Báo Phụ nữ TPHCM đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Bá Thắng - Trưởng Trung tâm Khoa học Thần kinh, Trưởng đơn vị đột quỵ Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - để giúp mọi người hiểu rõ hơn về tầm quan trọng trong điều trị dự phòng đột quỵ đối với bệnh nhân rung nhĩ và thiếu máu não thoáng qua.
Phóng viên: Thưa bác sĩ, rung nhĩ là gì và mối liên quan giữa rung nhĩ với đột quỵ là như thế nào?
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Bá Thắng: Rung nhĩ là một trong những bệnh lý về rối loạn nhịp tim, xảy ra khi xung động điện không do nút xoang phát ra mà xuất phát từ nhiều vị trí của tâm nhĩ. Lúc này, cơ tim hoạt động liên tục theo xung điện chứ không đồng bộ và nhịp nhàng khiến tim đập loạn nhịp, gây ứ trệ máu trong buồng tim. Điều đó dẫn đến hình thành những cục huyết khối trong tâm nhĩ. Các cục huyết khối có thể trôi theo dòng máu và gây tắc mạch, trường hợp tắc mạch máu não sẽ dẫn đến đột quỵ.
|
|
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Bá Thắng đang khám cho một trường hợp rung nhĩ bị đột quỵ - ẢNH: M.T. |
Những đối tượng sau đây có nguy cơ bị rung nhĩ cao hơn bình thường. Trước tiên, là người mắc các bệnh lý về van tim, từng phẫu thuật tim, viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim, mắc bệnh tim bẩm sinh. Tiếp đến, bệnh nhân cường giáp, có bệnh lý về phổi, tiền sử gia đình có người thân bị rung nhĩ cũng dễ mắc bệnh này. Ngoài ra, người có lối sống không lành mạnh (sử dụng nhiều rượu bia, thuốc lá, cà phê, bị béo phì, tăng huyết áp…), người bị tiểu đường hoặc các bệnh mạch máu cũng thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao.
Bệnh rung nhĩ được ghi nhận nhiều hơn ở những người từ 65 tuổi. Ở giai đoạn sớm, người bệnh có thể không cảm thấy triệu chứng bất thường nào. Khi bệnh khởi phát, bệnh nhân sẽ thấy các dấu hiệu như mệt mỏi, thở nông, nhanh mất sức, hồi hộp, đau ngực.
Bệnh được chẩn đoán thông qua nhiều phương pháp: điện tâm đồ, siêu âm tim, xét nghiệm máu, X-quang ngực, nghiệm pháp gắng sức… Khi được xác định bị rung nhĩ, bệnh nhân sẽ được lên kế hoạch điều trị cụ thể. Có 2 mục tiêu điều trị: điều trị dự phòng đột quỵ và điều trị tình trạng rung nhĩ.
* Bác sĩ có thể kể về trường hợp rung nhĩ bị đột quỵ gần đây nhất được bệnh viện tiếp nhận để cho thấy tầm quan trọng của điều trị dự phòng đột quỵ đối với nhóm bệnh nhân này?
Để đánh giá nguy cơ đột quỵ ở bệnh nhân rung nhĩ, các bác sĩ thường dùng thang điểm CHA2DS2-VASc. Mức độ điểm càng cao thì nguy cơ đột quỵ ở người bệnh càng lớn. |
- Mới đây, Bệnh viện Đại học y dược TPHCM tiếp nhận cấp cứu nam bệnh nhân P.V.H. (46 tuổi, ngụ tại TPHCM). Trước đó, anh H. đang được theo dõi điều trị rung nhĩ và uống thuốc kháng đông để dự phòng đột quỵ. Tuy nhiên, do công việc bận rộn, anh H. bỏ tái khám và ngưng uống thuốc trong khoảng 5 ngày. Đang làm việc, anh đột ngột bị liệt tay trái, méo miệng nên được người thân đưa đi cấp cứu. Bệnh viện Đại học y dược TPHCM đã lập tức kích hoạt quy trình báo động đột quỵ để xử trí cho bệnh nhân.
Người bệnh được chẩn đoán có huyết khối nội sọ gây tắc mạch máu lớn làm thiếu máu não dẫn tới đột quỵ. Các bác sĩ đã can thiệp lấy huyết khối cơ học, tái thông mạch máu kịp thời cho não bệnh nhân. Chính việc bệnh nhân chủ quan bỏ thuốc khi đang điều trị dự phòng đã dẫn đến biến chứng đột quỵ. Đột quỵ là một trong những biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh rung nhĩ. Nhờ được cấp cứu và can thiệp kịp thời, anh H. may mắn tránh được các hậu quả nặng nề.
Hiện nay, bệnh nhân đã phục hồi vận động nửa người trái và vẫn đang tiếp tục được theo dõi, chăm sóc tại đơn vị đột quỵ của bệnh viện. Dù thoát chết trong gang tấc, bệnh nhân vẫn phải đối diện nguy cơ tái phát đột quỵ. Những lần đột quỵ tái phát thường sẽ nặng hơn, gây tàn phế, thậm chí tử vong.
