|
|
Cơ thể sẽ có phản ứng khác thường trước thời tiết cực đoan. Ảnh:Spectrum News. |
Thông tin từ Britannica chỉ ra con người vốn là động vật máu nóng, với khả năng duy trì nhiệt độ cơ thể ổn định bất chấp nhiệt độ môi trường. Dưới những thay đổi nhiệt độ, cơ thể sẽ truyền thông tin qua hệ thần kinh và hệ tuần hoàn đến não, khi đó, não sẽ “ra lệnh” điều chỉnh nhịp thở, lượng đường huyết và tốc độ trao đổi chất để bù đắp cho những thay đổi nhiệt độ.
Nhiệt độ để cơ thể hoạt động bình thường của mỗi người nhìn chung sẽ khoảng 37 độ C. Khi hoạt động của các cơ quan không thể khiến cơ thể quay về nhiệt độ lý tưởng này, những vấn đề sức khỏe sẽ xuất hiện.
Sốc nhiệt trước cái nóng
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết nhiệt độ phòng 18 độ C được coi là lý tưởng với người khỏe mạnh, và 20 độ C với người già, trẻ nhỏ hoặc người gặp vấn đề sức khỏe.
Khi thời tiết nóng bức, cơ thể sẽ đổ mồ hôi nhằm hạ nhiệt. Tuy nhiên, nếu độ ẩm không khí cao, việc đổ mồ hôi sẽ không còn hiệu quả. Máu sẽ không còn hạ nhiệt và khiến nhiệt độ cơ thể tăng. Khi này, lưu lượng máu đến da tăng và gây căng tim.
Tạp chí TIME thông tin thân nhiệt cứ tăng 0,5 độ C thì nhịp tim tăng 10 lần mỗi phút, dẫn đến mạch đập nhanh và cảm giác choáng váng. Não ra lệnh cho các cơ hoạt động chậm lại và gây mệt mỏi. Các tế bào thần kinh lúc này hoạt động sai lệch, dẫn đến đau đầu, buồn nôn hoặc thậm chí nôn mửa.
|
|
Người dân ở Pakistan dội nước làm mát cơ thể năm 2015. Ảnh:Bloomberg. |
Đổ mồ hôi quá nhiều sẽ khiến chất điện giải cơ thể bị mất cân bằng và có thể gây chuột rút. Đây là khởi đầu của tình trạng kiệt sức, và nếu không có giải pháp khắc phục, sẽ sớm gây rủi ro đến những cơ quan quan trọng.
Khi thân nhiệt vượt quá 40 độ C, các cơ quan bắt đầu ngừng hoạt động và các tế bào bị hư hại. Tim hoạt động quá sức và có thể ngừng tim, gây sốc nhiệt. Người bệnh có thể bắt đầu bị ảo giác hoặc lên cơn co giật.
Bên trong, tình trạng viêm nhiễm tăng lên và gây áp lực lên thận - cơ quan chịu trách nhiệm đào thải độc tố. Khi thận không thải độc, các cơ quan khác sẽ bắt đầu bị tổn hại, theo chuyên gia Jason Kai Wei Lee từ Trường Y Singapore.
Run rẩy khi gặp lạnh
Thời tiết mát mẻ sẽ khó xảy ra tình trạng hạ thân nhiệt. Trang BetterHealth cho hay khi nhiệt độ ngoài trời thấp hơn nhiệt độ cơ thể, con người sẽ mất nhiệt ra môi trường, và yêu cầu cơ thể phải hoạt động nhiều hơn để tạo ra nhiệt bù đắp cho lượng nhiệt đã mất. Nếu không, một người sẽ bắt đầu có hiện tượng hạ thân nhiệt khi nhiệt độ cơ thể giảm dưới 35 độ C.
Khi cơ thể bắt đầu hạ nhiệt, phản ứng phòng vệ ban đầu sẽ là run rẩy, lúc này các cơ sẽ hoạt động nhiều hơn để sinh nhiệt, bù đắp cho lượng nhiệt thiếu hụt.
Một cơ chế khác là "nổi da gà" khi trời lạnh. Trường Y Harvard, Mỹ, cho biết đây là phản ứng của cơ thể để giữ nhiệt. Các cơ trên da co lại, tạo ra nhiệt. Các nang lông nổi lên khiến lỗ chân lông trên da đóng lại, và những sợi lông dựng đứng giữ lại một lớp không khí gần da, giữ nhiệt cho cơ thể.
Nhiệt độ bên ngoài dưới 0 độ C là một câu chuyện khác. “Ở thời tiết âm 34 độ C, nếu một người không mặc quần áo ấm, họ sẽ bị hạ thân nhiệt. Tình trạng này sẽ xuất hiện chỉ trong 5-7 phút ở môi trường âm 40-45 độ C”, Robert Glatter, bác sĩ cấp cứu tại Bệnh viện Lenox Hill (New York, Mỹ), cho biết.
|
|
Người dân đi bộ trong thời tiết giá rét. Ảnh:SignatureMD. |
Nhiệt độ cơ thể giảm khiến các cơ quan quan trọng, bao gồm não và tim, không hoạt động hiệu quả. Tim hoạt động kém hiệu quả làm giảm lượng máu được bơm đến nhiều cơ quan, khiến cơ thể bị sốc cũng như làm tăng nguy cơ suy gan, thận.
“Khi thân nhiệt cơ thể bị giảm còn 33 độ C, bạn có thể bị mất trí nhớ. Ở nhiệt độ 28 độ C, bạn có thể bất tỉnh. Cơ thể dưới 21 độ C bị coi là hạ thân nhiệt nghiêm trọng và có thể gây tử vong”, Michael Sawka, thành viên thuộc Viện Y học Môi trường của Quân đội Mỹ, trả lời phỏng vấn Live Science năm 2010.
Trường hợp nhiệt độ cơ thể thấp nhất đã sống sót được ghi nhận là của bà Anna Bågenholm, người Thụy Điển. Bà đã gặp tai nạn trượt tuyết và được cứu sống sau khi mắc kẹt 80 phút trong lớp băng, khiến nhiệt độ cơ thể giảm còn 13,7 độ C.
Theo lifestyle.znews