Thói quen bỏ bữa sáng, ghét rau xanh
Chị T.T.M.L. (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) chia sẻ, với chị, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho con trai (8 tuổi) khi bước vào năm học mới là vấn đề vô cùng nan giải. Từ lúc bắt đầu vào bậc tiểu học, con chị gầy sụt đi. Năm học trước, mỗi sáng, “cuộc chiến” thức dậy của con chị là một thử thách không nhỏ với cả nhà. Dù đã đặt báo thức, bé vẫn thường xuyên dậy muộn. Việc ăn sáng trở nên gấp gáp, thậm chí bé chưa kịp ăn đã vội vã đến trường. Chị L. rất lo lắng vì biết rằng bữa sáng đóng vai trò quan trọng, cung cấp năng lượng cho cả buổi học. Vì không ăn sáng nên bé thường xuyên than mệt mỏi, chóng mặt vào giữa buổi, ảnh hưởng đến việc học tập. Kết quả học tập cũng vì thế mà giảm sút. Hè qua, chị đưa con đi khám, bác sĩ cho biết bé bị thiếu máu nhẹ do thiếu sắt, một phần là do chế độ dinh dưỡng không đầy đủ. Năm học mới bắt đầu, chu kỳ nhịn ăn sáng của bé lặp lại khiến chị L. vô cùng lo lắng.
|
Để trẻ luôn khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng, cha mẹ nên xây dựng một chế độ ăn đa dạng, bao gồm nhiều loại thực phẩm giàu dinh dưỡng - Ảnh minh họa: Internet |
Dinh dưỡng cho trẻ trong năm học mới là mối quan tâm của đông đảo bà mẹ. Chị Đ.T.T.M. (ngụ quận 7, TPHCM) cho biết con gái chị đang ở độ tuổi dậy thì, rất cần đầy đủ dinh dưỡng để phát triển. Tuy nhiên, bé rất kén ăn, đặc biệt không thích rau xanh, trái cây. Mỗi bữa ăn là một cuộc chiến căng thẳng giữa chị và con. Chị M. đã thử nấu những món ăn hấp dẫn, trang trí bắt mắt, thậm chí còn cho con xem những video về lợi ích của việc ăn rau. Dù vậy, bé vẫn một mực từ chối. Thực đơn ăn trưa ở trường không có nhiều sự lựa chọn nên món ăn khó phù hợp với khẩu vị của bé. Hậu quả là bé thường xuyên bị táo bón, sức đề kháng kém, thường bệnh vặt. Các bệnh vặt này khiến bé phải nghỉ học nhiều, ảnh hưởng đến kết quả học tập.
Trẻ có bệnh lý nền rất khó khăn khi bổ sung dinh dưỡng ở trường
Thêm một trường hợp là câu chuyện của chị N.T.D. (ngụ huyện Nhà Bè, TPHCM). Con gái chị (10 tuổi) bị trào ngược dạ dày từ khi còn nhỏ. Dù tuân thủ phác đồ điều trị nhưng tình trạng bệnh của bé vẫn chưa ổn định. Bé rất sợ ăn bởi mỗi khi ăn xong lại bị ợ chua, ợ nóng. Thực đơn ở trường thường không phù hợp với chế độ ăn của bé, khiến bé rất hạn chế trong việc lựa chọn đồ ăn. Những món ăn có vị chua, cay, nhiều dầu mỡ đều có thể làm tình trạng bệnh của bé trở nên nghiêm trọng hơn khiến bé thường xuyên cảm thấy lo lắng và sợ hãi mỗi khi đến giờ ăn. Bé thường ăn rất ít và chọn những món nhạt nhẽo, dễ tiêu hóa, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhiều chất dinh dưỡng cần thiết. Việc ăn uống không đủ chất khiến bé mệt mỏi, thiếu năng lượng, ảnh hưởng đến quá trình học tập và các hoạt động thể chất. Bên cạnh đó, bé thường tự ti vì chế độ ăn khác biệt so với các bạn. Một lần, lớp bé tổ chức sinh nhật cho một bạn với pizza, gà rán, nước ngọt… Thấy các bạn ăn ngon lành, bé cũng rất muốn thưởng thức nhưng phải kiềm chế vì phải kiêng món ăn cay, nóng, dầu mỡ…
Hiện tại, nhiều học sinh, đặc biệt là những em có bệnh lý nền, gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm những bữa ăn đủ chất tại trường. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn đến khả năng học tập và phát triển toàn diện của trẻ.
Chế độ ăn đa dạng, cân đối dựa trên 8 nhóm thực phẩm
Trước nỗi trăn trở của các bậc cha mẹ về chế độ dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ khi bước vào năm học mới, bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Mạnh Hưng - Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 2 - đã có những lưu ý cụ thể.
