Ung thư biểu mô tế bào gan cần phát hiện sớm để tăng cơ hội sống sót
Thông tin từ Hội nghị tiêu hóa Việt Nam năm 2022, ung thư biểu mô tế bào gan là bệnh thường gặp và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong liên quan đến ung thư tại Việt Nam, nhưng việc chẩn đoán và điều trị HCC vẫn luôn là thách thức, đòi hỏi phối hợp nhiều chuyên khoa.
Ở giai đoạn sớm, các triệu chứng và dấu hiệu ung thư biểu mô tế bào gan không đặc hiệu. Để chẩn đoán bệnh cần dựa trên nồng độ alpha-fetoprotein (AFP), chẩn đoán hình ảnh và sinh thiết gan.
Đối với bệnh nhân có nguy cơ cao (viêm gan B mạn tính, viêm gan C, uống nhiều rượu), việc sàng lọc bằng làm xét nghiệm AFP định kỳ và làm siêu âm sẽ giúp phát hiện sớm ung thư biểu mô tế bào gan trước khi các triệu chứng của bệnh xuất hiện.
Việc chẩn đoán sớm, chính xác sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, ít xâm lấn và mang lại hiệu quả cao. Ung thư biểu mô tế bào gan được phát hiện càng sớm thì kết quả điều trị và tiên lượng sống càng tốt. Giai đoạn rất sớm (giai đoạn 0) tỉ lệ sống còn trên 5 năm là 70-90%; giai đoạn sớm (giai đoạn A), tỉ lệ này còn 50-70%. Càng giai đoạn muộn hơn thì tỉ lệ sống còn càng giảm.
Các phương pháp điều trị ung thư biểu mô tế bào gan
Theo Hội gan mật Việt Nam, hiện nay có nhiều phương pháp điều trị HCC. Dựa vào giai đoạn bệnh (HCC được chia làm 05 giai đoạn), tính chất của khối u (kích thước, vị trí và số lượng khối u) và đặc điểm của người bệnh (tuổi, thể trạng, chức năng gan, các bệnh lý nội - ngoại khoa kèm theo)... mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.
Phương pháp điều trị triệt căn ung thư biểu mô tế bào gan
Theo ThS.BS.Nguyễn Thị Thanh Mai – BV Chợ Rẫy, điều trị triệt căn ung thư biểu mô tế bào gan có những phương pháp sau:
-Phẫu thuật: Phẫu thuật cắt bỏ phần gan có khối u là phương pháp điều trị triệt để và an toàn ngay cả đối với các người bệnh có xơ gan. Phẫu thuật cắt gan được tiến hành cho những người bệnh có một khối u đơn độc, chức năng gan còn tốt và không có tăng áp lực tĩnh mạch cửa.
-Ghép gan: Đây là phương pháp điều trị triệt để ung thư biểu mô tế bào gan bằng cách thay thế gan bệnh bằng gan khỏe mạnh. Phương pháp này chủ yếu dành cho những trường hợp khối u có kích thước không quá 5cm; hoặc không quá 3 khối u, mỗi u không quá 3cm; những khối u chưa xâm lấn mạch máu và chưa di căn xa.
-Phương pháp hủy u qua da (còn gọi là đốt u được thực hiện bằng sóng cao tần -RFA): Phương pháp này dành cho những người bệnh phát hiện bệnh sớm khi số lượng khối u có kích thước không quá 3cm hoặc một khối u kích thước không quá 5cm. Thực hiện dưới hướng dẫn siêu âm hoặc CT, đầu kim được đưa qua da tiếp cận tới khối u, đầu kim phát ra vùng nhiệt để bao phủ và tiêu diệt khối u.
Sử dụng hóa chất để cắt nguồn máu nuôi
Đặc điểm của khối u gan là cần máu tới nuôi dưỡng. Vì vậy với trường hợp không dùng được phương pháp phẫu thuật, có thể sử dụng phương pháp bơm hóa chất vào động mạch nuôi khối u:
-Nút mạch hóa chất thường quy (TACE): Đây là biện pháp chấm dứt nguồn cấp máu từ động mạch tới khối u, đồng thời đưa hóa chất diệt ung thư vào khối u, với mục đích làm cho khối u bị hoại tử.
Phương pháp này dành cho những người bệnh có khối u gan không còn cắt được, u đã xuất hiện ở hai thùy, nhưng chưa đi vào máu và lan ra ngoài cơ quan khác.
-Xạ trị trong chọn lọc (SIRT): Đây là phương pháp mà các hạt vi cầu phóng xạ Ytrium-90 được bơm vào động mạch nuôi khối u gan. Các hạt vi cầu này sẽ đi vào các nhánh động mạch nhỏ trong khối u và gây tắc mạch máu nuôi u, tiêu diệt các tế bào ung thư. Phương pháp này chỉ định với bệnh nhân không còn khả năng phẫu thuật/chống chỉ định phẫu thuật, tổng trạng sức khỏe tốt, chức năng gan còn bù và chưa từng xạ trị vào gan trước đó
-Truyền hóa chất qua động mạch gan (HAIC): Phương pháp này sử dụng buồng truyền và dây dẫn đặt chọn lọc vào động mạch gan sau khi đã nút tắc các nhánh mạch của động mạch gan cấp máu cho các tạng khác. Với phương pháp này, hóa chất khu trú tại gan nên giảm các tác dụng phụ hơn so với hóa trị toàn thân. Chỉ định HAIC cho các trường hợp HCC giai đoạn tiến xa có xâm lấn tĩnh mạch cửa.
