Vì áp lực nối dõi tông đường mà nhiều cặp vợ chồng trẻ nhất định phải sinh được con trai - Ảnh minh họa: SHUTTERSTOCK

Ngày 10.10, tại hội nghị tập huấn truyền thông về công tác dân số, GS-TS Nguyễn Đình Cử, Viện Nghiên cứu dân số, gia đình và trẻ em, cho biết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam  đã ở mức nghiêm trọng. Và dự báo đến năm 2050  Việt Nam sẽ thừa 2,3 - 4,3 triệu nam giới.

Không thể không sinh con trai

Sau 2 năm cưới chồng và hiện tại đã có đứa con trai gần 12 tháng tuổi nhưng Trịnh Mai Lan (cựu sinh viên Trường CĐ Công thương TP.HCM) vẫn cho rằng rất may mắn vì sinh được đứa con trai đầu lòng, nếu không sẽ rất áp lực với gia đình chồng.

Lan chia sẻ: “Thật sự với mình thì trai và gái gì cũng được, nhưng mình bị áp lực từ phía gia đình chồng. Chồng mình là con trai một, vừa mới cưới về là ngày nào cũng nghe bố chồng nói chỉ cần mình sinh cho gia đình chồng đứa con trai thì muốn làm gì cũng được. Rồi lúc nào cũng gây áp lực kiểu phải sinh cho được đứa con trai. Lúc mình mang thai, mình sợ đến mức cứ nghĩ dại, lỡ nếu cái thai này mà là con gái thì không biết phải sao nữa”.

Nhiều cặp vợ chồng trẻ có con trai cũng lo sợ sau này con không có vợ để cưới - Ảnh minh họa: SHUTTERSTOCK

Lan cho biết thật sự rất áp lực dù chồng Lan rất thoáng và trước khi cưới cả hai vợ chồng đã giao kèo với nhau là không gây áp lực chuyện con cái vì Lan biết chồng là con trai một. Nhưng không ngờ người gây áp lực lại không phải chồng mà là gia đình chồng.

“Phận làm dâu con nên mình cũng chỉ muốn gia đình chồng vui. Ngày đi siêu âm mình cầu trời khẩn phật, chỉ mong con trai. Bạn thấy đấy, dù cuộc sống có hiện đại cỡ nào nhưng quan niệm của người phương Đông mình muôn đời vẫn vậy, vẫn phải có trai đích tôn để nối dõi tông đường”, Lan bày tỏ.

Cũng giống như Lan, Phạm Thị Thu Hoài (cựu sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ Huế) cho biết: “Bản thân mình cũng đã có 2 đứa con trai rồi nhưng mình thấy thật sự nếu không sinh con trai thì không được. Vì gia đình chồng mình rất nặng chuyện con trai để sau này nối dõi tông đường. Mình cũng thích một đứa trai đứa gái nhưng sinh 2 lần đều con trai hết”.

Hoài cho biết đứa con trai thứ 2 sinh vào năm 2018, cái năm mà theo Hoài là hầu hết mọi người đều sinh con trai.

“Bạn có tin không, nguyên cái phòng sinh ngày hôm đó của mình chắng có đứa con gái nào cả, ai cũng sinh con trai. Rồi mấy bà nhìn nhau bảo chứ sau này tụi này kiếm đâu ra vợ mà lấy nhỉ. Bạn bè mình ai sinh năm đó cũng sinh con trai cả !”, Hoài tâm sự.

Mất cân bằng giới tính là điều hiển nhiên

Chị Bùi Hoàng Nhật Linh (chung cư Bắc Rạch Chiếc, Q.9, TP.HCM) cho rằng có can thiệp cũng sẽ không làm thay đổi nhiều về vấn đề chênh lệch giới tính như bây giờ.

