1. Yếu tố kích thích cơn đau nửa đầu
Theo BS Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga - Bộ Quốc Phòng cho biết, đau nửa đầu được đặc trưng bởi cơn đau nhói và dữ dội. Người bệnh thường cảm thấy đau nhói theo nhịp đập của mạch máu, kèm theo biểu hiện chóng mặt, buồn nôn, nôn và nhạy cảm với ánh sáng, tiếng ồn.
Nguyên nhân chính xác của chứng bệnh hiện chưa được xác định. Nhiều yếu tố kích hoạt các triệu chứng của bệnh, có thể kể đến như:
- Các loại thức phẩm giàu tyramin như phô mai, gan, rượu vang, socola, trái cây họ cam quýt (cam, bưởi, quýt), thực phẩm lên men…
- Sự thay đổi hormone cũng được xác định là một tác nhân gây ra chứng đau nửa đầu. Thống kê cho thấy tỷ lệ mắc đau nửa đầu ở phụ nữ gấp 3 lần ở nam giới, thường gặp ở giai đoạn tiền mãn kinh, thai kỳ.
- Yếu tố di truyền.
- Một số yếu tố ngoại cảnh như âm thanh lớn, mùi mạnh, ánh sáng chói chang…
- Căng thẳng tâm lý như áp lực học hành, công việc, thi cử…
- Một số loại thuốc có thành phần hormone như thuốc tránh thai… cũng có thể làm cơn đau nửa đầu trầm trọng hơn.
Đau nửa đầu được đặc trưng bởi cơn đau nhói và dữ dội.
2. Thay đổi thời tiết ảnh hưởng như thế nào đến chứng đau nửa đầu?
Hiện nay, chưa xác định được chính xác cơ chế tác động của thời tiết đối với chứng đau nửa đầu. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy những người nhạy cảm với sự thay đổi nhiệt độ có tỷ lệ mắc chứng đau nửa đầu cao hơn khi thời tiết trở lạnh.
2. Thay đổi thời tiết ảnh hưởng như thế nào đến chứng đau nửa đầu?
Hiện nay, chưa xác định được chính xác cơ chế tác động của thời tiết đối với chứng đau nửa đầu. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy những người nhạy cảm với sự thay đổi nhiệt độ có tỷ lệ mắc chứng đau nửa đầu cao hơn khi thời tiết trở lạnh.
Các tác nhân thời tiết khác như độ ẩm cao, gió mạnh, ánh nắng mặt trời cũng có thể gây ra chứng đau nửa đầu. Tình trạng này khó có thể kiểm soát một cách hoàn toàn, tuy nhiên, việc thực hiện theo những lời khuyên về lối sống dưới đây có thể giúp giảm tần suất xuất hiện triệu chứng:
- Ăn uống điều độ, hạn chế tiêu thụ thức ăn giàu tyramin, không nên uống quá nhiều cà phê hoặc nước ngọt có chứa caffeine, hạn chế sử dụng rượu bia…
- Duy trì thói quen đi ngủ và thức dậy đúng giờ;
- Thường xuyên tập thể dục tăng cường sức khỏe;
- Nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng…
- Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Sử dụng thuốc trị đau nửa đầu cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ.
3. Đau nửa đầu dùng thuốc gì?
- Thuốc giảm đau không kê đơn như: Acetaminophen, aspirin, ibuprofen… có thể giúp giảm thiểu cơn đau nửa đầu. Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc, sử dụng kéo dài thuốc giảm đau trên 15 ngày mỗi tháng có thể gây phản tác dụng.
- Các thuốc kê đơn trị đau nửa đầu: Với những cơn đau đầu nghiêm trọng hoặc lặp đi lặp lại nhiều lần, bác sĩ có thể kê một số loại thuốc trị đau đầu như triptans, etodolac, oxaprozin, indomethacin...
Ngoài thuốc giảm đau đầu, bác sĩ còn có thể kê thêm thuốc phòng ngừa đau đầu để ngăn chặn cơn đau tái phát, lặp đi lặp lại như:
+ Thuốc chống trầm cảm ba vòng như amitriptyline và nortriptyline để ngăn ngừa chứng đau nửa đầu ở những người bị đau căng đầu, đau đầu do căng thẳng. Tuy nhiên, nhóm thuốc này có thể gây ra những tác dụng phụ nghiêm trọng, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ.
+ Thuốc chẹn beta được sử dụng để kiểm soát huyết áp, nhưng thuốc cũng có thể làm giảm tần suất hoặc cường độ đau nửa đầu.
+ Thuốc chẹn kênh canxi có thể cần nhiều tuần để có hiệu quả nhưng thuốc chẹn kênh canxi như verapamil có khi giúp ích trong việc ngăn ngừa đau nửa đầu.
Bác sĩ có thể kê đơn thuốc giảm đau hoặc thuốc phòng ngừa tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và tần suất chứng đau nửa đầu. Để dùng thuốc an toàn, BS Nguyễn Huy Hoàng khuyến cáo:
- Không tự ý sử dụng thuốc điều trị đau nửa đầu khi chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ.
- Không dùng lại đơn thuốc cũ hoặc đơn của người khác cũng mắc đau nửa đầu.
- Chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
- Không tự ý tăng, giảm hoặc ngừng dùng thuốc.
- Khi có bất kỳ một triệu chứng bất thường nào, cần báo ngay cho bác sĩ để có hướng xử trí kịp thời.
Theo suckhoedoisong.vn