Ngay lập tức các bác sĩ hồi sức ngừng tim và sốc điện chuyển nhịp liên tục trong 30 phút. Tim đập lại, song người bệnh có nguy cơ cao chết não với đồng tử hai bên đều giãn. Vậy, nếu gặp một người ngừng tim, ngừng thở phải xử trí và sơ cứu như thế nào?

Xử trí khi gặp người bệnh ngừng tim, ngưng thở

Trên thực tế, nếu gặp người bị ngừng tim, ngưng thở đột ngột thường xảy ra ở người lớn, đa số là rung thất và nhịp nhanh thất vô mạch. Ngừng tim, ngưng thở đột ngột thường gặp trong những tình huống: cơn đau tim, điện giật, ngộ độc, tai nạn, đột quỵ, chết đuối, động kinh, ngạt khói…

Vì vậy, trước hết người cấp cứu phải nhanh chóng kiểm tra hiện trường cấp cứu có an toàn không. Nếu hiện trường không an toàn, tiến hành di chuyển người bệnh đến nơi an toàn.

Sau đó, tiến hành đánh giá người bệnh bằng cách vỗ mạnh vào vai người bệnh và gọi to để kiểm tra người bệnh có đáp ứng hay không, đồng thời quan sát nhanh người bệnh còn thở hay không.

Đối với trường hợp người bệnh không thở hoặc thở không bình thường (thở ngáp cá) hay người bệnh bất tỉnh, không thở… cần gọi tìm hỗ trợ. Nếu không có ai trợ giúp, cần khẩn cấp liên lạc hệ thống cấp cứu (gọi 115) hay cơ sở y tế gần nhất.

Trong lúc chờ đợi hãy kiểm tra mạch bằng cách dùng 2 ngón tay xác định khí quản, từ khí quản kéo trượt ngón tay về phía mình, đến bên cạnh khối cơ ức đòn chũm của người bệnh, có thể sờ thấy động mạch cảnh.

Sờ mạch cảnh không quá 10 giây, nếu không thấy mạch ngay lập tức bắt đầu hồi sức tim phổi theo trình tự sau.

Đột ngột ngừng tim khi đang uống cà phê, cần làm gì khi gặp tình huống này?- Ảnh 1.

Ép nhanh, mạnh, tần số 100-120 lần/phút

Ép tim ngoài lồng ngực

Cần đặt người bệnh nằm ngửa trên một mặt phẳng cứng, nếu đang nằm sấp thì cẩn thận lật người bệnh lại. Nếu nghi ngờ người bệnh có chấn thương cột sống cổ, cố gắng lật cả người: đầu, cổ, thân, chân cùng lúc.

Hai bàn tay đan xen lại và đặt vào nửa dưới xương ức, duỗi thẳng khuỷu tay sao cho vai, khuỷu và bàn tay tạo thành đường thẳng.

Tiến hành ép mạnh (ép sâu xuống ít nhất 5cm), ép nhanh với tốc độ ít nhất là 100-120 lần/phút, hạn chế tối đa việc ngưng ép.

Mỗi lần ép tim quan trọng là ép đủ sâu (khoảng 5cm) và đảm bảo lồng ngực nở ra hoàn toàn sau mỗi lần ép tim. Điều này sẽ giúp tim đổ đầy máu sau mỗi lần ép.

Đột ngột ngừng tim khi đang uống cà phê, cần làm gì khi gặp tình huống này?- Ảnh 2.

Kiểm tra đường thở của bệnh nhân.

Mở thông đường thở

Kĩ thuật ấn trán-nâng cằm: dùng lòng bàn tay đặt lên trán và ấn ra sau làm ngửa đầu người bệnh, dùng tay còn lại nhấc hàm dưới lên đưa cằm ra trước.

Kĩ thuật đẩy hàm dưới được sử dụng khi nghi ngờ có chấn thương cột sống cổ.

Đột ngột ngừng tim khi đang uống cà phê, cần làm gì khi gặp tình huống này?- Ảnh 3.

