1. Đông trùng hạ thảo có tác dụng đối với ung thư trên người không?
Tên gọi đông trùng hạ thảo bắt nguồn từ sự kết hợp giữa nấm và sâu. Trong tự nhiên, một số ấu trùng sâu bị nhiễm bào tử nấm. Vào mùa đông, khí hậu lạnh, nấm chưa phát triển tốt nên sâu phát triển. Vào mùa hè, nhiệt độ ấm và độ ẩm cao kích thích sự phát triển của nấm, nấm kí sinh phát triển trên sâu, giết chết sâu, tạo nên đông trùng hạ thảo.
Hoạt tính kháng ung thư của đông trùng hạ thảo được ghi nhận trên nhiều dòng tế bào ung thư phổi, vú, gan, da… và trên chuột. Bên cạnh đó đông trùng hạ thảo cũng tăng cường miễn dịch, giúp chống lại ung thư. Hoạt tính này chủ yếu nhờ polysaccharide.
Tuy nhiên đông trùng hạ thảo chưa được công nhận là thuốc do mắc phải những rào cản giống như nhiều polysaccharide khác như cấu trúc phức tạp dẫn đến hoạt tính và chuyển hóa phức tạp, không ổn định; cơ chế kháng ung thư chưa rõ ràng.
Bên cạnh đó, polysaccharide khá khó tan, cần được bổ sung về cấu trúc, khiến cho cấu trúc của nó đã phức tạp lại càng phức tạp hơn, đóng góp vào rào cản trong quá trình phát triển thuốc của polysaccharide.
Dù đã có nhiều báo cáo về hoạt tính kháng ung thư của đông trùng hạ thảo được ghi nhận, tuy nhiên các nghiên cứu này chỉ tiến hành trên tế bào và trên chuột.
Tính đến 08/2023 thì tác dụng của đông trùng hạ thảo đối với ung thư trên người vẫn chưa được chứng minh. Hiện chỉ có 2 nghiên cứu lâm sàng trên ung thư sử dụng đông trùng hạ thảo nhưng cả hai đều không có kết quả.
Nghiên cứu thứ nhất sử dụng đông trùng hạ thảo như liệu pháp điều trị bổ sung sau phẫu thuật ở ung thư phổi không tế bào nhỏ tại Trung Quốc. Tuy nhiên nghiên cứu này chỉ thử nghiệm trên 9 người và đã bị buộc dừng lại nhưng không công bố kết quả và nguyên nhân đình chỉ nghiên cứu.
Nghiên cứu lâm sàng thứ hai trên người sử dụng polysaccharide từ nhiều loại nấm, trong đó có đông trùng hạ thảo để điều trị ung thư ruột kết. Nghiên cứu này dự kiến hoàn thành và có kết quả tháng 09/2022 nhưng đến nay, đã quá hạn hơn 1 năm, không có thông tin nào về nó được cập nhật. Do đó tính đến thời điểm hiện tại, chưa có đủ bằng chứng chứng minh tác dụng của đông trùng hạ thảo đối với ung thư trên người.
2. Một số tác dụng phụ của đông trùng hạ thảo
Một số tác dụng phụ của đông trùng hạ thảo có thể gặp như đau bụng, buồn nôn và khô miệng...
Tuy được ghi nhận có thể kháng được một số dòng ung thư trên chuột và trên tế bào, nhưng WebMD (nhà cung cấp dịch vụ thông tin y tế của Mỹ) lại khuyên những đối tượng như phụ nữ có thai và cho con bú, người có vấn đề đông máu và cả bệnh nhân ung thư không nên dùng, vì không rõ đông trùng hạ thảo có an toàn với họ hay không.
WebMD cũng cho biết, đông trùng hạ thảo có thể tương tác với thuốc làm loãng máu như warfarin hoặc các thuốc ức chế miễn dịch. Nó cũng làm tăng nguy cơ chảy máu, nên cần thận trọng khi dùng trước hoặc sau phẫu thuật.
Bên cạnh đó, đông trùng hạ thảo cũng được ghi nhận có tương tác và làm tăng tác dụng phụ của thuốc đái tháo đường. Ngoài ra, sử dụng đông trùng hạ thảo làm tăng sinh tế bào sinh hồng cầu, có thể gây hại cho bệnh nhân ung thư máu dòng tủy.
Nấm đông trùng hạ thảo tươi.
Hơn nữa, đông trùng hạ thảo trên thị trường khá đa dạng. Loại được y văn cổ ghi lại là đông trùng hạ thảo trong tự nhiên, từ cao nguyên Tây Tạng, chỉ có khoảng 50-60 kg/năm. Loại này có giá hàng tỉ đồng/kg. Còn đông trùng hạ thảo được nuôi, người ta sử dụng loại trùng khác hoặc chỉ sử dụng nấm Cordycep chứ không cần trùng để nấm kí sinh lên, nên hạ giá thành xuống.
Những loại đông trùng hạ thảo dùng trùng thay thế có giá vài trăm triệu/kg (trong khi loại chỉ có nấm Cordycep thì giá trên dưới 20 triệu/kg). Nếu mua tại gốc khoảng vài trăm đến hơn 1 triệu/lạng, khá hợp túi tiền của nhiều người. Tuy nhiên những loại đông trùng hạ thảo này không đảm bảo có đủ được những hoạt tính quý giá như đông trùng hạ thảo được ghi trong sách cổ, hay trong các nghiên cứu chính thống. Bạn có thể mua được đông trùng hạ thảo nhưng chưa chắc nó có tác dụng như được mô tả.
Tóm lại, đông trùng hạ thảo chưa có đủ bằng chứng chứng minh tác dụng chống ung thư trên người, nhiều loại không đảm bảo chất lượng, nhưng giá cả lại… cao ngất ngưởng. Bệnh nhân cần cân nhắc hoặc hỏi bác sĩ trước khi sử dụng.
Theo suckhoedoisong.vn