Đổ nhiều hay ít mồ hôi phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ cường độ tập, nhiệt độ môi trường đến trọng lượng cơ thể - ẢNH: SHUTTERSTOCK
Khi tập luyện, cơ bắp càng hoạt động nhiều sẽ càng sinh nhiệt. Để duy trì thân nhiệt ở mức ổn định, cơ thể sẽ bắt đầu tiết ra mồ hôi để làm mát cơ thể. Về cơ bản, cơ bắp càng hoạt động nhiều thì càng phải tiết nhiều mồ hôi để làm mát cơ thể, theo Pop Sugar.
Vì vậy, có quan điểm phổ biến tin rằng đổ nhiều mồ hôi trong phòng gym là dấu hiệu cho thấy bạn đang tập luyện hiệu quả. Nhưng trên thực tế, không phải lúc nào cũng đúng như vậy.
Cơ thể đổ nhiều hay ít mồ hôi phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Tập luyện cường độ cao chỉ là một trong số các yếu tố đó.
“Cường độ tập chắc chắn là yếu tố quan trọng quyết định lượng mồ hôi đổ ra nhiều hay ít, nhưng đó không phải là yếu tố duy nhất”, Pop Sugar dẫn lời tiến sĩ Lindsay Baker, chuyên gia khoa học thể thao tại Viện Khoa học Thể thao Gatorade (Mỹ).
Một yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng đến lượng mồ hôi là môi trường. Ví dụ, bạn sẽ đổ ít mồ hôi hơn nếu tập luyện trong phòng gym có bật máy điều hòa so với tập ngoài trời hay trong phòng không có điều hòa.
Những yếu tố khác ảnh hưởng đến lượng mồ hôi là tỷ lệ mỡ, khả năng thích nghi với nhiệt độ bên ngoài, trọng lượng cơ thể và một số yếu tố khác. Vì vậy, rất khó để kết luận đổ nhiều mồ hôi hơn có nghĩa là tập luyện hiệu quả hơn, tiến sĩ Lindsay giải thích thêm.
Có một số người cơ thể họ tiết ra rất ít mồ hôi, ngay cả khi tập luyện. Điều này rất có thể là do yếu tố di truyền.
Ngược lại, một số trường hợp lại tiết rất nhiều mồ hôi. Đó có thể là dấu hiệu của hội chứng tăng tiết mồ hôi. Đây là bệnh khiến cơ thể đổ mồ hôi quá mức. Ngay cả khi không tập luyện, cơ thể người mắc cũng đổ rất nhiều mồ hôi, phổ biến nhất là ở nách và bàn tay.
Lượng mồ hôi cơ thể tiết ra trong quá trình tập luyện của mỗi người có thể khác nhau. Vì vậy, người tập không cần lo lắng nếu một buổi tập đổ quá nhiều hay quá ít mồ hôi, theo Pop Sugar.
Theo thanhnien