Mất ngủ là chứng bệnh thường gặp của thời hiện đại, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của khoảng 1/3 dân số thế giới. Bệnh ngày càng có xu hướng gia tăng và trẻ hóa, đặc biệt sau đại dịch Covid-19.

40% bệnh nhân mất ngủ sau khi mắc Covid-19

Ở Việt Nam, con số thống kê chưa đầy đủ đầu năm 2022 đã ghi nhận 40% bệnh nhân sau khi mắc Covid-19 gặp tình trạng bệnh lý này. Bệnh với nhiều hình thái khác nhau nhưng vẫn là sự suy giảm về thời lượng và chất lượng giấc ngủ.

Mất ngủ kéo dài không được điều trị kịp thời và triệt để sẽ trở thành yếu tố nguy cơ dẫn đến nhiều hệ lụy không đáng có. Bệnh có thể gây suy nhược thần kinh, loạn thần, trầm cảm, sa sút trí tuệ, thiểu năng tuần hoàn não kinh diễn, thiếu máu cơ tim, đột quỵ não, đột quỵ tim... Mất ngủ cũng đặc biệt nguy hiểm ở người cao tuổi, mắc các bệnh lý nền như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, tiểu đường, vữa xơ động mạch.

Hiện nay, để trị liệu tình trạng mất ngủ, y học hiện đại thường kết hợp chặt chẽ giữa giải quyết nguyên nhân, điều trị cơ chế bệnh sinh và triệu chứng bằng nhiều biện pháp khác nhau. Trong đó, có việc chọn lựa và sử dụng các thuốc chống lo âu trầm cảm, an thần trấn tĩnh, thuốc ngủ kết hợp với tâm lý liệu pháp, tư vấn thay đổi lối sống, thói quen sinh hoạt, ăn uống, tập luyện thể dục thể thao.

leftcenterrightdel
 Mất ngủ kéo dài không được điều trị kịp thời và triệt để sẽ trở thành yếu tố nguy cơ dẫn đến nhiều hệ lụy không đáng có. Ảnh: Goodfon

Tuy nhiên, nhiều trường hợp hiệu quả còn thấp, chưa làm hài lòng bệnh nhân và thầy thuốc. Đặc biệt, trường hợp sử dụng thuốc an thần, gây ngủ lâu dài hoặc lạm dụng dẫn đến những tác dụng không mong muốn, quen thuốc, nghiện thuốc.

Điều trị mất ngủ bằng y học cổ truyền

Trong y học cổ truyền, tình trạng mất ngủ thuộc phạm vi chứng bệnh như thất miên, mục bất minh, bất đắc miên… Bệnh từ nhiều nguyên nhân như bẩm thụ tiên thiên bất túc (di truyền), rối loạn tình chí (căng thẳng tâm thần kinh), ẩm thực bất điều (ăn uống không hợp lý và khoa học), lao lực quá độ (làm việc quá sức), rối loạn công năng các tạng phủ (mắc các bệnh lý mạn tính), sang chấn do trật đả (chấn thương), tình dục thái quá (sinh hoạt nam nữ quá mức), sử dụng thuốc không hợp lý…

Những yếu tố này tác động lâu ngày khiến mất cân bằng âm dương, tổn thương khí huyết, rối loạn công năng các tạng phủ, đặc biệt tâm, can, tỳ, thận. Tùy theo nguyên nhân, bộ vị, tính chất, mức độ, chúng được chia ra làm nhiều thể bệnh như tâm tỳ hư, tâm huyết âm hư, can dương vượng, âm hư hỏa vượng, tâm thận bất giao, can đởm hỏa vượng, đàm niệt nội nhiễu…

Theo y học cổ truyền, để phòng chống hiệu quả tình trạng mất ngủ, bạn phải tuân thủ hai nguyên tắc chính là toàn diện (chỉnh thể) và biện chứng luận trị. Hai nhóm biện pháp chủ yếu là dùng thuốc và không dùng thuốc.

Việc dùng thuốc tùy theo thể bệnh mà lựa chọn các bài thuốc cổ gia giảm hợp lý dưới nhiều dạng bào chế khác nhau như thuốc sắc, thuốc cao, thuốc hoàn mềm hoặc cứng, thuốc đan, thuốc tán hoặc bột thuốc. Ngoài ra, chúng ta còn có các dạng thuốc được sử dụng dưới dạng món ăn (gọi là dược thiện) như trà thuốc, rượu thuốc, cháo thuốc, canh thuốc… mang đậm tính tự nhiên, rất dễ được cơ thể con người chấp nhận.

Ngoài việc dùng thuốc uống, bệnh nhân có thể kết hợp với các thuốc dùng ngoài dưới hình thức xông, xoa, bôi, đắp, tắm, ngâm… Nhiều phương thuốc được dùng để ngâm chân trước khi đi ngủ cũng đem lại hiệu quả khá tốt trong việc cải thiện giấc ngủ.

Các phương pháp không dùng thuốc để dự phòng và trị liệu mất ngủ của y học cổ truyền cũng rất phong phú. Chúng chủ yếu chia hai nhóm. Nhóm đầu tiên là thực hiện các thủ thuật như châm cứu, xoa bóp, day bấm huyệt, cấy chỉ Catgut vào huyệt. Nhóm còn lại là thực hành môn tập cổ truyền (tập khí công, dưỡng sinh, thái cực quyền, yoga, đạt ma dịch cân kinh, thiền) nhằm mục đích nâng cao chính khí, cân bằng âm dương, hoạt huyết thông mạch và điều hòa công năng các tạng phủ, giúp bổ não ích trí, kiện tỳ hòa vị, bình can tư thận, dưỡng tâm an thần.

Ngoài ra, y học cổ truyền cũng rất chú trọng đến việc tư vấn cho người bệnh tạo dựng đời sống tinh thần cân bằng, thư thái. Ví dụ, bạn không thức quá khuya và nên dậy sớm, không ăn quá no hay không để quá đói vào bữa tối, hạn chế các chất kích thích. Những thực phẩm có tính chất an thần như chè hạt sen, long nhãn, canh lá vông, canh hoa thiên lý, trà tâm sen, trà lạc tiên, trà nụ hoa tam thất, cũng hỗ trợ hiệu quả.

Theo Zing