Bác sĩ Paul Jarrod Frank, chuyên gia da liễu thẩm mỹ nổi tiếng ở New York (Mỹ), sẽ giải thích rõ hơn về hiện tượng này, theo trang tin Real Simple.

Leukonychia là gì? 

Đốm trắng trên móng tay có nguy hiểm không, khi nào cần đi khám? - Ảnh 1.

Nhiều người khỏe mạnh vẫn sẽ có những đốm trên móng tay vào một lúc nào đó. Nhưng hiện tượng này thường không phải là dấu hiệu của bệnh nghiêm trọng

SHUTTERSTOCK

Leukonychia là tình trạng các đường hoặc chấm trắng xuất hiện trên móng tay hoặc móng chân. Đây là vấn đề rất phổ biến và hoàn toàn vô hại.

Đốm trắng có thể xuất hiện như những chấm nhỏ lốm đốm trên móng tay, hoặc có thể lớn hơn và trải dài trên toàn bộ móng. Đốm có thể xuất hiện ở một hoặc nhiều móng tay.

Nguyên nhân của đốm trắng

Đốm hoặc chấm trắng trên móng tay là hiện tượng phổ biến và nhiều yếu tố có thể gây ra, bao gồm:

Bệnh về da hoặc nấm móng: Các bệnh viêm da có thể ảnh hưởng đến móng tay và dẫn đến những đốm bất thường trên móng. Dấu hiệu đầu tiên có thể là một vài chấm trắng nhỏ trên móng, có thể phát triển và lan đến giường móng (nail bed). Móng có thể bị bong tróc, sau đó trở nên dày và giòn, theo Real Simple.

Nguyên nhân di truyền: Leukonychia có thể là một tình trạng di truyền, nhưng rất hiếm.

Thuốc và ngộ độc: Một số loại thuốc có thể gây ra đốm trắng ở móng tay. Đó là các loại thuốc hóa trị ung thư và sulfonamid điều trị nhiễm khuẩn.

Ngoài ra, ngộ độc kim loại nặng như asen và chì có thể khiến các đường kẻ phát triển trên móng tay. Nếu gặp các triệu chứng ngộ độc kim loại nặng khác, hãy đi bác sĩ ngay lập tức. Xét nghiệm máu có thể phát hiện mức độ bất thường của các nguyên tố này, theo trang tin sức khỏe Healthline.

Đốm trắng trên móng tay có nguy hiểm không, khi nào cần đi khám? - Ảnh 2.

Nguyên nhân ít phổ biến hơn gây ra các đốm trắng trên móng tay bao gồm: Bệnh tim, suy thận, viêm phổi, thiếu sắt (thiếu máu), xơ gan, tiểu đường, cường giáp

SHUTTERSTOCK

Thiếu khoáng chất: Có thể có các đốm hoặc chấm trắng dọc theo móng tay nếu thiếu một số khoáng chất hoặc vitamin. Phổ biến nhất là thiếu kẽm và canxi. Bác sĩ sẽ có thể xác định xem có phải là thiếu khoáng chất hay không.

Bệnh lý: Nguyên nhân ít phổ biến hơn gây ra các đốm trắng trên móng tay bao gồm: Bệnh tim, suy thận, viêm phổi, thiếu sắt (thiếu máu), xơ gan, tiểu đường, cường giáp, theo Healthline.

Khi nào cần đi khám?

Mặc dù những nguyên nhân do bệnh lý có thể xảy ra, nhưng rất hiếm. Và nếu đốm trắng không xuất hiện thường xuyên thì không cần phải đi khám.

Nhưng nếu những đốm trắng dai dẳng, ngày càng nặng hơn hoặc có những bất thường khác trên móng, tiến sĩ Frank khuyên nên đi khám sớm để xác định nguyên nhân, theo Real Simple.

Theo Thanh niên