Có nhiều nguyên nhân khiến một người cần được truyền máu như bị mất máu do chấn thương nặng, phẫu thuật hay bệnh thiếu máu, máu khó đông, bị một số loại ung thư, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).

 
leftcenterrightdel
 

Truyền nhầm nhóm máu sẽ khiến hệ miễn dịch tấn công tế bào máu vừa truyền và có thể dẫn đến các phản ứng nguy hiểm

SHUTTERSTOCK

Nếu máu được truyền từ người khác nhóm máu, hệ miễn dịch sẽ tấn công các tế bào máu đã truyền vào.

Nhóm máu được xác định bằng việc có hay không 2 kháng nguyên trên bề mặt tế bào hồng cầu. Các kháng nguyên này được đặt tên là A và B, xuất hiện bên cạnh một protein được gọi là yếu tố RH. Có hay không yếu tố RH sẽ giúp xác định là dương tính hay âm tính.

Từ đó, máu được chia ra làm 6 nhóm là A+, A-, B+, B-, AB+, AB-. Máu không có kháng nguyên là O, gồm 2 nhóm là O + và O-.

Do có tổng cộng 8 nhóm máu khác nhau nên người bệnh cần được xác định nhóm máu của mình và được truyền nhóm phù hợp.

Nếu truyền sai nhóm máu, cơ thể sẽ phản ứng rất nhanh với các triệu chứng như sốt, ớn lạnh, khó thở và buồn nôn.

Khi xuất hiện phản ứng này, nhân viên y tế sẽ ngừng truyền máu và thực hiện các kỹ thuật để ngăn ngừa đột quỵ, suy thận hay đông máu do truyền nhầm nhóm máu.

Tuy nhiên, việc truyền nhầm nhóm máu hay máu kém chất lượng là điều hiếm khi xảy ra.

Người hiến máu sẽ được sàng lọc kỹ lưỡng, trả lời một loạt câu hỏi để xem có sức khỏe tốt hay bệnh tật gì không. Máu hiến tặng sau đó sẽ được kiểm tra để tránh có chứa mầm bệnh, được phân chia thành các nhóm máu khác nhau.

Mỗi người cần tìm hiểu nhóm máu của mình để phòng trường hợp phát sinh cần phải truyền hay hiến máu. Bạn có thể tìm ra nhóm máu của mình bằng nhiều cách khác nhau như hỏi bác sĩ, kiểm tra sau khi lấy máu hoặc hiến máu, theo Healthline.

Theo Thanh niên