1. Biểu hiện của mất ngủ, chán ăn ở bệnh nhân HIV/AIDS
1.1 Biểu hiện mất ngủ
- Mất ngủ đầu giấc: Người nhiễm HIV/AIDS khó vào giấc ngủ, lên giường nằm nhưng rất lâu (sau 2-3 giờ) mới có thể vào giấc ngủ.
- Mất ngủ giữa giấc: Bệnh nhân cũng có thể lên giường nằm và vào giấc ngủ không quá khó khăn, nhưng chỉ đến 1-2 giờ sáng thì họ lại thức giấc và phải đến 3-4 giờ sáng họ mới có thể ngủ tiếp được.
-Mất ngủ cuối giấc: Bệnh nhân cũng có thể vào giấc ngủ được, ngủ một mạch đến 3 giờ sáng rồi thức giấc và không ngủ lại được (thức luôn đến sáng).
Đôi khi từ ba kiểu mất ngủ trên, tình trạng mất ngủ trầm trọng dần và bệnh nhân không ngủ được tí nào trong ngày, khi đó gọi là mất ngủ hoàn toàn.
Mất ngủ khiến bệnh nhân rất thèm ngủ, họ thấy đêm rất dài, tiếng côn trùng (như con mọt đục gỗ) kêu rất to và đáng sợ. Khi thấy những người khác trong gia đình ngủ được thì họ rất khó chịu và tức tối với lý do khá vô lý là tại sao mọi người ngủ được còn họ thì lại không?
Mất ngủ khiến bệnh nhân mệt mỏi, uể oải, lo lắng, bồn chồn, dễ nổi cáu, hay quên... và dẫn đến chán nản, không uống thuốc điều trị. Vì vậy, mất ngủ kéo dài làm tăng tỷ lệ tử vong của bệnh nhân HIV/AIDS.
1.2 Biểu hiện chán ăn
Cũng như mất ngủ, chán ăn rất phổ biến ở người có HIV/AIDS. Bệnh nhân mất cảm giác ngon miệng, không muốn ăn nên ăn rất ít, dẫn đến sút cân. Nguyên nhân của chán ăn là do chính vius, do thuốc chống virus, do loét miệng, do trầm cảm và do chính mất ngủ kéo dài gây ra.
Do ăn ít, bệnh nhân gầy và yếu đi rất nhanh. Như vậy, cũng giống mất ngủ, chán ăn cũng làm tăng tỷ lệ tử vong của bệnh nhân HIV/AIDS.
2. Điều trị như thế nào?
Điều trị mất ngủ và chán ăn góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong và tăng chất lượng cuộc sống của bệnh nhân HIV/AIDS.
Điều trị mất ngủ và chán ăn ở bệnh nhân HIV/AIDS thường dùng thuốc chống trầm cảm SSRI phối hợp với thuốc an thần kinh mới, bởi thuốc dung nạp tốt, ít tác dụng phụ; không tương tác với các thuốc khác mà bệnh nhân cần dùng; không gây nghiện. Thuốc không độc với tim, gan, thận, tủy xương... của bệnh nhân.
Nhược điểm của thuốc là có thể gây ngủ nhiều (rất có lợi với người mất ngủ lâu ngày) và gây ăn nhiều dẫn đến tăng cân (rất có lợi với người sút cân trầm trọng).
Thuốc chống trầm cảm hay được chọn là sertraline, uống một lần vào buổi tối hoặc có thể dùng paroxetine, uống một lần vào buổi tối.
Thuốc an thần kinh mới hay dùng là olanzapine, uống buổi tối. Thuốc này gây ngủ nhiều, ăn ngon miệng nên dẫn đến ăn nhiều và tăng cân. Bệnh nhân có thể tăng 3-4 kg/tháng trong 1-2 tháng đầu điều trị. Về sau việc tăng cân sẽ ít đi nhưng cân nặng của bệnh nhân sẽ được giữ nguyên.
Ngoài ra, cũng có thể dùng quetiapine, uống một lần vào buổi tối. Trên thực tế cho thấy quetiapine cho hiệu quả điều trị mất ngủ và chán ăn kém hơn olanzapine, nên sẽ thích hợp hơn với bệnh nhân mất ngủ và chán ăn mức độ nhẹ. Thông thường dùng một thuốc chống trầm cảm (ví dụ sertraline) kết hợp với một thuốc an thần kinh mới (olanzapine).
Sau 4 tuần điều trị, đa số bệnh nhân có sự cải thiện rõ ràng về giấc ngủ và cảm giác ngon miệng. Mặc dù vậy, hiệu quả sẽ rõ ràng hơn sau 8-12 tuần điều trị. Bên cạnh việc cải thiện về giấc ngủ và cảm giác ngon miệng, bệnh nhân còn đỡ mệt mỏi, hết lo lắng, bồn chồn, chán nản, bi quan… Nhiều bệnh nhân sẽ tiếp tục làm việc, lao động như trước đây, có thu nhập để tự nuôi sống mình và điều trị bệnh.
Tuy nhiên, việc dùng thuốc điều trị mất ngủ và chán ăn ở bệnh nhân HIV/AIDS phải kéo dài. Người ta có thể dùng một đợt điều trị 6-12 tháng rồi ngừng thuốc và tái điều trị khi bệnh nhân có mất ngủ và chán ăn nặng trong 3 ngày liên tục. Nhưng cách điều trị củng cố phổ biến hơn là uống thuốc hằng ngày, liên tục trong nhiều năm (đến hết đời) để đảm bảo kết quả điều trị ổn định vững chắc.
Theo suckhoedoisong.vn