Để trẻ luôn khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng, cha mẹ nên xây dựng một chế độ ăn đa dạng, bao gồm nhiều loại thực phẩm giàu dinh dưỡng. Trái cây tươi như cam, quýt, bưởi không chỉ cung cấp vitamin C giúp tăng cường hệ miễn dịch mà còn chứa nhiều chất chống ô xy hóa bảo vệ tế bào. Các loại rau xanh, sữa chua, hạt và các loại thảo mộc như nghệ, gừng cũng là những nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ thiết yếu. Thịt nạc, cá và các loại hạt giàu omega 3 như hạt chia, hạt lanh giúp trẻ phát triển trí não và thị lực. Một chế độ ăn cân bằng sẽ giúp trẻ luôn khỏe mạnh và sẵn sàng cho việc học tập.
|
Trẻ lười ăn rau dễ dẫn tới thiếu hụt nhiều vitamin và chất xơ. Từ đó, trẻ có thể thường xuyên bị táo bón khiến chất lượng sống và học hành giảm sút - Ảnh minh họa: Internet |
Vitamin và khoáng chất đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường hệ miễn dịch. Vitamin A giúp bảo vệ mắt và da, vitamin D giúp hấp thu canxi, vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng, sắt giúp vận chuyển ô xy đến các tế bào, kẽm hỗ trợ hệ miễn dịch và tăng trưởng. Để cung cấp đủ các dưỡng chất này cho trẻ, hãy cho bé ăn nhiều trái cây, rau xanh, thịt nạc, hải sản và các loại hạt. Ngoài ra, sữa chua cũng là một nguồn cung cấp canxi và vitamin D dồi dào.
Muốn trẻ nhận được nguồn dinh dưỡng đầy đủ, cha mẹ cần xây dựng chế độ ăn uống hợp lý dựa trên 8 nhóm thực phẩm quan trọng. Mỗi ngày trẻ cần được cung cấp đủ 5/8 nhóm thực phẩm. 8 nhóm thực phẩm quan trọng gồm nhóm lương thực (gạo, bắp, khoai, sắn…); nhóm các loại hạt; nhóm sữa và các sản phẩm từ sữa; nhóm thịt các loại, cá và hải sản; nhóm trứng và các sản phẩm từ trứng; nhóm củ quả có màu sẫm hoặc màu da cam và đỏ, rau có màu xanh thẫm; nhóm rau củ khác (trái cây, rau gia vị, củ gia vị), nhóm dầu mỡ và bơ.
Giai đoạn từ 6-18 tuổi là thời kỳ phát triển quan trọng, đòi hỏi chế độ dinh dưỡng cân đối và đa dạng. Trẻ từ 6-12 tuổi cần 3 bữa chính và 1-2 bữa phụ mỗi ngày, với các nhóm thực phẩm chính như tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Đến tuổi dậy thì (13-18 tuổi), nhu cầu năng lượng tăng cao, đặc biệt là ở bé trai. Vì vậy, khẩu phần ăn cần được tăng cường, chú trọng bổ sung chất đạm để xây dựng cơ bắp và canxi để phát triển xương. Bên cạnh đó, việc cung cấp đủ sắt, vitamin và khoáng chất cũng rất quan trọng. Đối với cả 2 độ tuổi, việc hạn chế đồ ăn nhanh, đồ uống có ga và duy trì thói quen ăn uống lành mạnh là vô cùng cần thiết. Một chế độ dinh dưỡng cân bằng sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ.
Tuy nhiên, mỗi trẻ là một cá thể riêng biệt, nhu cầu dinh dưỡng có thể khác nhau, đặc biệt với trẻ có bệnh lý nền. Cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được tư vấn về chế độ ăn phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Đối với trẻ dị ứng, bác sĩ dinh dưỡng sẽ tư vấn loại bỏ các thực phẩm gây dị ứng và lựa chọn thực phẩm thay thế. Đối với trẻ mắc các bệnh lý khác như tiểu đường, bệnh celiac hay các vấn đề về tiêu hóa, bác sĩ sẽ đưa ra hướng dẫn chi tiết về chế độ ăn đặc biệt. Để đảm bảo trẻ luôn được cung cấp bữa ăn phù hợp, phụ huynh nên phối hợp chặt chẽ với nhà trường. Nhà trường có thể tạo điều kiện cho trẻ mang theo đồ ăn riêng hoặc điều chỉnh thực đơn chung để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng đặc biệt của trẻ. Việc hợp tác giữa gia đình, nhà trường và bác sĩ sẽ giúp trẻ có được chế độ dinh dưỡng tốt nhất.
Theo phụ nữ TPHCM