Các bác sĩ làm việc tại khu vực cách ly luôn phải mặc quần áo bảo hộ y tế kín mít suốt nhiều giờ, khá khó thở - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Những ngày qua, khi Chính phủ cùng các bộ ngành liên quan đưa ra nhiều biện pháp mạnh để ngăn dịch COVID-19, đội ngũ nhân viên y tế ngày đêm cố gắng tổ chức kiểm dịch, xét nghiệm, ngăn lây nhiễm bệnh viện, chữa trị cho các bệnh nhân, đặc biệt là các bệnh nhân nặng.

Ngày 1-4, phổi của bệnh nhân số 19, ca bệnh COVID-19 nặng nhất cho đến nay, lại có biến chuyển kém đi một chút sau vài ngày có tiến bộ. Những ngày vừa qua, với 4 ca bệnh nặng, các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 và tổ chuyên gia 30 người căng hơn dây đàn. Họ nỗ lực từng phút trong hơn nửa tháng qua để cứu người bệnh.

Người bệnh cùng bác sĩ kiên cường vượt qua

Mỗi ca bệnh đều có điểm khó khăn riêng, các bác sĩ và điều dưỡng đã làm việc theo ca 12 giờ, dài hơn thời gian làm việc thông thường. Nhóm "chat" để trao đổi giữa các bác sĩ trực tiếp điều trị và tổ chuyên gia cứ sáng đèn liên tục, mỗi thay đổi của người bệnh lại được đưa ra bàn thảo. 

Có những thời điểm tưởng là người bệnh khó vượt qua, nhưng rồi cả người bệnh và bác sĩ cùng kiên cường. Khó khăn chưa phải đã qua đi. 3 trong số 4 người bệnh nặng nhất đã qua được thời khắc nguy hiểm, người còn lại cũng đang có những cơ hội để vượt qua.

Nỗ lực từng phút

Hơn nửa tháng trước, chỉ vài ngày sau khi nhập viện, 2 bệnh nhân gồm 1 người Anh 69 tuổi và 1 phụ nữ người Việt 64 tuổi (bác ruột bệnh nhân 17) đã có chuyển biến rất nặng. Cả hai đều phải chuyển vào khoa hồi sức tích cực. Hai bệnh nhân đều có bệnh nền, khó thở tăng, phải đặt nội khí quản để thở máy, lọc máu liên tục. 

Tình trạng bệnh nhân nữ người Việt tiếp tục biến chuyển xấu, phải chỉ định dùng ECMO (máy ECMO có khả năng thay thế chức năng của tim và phổi). Ngay trong chiều 15-3, khi tình trạng của 2 bệnh nhân diễn biến bất lợi, đội cơ động phản ứng nhanh của Bệnh viện Bạch Mai, trong đó có các chuyên gia về hồi sức tích cực, đã tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương để hội chẩn, hỗ trợ điều trị.

Một bệnh nhân người nước ngoài đang được điều trị tại khu vực cách ly đặc biệt, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 ở Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Hai bệnh nhân ở Cần Thơ đã hết sốt

Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi Cần Thơ Trần Mạnh Hồng cho biết một trong 2 ca COVID-19 đang điều trị tại bệnh viện đã có kết quả âm tính lần 1. 

"Sau một tuần điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế, cộng với sự chăm sóc dinh dưỡng của bệnh viện, hiện 2 bệnh nhân nhiễm COVID-19 đã cắt được sốt. Trong đó, kết quả xét nghiệm ngày 31-3 cho thấy bệnh nhân 154 đã có kết quả âm tính (lần 1), đã được chuyển qua khu cách ly khác theo dõi tiếp tục, hiện sức khỏe cả 2 bệnh nhân ổn định" - bác sĩ Hồng thông tin.

Cơ bản kiểm soát ổ dịch Bạch Mai

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo chống dịch quốc gia, các địa phương cho biết đã rà soát và giám sát sức khỏe trên 44.200 người đã đến Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 12-3. Trong đó bao gồm trên 4.700 bệnh nhân nội trú, gần 1.300 bệnh nhân ngoại trú, hơn 30.500 bệnh nhân đến khám và trên 7.000 người thân, người chăm sóc, 91 người làm cho Công ty Trường Sinh và 653 người có liên quan.

Hiện Hải Phòng, Quảng Ninh đã xét nghiệm toàn bộ cho người đã đến Bệnh viện Bạch Mai trong thời gian kể trên, kết quả âm tính 100%. Hà Nội đang tiến hành sàng lọc và chưa phát hiện thêm ca bệnh từ cộng đồng trong nhóm này.

NHƯ KHUÊ


Giữ gìn sức khỏe cho nhân viên y tế

Ông Nguyễn Thành Dũng - giám đốc Bệnh viện dã chiến Củ Chi (TP.HCM) - cho biết từ khi bệnh viện được thành lập đến nay đã tiếp nhận 3 ca nhiễm COVID-19 nặng, tổn thương phổi. Trong đó, ca nặng đầu tiên là bệnh nhân số 32, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM.

Từ ngày 13-3, Bệnh viện dã chiến Củ Chi đã có 3 phòng cách ly áp lực âm, dùng để cách ly, điều trị cho những người nghi nhiễm COVID-19 có kết quả dương tính hoặc đang chờ xét nghiệm lần 2, không cần phải chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM như trước đây.

Ngoài ra, theo ông Dũng, sức khỏe của nhân viên y tế, việc trang bị đồ bảo hộ, thực hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn... cũng quan trọng không kém việc điều trị thành công hay thất bại ca nhiễm COVID-19. Nhân viên y tế khỏe mạnh thì mới làm tốt công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân.

T.LŨY

Theo tuoitre