Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), viêm amidan là một trong những bệnh tai mũi họng phổ biến nhất trên toàn cầu, chiếm khoảng 30,6% tổng số người mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp. Nếu không điều trị sớm và dứt điểm sẽ dễ gây biến chứng, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sức khỏe của người bệnh.
Viêm amidan có thể thấy ở bất kỳ lứa tuổi nào. Tuy nhiên, phổ biến nhất vẫn là trẻ em trong độ tuổi 5 đến 15 tuổi, đặc biệt rất hiếm thấy xuất hiện ở trẻ dưới 3 tuổi. Ở lứa tuổi khác, dấu hiệu amidan thường xuất hiện ở người có tiền sử bệnh về đường hô hấp trên như: viêm xoang, viêm mũi, ho, đau họng, viêm họng,…
Nguy cơ mắc viêm amidan nhiều nhất trong độ tuổi từ 5-15 tuổi là do: Giai đoạn này trẻ thường dễ tiếp xúc với đồ chơi có vi khuẩn, hoặc dễ bị tác động bởi virus từ môi trường ngoài. Trẻ ở tuổi này trong độ tuổi đến trường, dễ tiếp xúc gần, chơi các trò chơi đông người, do vậy dễ bị lây từ các trẻ khác.
Dấu hiệu cảnh báo viêm amidan
Amidan hoạt động như một cơ chế bảo vệ và giúp ngăn cơ thể khỏi bị nhiễm trùng. Khi virus và vi khuẩn tấn công với số lượng lớn vào cơ thể khiến amidan không thể chống lại được, gây ra nhiễm trùng, tình trạng này được gọi là viêm amidan.
Viêm amidan dễ lây lan và có thể do nhiều loại virus, vi khuẩn phổ biến, chẳng hạn như vi khuẩn Streptococcal, gây ra viêm họng liên cầu khuẩn. Viêm amidan do viêm họng liên cầu khuẩn có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị.
Những triệu chứng sau đây có thể đang báo hiệu cho sự hiện diện của viêm amidan bệnh nhân cần hết sức lưu ý:
- Họng khô, ngứa, hơi thở có mùi hôi và cảm thấy như cổ họng có dị vật: Là do amidan tích tụ những vi khuẩn và dịch mủ;
- Phì đại amidan: Thường thấy ở trẻ em với các biểu hiện như: ăn uống khó khăn, nói không rõ ràng, ngáy khi ngủ, hệ hô hấp kém thông thoáng, ngưng thở khi ngủ. Trường hợp amidan bị phì đại quá mức có thể gây nên chứng rối loạn hơi thở, nuốt và nói;
- Xuất huyết amidan: Tại hốc miệng thấy xuất hiện các chấm mủ màu vàng hoặc trắng;
- Hạch bạch huyết hiện diện trong cổ họng, sau thành họng, có thể bị sưng to và đau, có màu đỏ, gia tăng đáng kể lượng tế bào bạch huyết;
- Ngoài ra có những phản ứng phụ như: Trong những đợt viêm amidan cấp bệnh nhân bị: nuốt khó, sốt cao, viêm tai, amidan sưng đau, mệt mỏi, đau đầu, chán ăn,…
Trường hợp nào cần phẫu thuật cắt amidan?
Trường hợp nào cần phẫu thuật cắt amidan luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm vì thực tế không phải cứ bị viêm amidan là bắt buộc phải điều trị bằng phương pháp này. Nó chỉ nên được áp dụng trong các trường hợp sau:
– Những trường hợp viêm amidan cấp tính nhưng mỗi năm bùng phát 4 – 5 lần.
– Nếu tình trạng viêm phì đại amidan gây nên hiện tượng khó nuốt, ăn kém, chậm tăng cân, nói ngọng, ngủ ngáy.
– Trường hợp viêm amidan đã điều trị bằng kháng sinh nhưng không cải thiện nên cần phẫu thuật để đề phòng biến chứng.
– Trường hợp đã điều trị nhiễm khuẩn tụ mủ sau áp xe amidan bằng thuốc hoặc dẫn lưu nhưng không cải thiện.
– Trường hợp tái phát xuất huyết ở các mạch máu gần bề mặt amidan.
– Viêm amidan gây ra các biến chứng đường hô hấp như: viêm VA, viêm tai giữa, viêm thanh quản, viêm xoang,…
– Viêm amidan biến chứng xa gây viêm thận, viêm khớp, viêm tim,…
– Bị ung thư mô amidan.
Tuy nhiên, cần lưu ý không cắt amidan cho bệnh nhân rối loạn đông cầm máu bẩm sinh hoặc mắc phải. Tạm hoãn việc cắt amidan nếu người bệnh đang có bệnh mạn tính chưa ổn định, nhiễm khuẩn toàn thân hoặc tại chỗ, phụ nữ có thai, đang đến chu kì kinh nguyệt,...
Lời khuyên thầy thuốc
Viêm amidan là bệnh thường gặp, tùy từng trường hợp mà các bác sĩ sẽ chỉ định phù hợp. Bệnh nhân sẽ được chỉ định thuốc điều trị triệu chứng và kháng sinh nếu nguyên nhân là vi khuẩn.
Các thuốc hỗ trợ điều trị triệu chứng dùng cho viêm amidan thường là giảm đau, chống sưng phù nề, bù nước. Bệnh nhân cần vệ sinh miệng sạch sẽ bằng nước muối sinh lý.
Kháng sinh có thể được kê ngay từ đầu theo kinh nghiệm hoặc khi có kết quả xác định từ xét nghiệm. Khi sử dụng thuốc kháng sinh, bệnh nhân phải dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, uống đủ liều, đúng giờ.
Để dự phòng viêm amidan cần vệ sinh cơ thể sạch sẽ sau những lần vui chơi tiếp xúc với bụi bẩn. Vệ sinh rặng miệng đúng cách, khuyến khích súc miệng bằng nước muối ấm pha loãng (nồng độ đẳng trương 0.9%)
Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao để nâng cao thể trạng. Tăng cường sức đề kháng bằng cách bổ sung nhiều vitamin có trong thức ăn như: rau, củ, quả, tập thói quen uống nhiều nước lọc hoặc nước ép trái cây. Hạn chế ăn những món ăn khô, cứng, gia vị cay, rán hoặc thực phẩm lạnh.
Hãy tránh xa môi trường nhiều khói bụi, đeo khẩu trang và rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn mỗi khi đi ra ngoài để tránh sự xâm nhập của vi khuẩn gây bệnh.
Cần giữ ấm cơ thể nhất là trẻ em khi thời tiết chuyển mùa, nếu ở trong phòng lạnh cần điều chỉnh nhiệt độ phù hợp với cơ thể của bé (25 - 28 độ), thường xuyên vệ sinh tấm chắn của máy điều hòa để bảo vệ cơ quan hô hấp cho trẻ nhỏ.
Theo suckhoedoisong.vn