể chất mềm. Tthành phần cấu tạo có nhiều tá dược thân dầu như vaselin, lanolin, mỡ, sáp… thích hợp với các loại da khô, sần sùi, sừng hóa.

- Dạng kem (Cream) cũng có thể chất mềm mịn với tá dược là các chất nhũ tương chứa một lượng chất lỏng đáng kể, thuận lợi với các tổn thương có dịch rỉ hoặc dùng để bôi vào các hốc sâu như âm đạo.

- Dạng gel có tá dược là các polyme thiên nhiên hoặc tổng hợp. Dạng này và các dạng lỏng khác như lotion, dạng xịt thích hợp với các tổn thương ở vùng có nhiều lông như da đầu hoặc nếp gấp (nách, bẹn).

3. Một số lưu ý khi dùng corticoid bôi ngoài da

Để sử dụng corticoid bôi ngoài da một cách an toàn và hiệu quả, cần lưu ý một số điểm sau:

- Thời gian bôi thuốc và số lần bôi trong ngày phải tuân theo chỉ định của bác sĩ da liễu.

- Dùng loại hoạt lực yếu nhất có hiệu quả trong thời gian ngắn nhất có thể, đặc biệt là ở trẻ em và người cao tuổi.

- Khi sử dụng đồng thời nhiều thuốc dùng ngoài, nên dùng cách nhau (ví dụ cách nhau 30 phút) để tránh làm pha loãng nồng độ của corticoid hoặc tránh lan rộng thuốc đến những vùng da không bị bệnh. Nếu sử dụng corticoid ngoài da cùng với sản phẩm dưỡng ẩm, nên bôi sản phẩm dưỡng ẩm trước, đợi khoảng 30 phút trước khi bôi corticoid tại chỗ, tránh dùng đồng thời vì có thể làm giảm hiệu quả của thuốc.

- Trong trường hợp sử dụng một corticoid bôi ngoài da kéo dài (từ vài tuần trở lên), không được ngừng thuốc đột ngột mà cần giảm liều dùng từ từ để tránh phản ứng dội ngược.

- Rửa tay sạch và lau khô tay sau khi bôi thuốc.

- Nếu tình trạng bệnh không cải thiện sau 2-4 tuần dùng thuốc, nên tái khám để bác sĩ đánh giá lại việc chẩn đoán và điều trị.

Theo suckhoedoisong.vn