leftcenterrightdel
Phòng khám Y học cổ truyền Tuệ Lãn (quận 3, TPHCM) đang chia thang thuốc nam cho bệnh nhân COVID-19 

Hết bệnh nhưng SpO2 không vượt qua 90%

Chị Lê Thị Nguyệt, ngụ quận Tân Bình, gọi điện đến một bác sĩ quen hỏi vì sao mẹ chị 63 tuổi, đã điều trị COVID-19 hơn hai tuần, test âm tính nhưng đo nồng độ bão hòa oxy máu (SpO2) vẫn không qua được 90%. Bác sĩ yêu cầu chị đưa mẹ vào viện, chụp MRI phổi. Kết quả cho thấy, mẹ chị bị virus SARS-CoV-2 tàn phá nhu mô phổi hay còn gọi là xơ phổi. Do đó, mẹ chị cần nhập viện ngay để điều trị phổi. Chị Nguyệt cũng cho hay, trong khu điều trị hậu COVID-19 của bệnh viện có hàng chục bệnh nhân điều trị xơ phổi 3 - 4 tháng nay. Nhiều người chỉ hồi phục được khoảng 40 - 50% sau 3 - 4 tháng. Những bệnh nhân này đều được bác sĩ yêu cầu theo dõi tiến triển bệnh trong vòng một năm. 

Thống kê của các nước trên thế giới cho thấy, tổn thương phổi là vấn đề trọng yếu sau điều trị COVID-19, biểu hiện rõ nhất là xơ phổi - tình trạng nhu mô phổi bị phá hủy trong giai đoạn cấp tính, không thể phục hồi trạng thái nhu mô phổi bình thường, mà thay bằng những mô xơ. Những tổ chức xơ này không thực hiện được chức năng trao đổi khí CO2 và O2 ở phổi, dẫn đến tình trạng khó thở, đặc biệt là khó thở khi vận động thể lực.

Lương y Nguyễn Đức Nghĩa, Phòng khám Y học cổ truyền Tuệ Lãn, Phó chủ tịch Hội Đông y quận 3, cho biết, nhiều bệnh nhân đến phòng khám Tuệ Lãn với biểu hiện khó ngủ, đau vai gáy, mệt mỏi… sau điều trị COVID-19. Trong đó, đa số bệnh nhân có vấn đề về phổi yếu, viêm phổi, xơ phổi, với các triệu chứng tức ngực, khó thở, hụt hơi, lên cầu thang khó thở, ho đàm hoặc ho không có đàm. 

Các bài thuốc nam và chế độ ăn phục hồi phổi

Lương y Nguyễn Đức Nghĩa cho biết thêm, thời gian qua, ông đã điều trị cho nhiều bệnh nhân dứt điểm các triệu chứng trên bằng bài thuốc nam với các vị thuốc như: lá bướm bạc - tên khoa học Mussaenda pubescens Ait.f (12g), sâm bố chính - Hibiscus sagittifolius (12g), sâm đại hành - Eleutherine bulbosa (10g), hổ trượng - Reynoutrua japonica Houtt (10g). Tất cả vị thuốc xay thành trà pha nước uống hằng ngày, uống kèm với mật ong. Nếu bệnh nhân có tỳ vị yếu (đi phân lỏng) thì thêm miếng gừng bằng ngón tay (8g) pha với trà uống hằng ngày. 

Các vị thuốc trên đều có công dụng trị viêm phổi, viêm phế quản, trị ho, nhuận phế, long đàm, dưỡng tâm. Tùy theo thể trạng của mỗi người có thể dùng thuốc trong vòng bảy ngày đến một tháng. Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần kết hợp tập yoga, dưỡng sinh và chọn thức ăn có lợi cho phổi, hệ hô hấp để chiến thắng bệnh hậu COVID-19. 

Theo lương y Đinh Công Bảy, Tổng thư ký Hội Dược liệu TPHCM, sau khi mắc COVID-19, để bổ sung chất dinh dưỡng phục hồi sức khỏe của phổi, người bệnh cần ăn thực phẩm có màu trắng như: củ cải trắng, nấm tuyết, đậu ván trắng, súp lơ trắng… Bởi theo đông y, những thực phẩm màu trắng có tác dụng bổ phế. 

Ngoài ra, người bệnh cũng cần ăn những loại rau thơm có tinh dầu như rau húng, tía tô, bạc hà, kinh giới, hành, tần lá dày (húng chanh), tỏi (đen hoặc trắng đều tốt), gừng, sả… Vì tinh dầu nhiều loại vừa có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, cải thiện tuần hoàn máu vừa giữ ấm cơ thể (cơ thể ấm giúp tăng hoạt động của hệ miễn dịch).

Để phổi khỏe, bệnh nhân cần uống đủ nước (ít nhất 2 lít/ngày) giúp tuần hoàn máu - dịch thể lưu thông tốt (mang đủ oxy, chất dinh dưỡng, tế bào miễn dịch, thải độc, ổn định nhiệt độ của cơ thể…), chống khô tế bào niêm mạc, tiết đủ chất nhày bảo vệ hệ hô hấp.

Cũng theo đông y, việc chăm sóc cho hệ tiêu hóa (đường ruột) khỏe mạnh với các loại men tiêu hóa, sữa chua sẽ kéo theo hệ hô hấp khỏe mạnh. Bệnh nhân cũng cần ăn nhiều loại hoa quả bổ sung sức đề kháng và các loại vitamin cho cơ thể nhanh khỏe mạnh như: cam, táo, bí đỏ, gấc, dâu tây, dâu tằm, chuối, nho, trái bơ… Bổ sung các loại hạt, đậu: óc chó, mè, hạnh nhân, hạt dẻ, hạt bí ngô, đậu đỏ, đậu trắng, đậu ngự, đậu gà… Các loại chất xơ và yogurt tốt cho sức khỏe đường ruột, chống táo bón, cân bằng lợi khuẩn, tốt cho hệ miễn dịch.

Người mắc bệnh hậu COVID-19, viêm phổi cần tránh các loại thức ăn nhiều đường như: bánh ngọt, chè, nước ngọt, trà sữa, soda, nước tăng lực, kem… các loại thức ăn chế biến sẵn, bơ động - thực vật, phô mai, lạp xưởng, xúc xích, khoai tây chiên, nem, chả lụa, pizza, thị nướng, chiên giòn, rô-ti, thịt quay, trứng muối, rau củ ngâm muối… 

Theo phunuonline