Hít sâu, thổi ngạt cần khẩn trương và chính xác.

 Thổi ngạt

Có thể thổi ngạt trực tiếp kiểu miệng - miệng, mặt nạ thổi ngạt.

  • Đặt một bàn tay lên trán của nạn nhân, sau đó ấn ngửa đầu bệnh nhân ra sau và đồng thời kẹp mũi bệnh nhân bằng ngón trỏ và ngón cái. Tay còn lại nâng hàm dưới và mở miệng bệnh nhân.
  •  Hít một hơi thật sâu, áp chặt miệng của bạn vào miệng của nạn nhân và tiến hành thổi vào miệng của nạn nhân.

Trong quá trình thực hiện, cần khẩn trương và chính xác. Nếu sau mỗi lần thực hiện, lồng ngực của nạn nhân có hiện tượng nở phồng lên thì nghĩa là bạn đang làm đúng kỹ thuật.

Đầu tiên cần thổi 2 nhịp liên tiếp để đánh giá xem đường thở của người bệnh có thông suốt không, nếu không thấy lồng ngực nâng lên nhẹ nhàng thì cần mở miệng để phát hiện có dị vật hay không.

Nếu thông suốt thì chuyển sang ép tim ngay theo tỉ lệ 30 lần ép tim và 2 lần thổi ngạt.

Tiếp tục hồi sinh tim phổi và nhanh chóng đưa người bệnh đến bệnh viện gần nhất, hoặc đợi cấp cứu 115 đến (nếu đã liên lạc được cấp cứu 115).

Tỷ lệ hồi sinh thành công giảm từ 7-10% sau mỗi phút. Tổn thương não sẽ không hồi phục sau 3-4 phút ngưng tuần hoàn mặc dù tim có thể còn tiếp tục đập sau 2- 3 giờ trong tình trạng thiếu oxy.  

Lời khuyên của bác sĩ

Để ngăn ngừa đột tử do tim mạch, các bác sĩ khuyến cáo cần theo dõi sức khỏe định kỳ. Đặc biệt, người trên 30 tuổi nên đi khám sức khỏe tổng quát định kỳ để tầm soát và điều chỉnh các yếu tố nguy cơ tim mạch. Đối với người có thành viên trong gia đình gặp biến cố tim mạch (đột tử không rõ nguyên nhân, nhồi máu cơ tim người trẻ, nhồi máu não người trẻ…), việc khám và đánh giá tim mạch chuyên sâu là cần thiết.

ThS.BS Giang Minh Nhật, Phó trưởng Khoa Hồi sức tim mạch, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, cho biết bệnh nhân ngừng tim khi đang uống cà phê nói trên được chuyển đến khi suy tim nặng, phù phổi cấp. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân có đột biến lệch khung gene trội titin TTN trên nhiễm sắc thể thường. Đây là gene mã hóa một loại protein quan trọng cấu thành cơ tim và hoạt động của chúng. Đột biến gene này gần đây được quan tâm nhiều trong y văn, là nguyên nhân gây đột tử trong các bệnh cơ tim. Bác sĩ can thiệp hạ thân nhiệt trung tâm để bảo vệ não không bị tổn thương nặng hơn. Bệnh nhân được oxy hóa máu màng ngoài cơ thể phương thức lai ghép (V-AV ECMO) và lọc máu liên tục điều chỉnh suy chức năng thận đi kèm. Sau một tuần can thiệp hồi sức chuyên sâu, có những lúc tưởng chừng không qua khỏi, chức năng co bóp cơ tim của bệnh nhân hồi phục gần như hoàn toàn, tổn thương phổi cải thiện đáng kể. Người bệnh được ngừng can thiệp V-AV ECMO sau 10 ngày. Chức năng não bắt đầu có tín hiệu hồi phục. Sau 1 tháng điều trị, bệnh nhân sức khoẻ đã ổn định và xuất viện. 

Theo suckhoedoisong.vn