Do vậy, bệnh nhân rung nhĩ nên chủ động tầm soát đột quỵ 6 tháng hoặc 1 năm/lần. Ngoài ra, bệnh nhân cần tuân thủ điều trị, dùng thuốc theo đúng chỉ định và tái khám đầy đủ để được bác sĩ theo dõi, điều chỉnh phác đồ cho phù hợp. Mặt khác, bệnh nhân cũng cần xây dựng và duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học, thói quen sinh hoạt lành mạnh để hạn chế tối đa các biến chứng của bệnh.
* Còn cơ chế liên quan với đột quỵ của nhóm bệnh nhân thiếu máu não thoáng qua như thế nào, thưa bác sĩ?
- Thiếu máu não thoáng qua (TIA) là tình trạng giảm tưới máu não trong một thời gian ngắn. Về bản chất, TIA cũng được xem như một cơn đột quỵ nhẹ. Nguy cơ đột quỵ và tái phát đột quỵ ở bệnh nhân thiếu máu não thoáng qua rất cao. Cụ thể, 12% bệnh nhân có nguy cơ bị đột quỵ trong vòng 30 ngày kể từ sau cơn thiếu máu não thoáng qua; 17% trong khoảng 90 ngày (gấp 4 lần so với tỉ lệ chung của các loại đột quỵ). Do đó, người bệnh không được chủ quan và phải có các phương pháp dự phòng tái phát đột quỵ nhằm giảm nguy cơ tác động.
Tuy nhiên, TIA vẫn khác cơn đột quỵ não cấp ở chỗ không gây tổn thương tế bào não vĩnh viễn dù triệu chứng ban đầu khá giống nhau. Khi bị TIA, bệnh nhân sẽ yếu, tê bì tay, chân, mặt, cằm, nhìn mờ, nói đớ. Đối với cơn đột quỵ não cấp, các triệu chứng này kéo dài còn ở TIA, các dấu hiệu vừa kể sẽ mất đi nhanh chóng. Người bị thiếu máu não thoáng qua có nguy cơ bị đột quỵ rất cao, nhất là trong giai đoạn vài ngày kể từ khi xuất hiện triệu chứng. Vì thế, họ rất cần được theo dõi sát và điều trị dự phòng đột quỵ. Có khoảng 20 - 40% các trường hợp đột quỵ được báo trước bởi một cơn thoáng thiếu máu não hoặc đột quỵ nhẹ.
Chiến lược dự phòng đột quỵ tái phát ở người bệnh thiếu máu não thoáng qua gồm dự phòng theo căn nguyên và dự phòng các yếu tố nguy cơ. Dự phòng theo căn nguyên thường được tiến hành trên người bệnh rung nhĩ với những phương pháp phổ biến như dùng thuốc kháng đông, kháng kết tập tiểu cầu, can thiệp hẹp động mạch cảnh. Các yếu tố nguy cơ cao gây đột quỵ nơi người bệnh cũng được kiểm soát tối đa nhằm giảm nguy cơ ở mức thấp nhất.
Theo thống kê từ Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 ca đột quỵ. Số ca đột quỵ có chiều hướng gia tăng. Theo thống kê từ Hội Đột quỵ thế giới, mỗi năm toàn cầu có hơn 12,2 triệu ca đột quỵ não mới, trong đó hơn 16% xảy ra ở độ tuổi 15-49 (nam nhiều hơn nữ). Số ca đột quỵ tử vong là 6,5 triệu trường hợp, người trẻ chiếm 6%. Tại Việt Nam, khoảng 76% bệnh nhân đột quỵ là do nhồi máu não, số còn lại là do chảy máu não. Số lượng bệnh nhân đột quỵ ở Việt Nam được đưa tới bệnh viện cấp cứu trong thời điểm vàng (6 giờ đầu) vẫn còn ít. Do đó, cần nâng cao nhận thức cho người dân để phòng ngừa đột quỵ, nhận biết, xử trí sớm khi có dấu hiệu đột quỵ xảy ra.
Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh lý về thần kinh (chỉ sau ung thư và tim mạch). Dù người bệnh may mắn qua khỏi thì vẫn hứng chịu nhiều di chứng như: hạn chế chức năng vận động (khó khăn khi nói chuyện, nuốt, yếu liệt nửa người...), trầm cảm. Điều trị phục hồi chức năng cho người đột quỵ đòi hỏi sự kiên trì, tốn kém về tiền bạc và thời gian. Tỉ lệ hồi phục của bệnh nhân đột quỵ cao nhất là trong 3 tháng đầu (nếu được tập luyện, chăm sóc đúng cách). Sau 6 tháng, khả năng hồi phục rất thấp.
|
Theo phụ nữ TPHCM