Chị Nhật Linh cho biết: “Y học tiên tiến kéo theo đó là kiến thức y khoa phát triển hơn, con người chủ động việc có thai, chủ động được sức khỏe như thế nào để tạo ra một đứa con theo mong muốn. Rồi học thức càng tăng, ý thức càng cao, ngày xưa ông bà mình thường rượu chè nhiều, tỷ lệ nghiện rượu và thuốc lá ở Việt Nam trước đây rất cao, nó là một yếu tố ảnh hưởng rất lớn tới viêc sinh ra con trai hay con gái. Bây giờ thì ăn uống khoa học hơn, và biết mình phải làm gì hơn để có được đứa con có giới tính mong muốn”. Chính vì thế, chị Linh cho rằng thay vì can thiệp vào vấn đề này thì khuyến khích các hộ gia đình sinh con thứ 3 trở lên và tạo một điều kiện tốt trong học tập cho con em thì tốt hơn.

Dù ở thời đại nào, Việt Nam và tất cả các nước phương Đông đều không bao giờ thay đổi định kiến về nam nữ vì thế mà tình trạng mất cân bằng giới tính ngày càng nghiêm trọng

Bùi Hoàng Nhật Linh


“Ví dụ như ở Hà Lan, 100% học sinh đến trường không mất học phí. Như vậy gánh nặng cho chi phí nuôi con sẽ giảm đi, tạo động lực sinh thêm con. Chứ như xã hội ta hiện nay, chi phí để nuôi một đứa con ăn học không hề đơn giản, nên nhiều gia đình chỉ chọn sinh một đứa để có thể lo cho con một cuộc sống đủ đầy. Mà nếu chỉ có một đứa thì thử hỏi mọi người sẽ chọn trai hay gái. Chắc chắn phần đông sẽ sinh con trai. Dù ở thời đại nào, Việt Nam và tất cả các nước phương Đông đều không bao giờ thay đổi định kiến về nam nữ vì thế mà tình trạng mất cân bằng giới tính ngày càng nghiêm trọng”, chị Linh phân tích.

Đồng quan điểm với chị Linh, chị Trương Thị Nguyệt (trú ở đường Nguyễn Thông, Q.3, TP.HCM) cũng cho rằng cuộc sống ngày càng quá vất vả về vấn đề nuôi con, nên nhiều gia đình chỉ chọn sinh một hoặc 2 đứa con. Mà phần đông đều mong muốn và can thiệp để sinh được con trai cho an tâm, vì thế mà mất cân bằng giới tính là điều hiển nhiên.

“Việc mất cân bằng giới tính bây giờ người ta chưa nhìn thấy được tác hại đâu. Nhưng quan điểm sai lầm của cha mẹ hiện nay dẫn đến con cái sau này sẽ nhận hết hậu quả. Vì đời con mà không có vợ để lấy thì đến lúc đó mới nhảy cuống cuồng lên, chứ giờ có đưa ra bao nhiêu nghiên cứu đi chăng nữa thì tư tưởng phải có con trai để nối dõi tông đường là điều khó thể thay đổi được”, chị Nguyệt chia sẻ.

Nhiều hệ lụy

Nói về viễn cảnh tương lai nếu dư hơn 4,3 triệu nam giới thì sẽ như thế nào. Nhiều bạn trẻ hài hước chắc nam phải lấy nam hoặc là một vợ mà nhiều chồng.

“Việc mất cân bằng giới tính cũng dẫn đến nhiều hệ lụy, có khi lúc đó đi ra đường chị em phụ nữ không cẩn thận rất dễ bị bắt về làm vợ như tập tục của một số dân tộc miền núi phía Bắc của nước ta hiện nay hoặc nam không lấy được vợ  gây suy giảm giống nòi trầm trọng”, Hoàng Dung (cựu sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ Huế)chia sẻ.

Còn chị Nguyễn Quỳnh Vân (khởi nghiệp với dự án ngân hàng video giáo dục Trạng tại TP.HCM) thì chia sẻ: “Sự tiến bộ khoa học giúp họ can thiệp vào giới tính để lựa chọn giới tính em bé như mong muốn. Đi kèm với đó là cuộc sống hiện đại nhưng tư tưởng từ bao đời này về việc phải có con trai đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người, chính vì thế, dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính. Nhưng cứ như thế này thì tương lai chắc sẽ 1 vợ và nhiều chồng”.

Theo thanhnien