Điều trị toàn thân ung thư biểu mô tế bào gan
Tại Việt Nam, phần lớn các bệnh nhân HCC khi được phát hiện, chẩn đoán đã ở giai đoạn quá chỉ định phẫu thuật. Do đó, hầu hết chỉ sử dụng được những phương pháp điều trị mới giúp kéo dài sự sống, giảm nhẹ triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Điều trị toàn thân chỉ định cho các trường hợp bệnh giai đoạn tiến xa hoặc giai đoạn muộn, tức là ung thư đã xâm lấn mạch máu đại thể hoặc di căn xa. Hoặc bệnh nhân ở giai đoạn trung gian, nhưng đã thất bại hoặc không phù hợp với phương pháp can thiệp tại chỗ.
-Liệu pháp nhắm trúng đích: Sử dụng cho HCC tiến triển, không còn chỉ định phẫu thuật. Các thuốc sorafenib, lenvatinib, regorafenib... là các thuốc đích đường uống, có cơ chế ngăn chặn các đường dẫn tín hiệu gây phát triển khối u trong các tế bào ung thư. Do đó có tác dụng ngăn chặn tế bào ung thư phát triển, phân chia và di căn.
Sorafenib là thuốc ra đời sớm nhất và được coi là điều trị bước 1 chuẩn cho các trường hợp HCC tiến triển. Lenvatinib cũng được khuyến cáo là điều trị bước 1 cho các bệnh nhân HCC tiến triển. Regorafenib được chấp thuận là thuốc điều trị bước 2 cho HCC khi đã thất bại với sorafenib.
-Liệu pháp miễn dịch: Phương pháp này giúp kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể nhận biết tế bào ung thư và tiêu diệt. Trong đó pembrolizumab là các thuốc ức chế chốt kiểm soát miễn dịch cho thấy có thể cải thiện thời gian sống còn ở các người bệnh HCC sau khi thất bại điều trị với các thuốc nhắm trúng đích.
Một số nghiên cứu cho thấy việc kết hợp bevacizumab và atezolizumab cho hiệu quả trong cải thiện thời gian sống thêm không bệnh của người bệnh HCC giai đoạn muộn hoặc tái phát.
-Kháng sinh mạch máu: Dùng thuốc giúp thoái triển mạch máu, ức chế sự phát triển mạch máu mới, chống thấm các mạch máu còn sống sót.
Ngoài các liệu pháp trên, cần phải điều trị hỗ trợ những bệnh lý đi kèm, bệnh lý gan nền, nâng đỡ chức năng gan, hỗ trợ dinh dưỡng để nâng tổng trạng,
Sau khi điều trị, bệnh nhân cần tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ. Mỗi lần tái khám, bệnh nhân sẽ được đánh giá về lâm sàng, các xét nghiệm cận lâm sàng và hình ảnh học để đánh giá kết quả điều trị, theo dõi diễn tiến bệnh và phát hiện tái phát hay không.
Chiến lược dự phòng ung thư biểu mô tế bào gan ở bệnh nhân HBV
Theo báo cáo khoa học của BS. Trần Văn Huy - Đại học y dược Huế: Viêm gan virus B (HBV) mạn là nguyên nhân quan trọng nhất gây HCC ở Việt Nam. Để giảm tối đa diễn biến đến HCC do HBV, cần một chiến lược dự phòng toàn diện, đa chuyên khoa. Chiến lược này bao gồm dự phòng tiên pháp, dự phòng thứ phát và dự phòng cấp 3.
- Dự phòng tiên phát bao gồm dự phòng nhiễm viêm gan virus B bằng việc tiêm chủng vaccine viêm gan B cho người chưa nhiễm. Trong đó việc dự phòng lây truyền từ dọc từ mẹ sang con đóng vai trò rất quan trọng, với sự kết hợp hợp lý cả 3 biện pháp: Tiêm vaccine viêm gan B và kháng huyết thanh sớm sau khi sinh kèm theo việc sử dụng hợp lý hiệu quả các thuốc kháng HBV vào khoảng 3 tháng cuối thai kỳ.
- Trong dự phòng thứ phát, việc sử dụng hợp lý các thuốc kháng HBV như tenofovir DF, entecavir và một thuốc mới gần đây là tenofovir alafenamide (TAF) đã được chứng minh là làm giảm có ý nghĩa diễn biến HCC.
Ngoài ra, với trường hợp có nguy cơ cao, việc phân tầng và theo dõi định kỳ tiến triển bệnh sẽ giúp chẩn đoán sớm HCC sẽ mang lại tiên lượng tốt hơn.
Dự phòng cấp 3 bao gồm việc sử dụng kéo dài các thuốc kháng HBV ở các bệnh nhân HCC đã được điều trị loại bỏ khối u, nhằm hạn chế hoặc làm chậm sự xuất hiện của khối u tái phát.
Theo suckhoedoisong.vn