Thử nghiệm này được các nhà khoa học thực hiện thành công trên một con chuột đang bị nhiễm virus Covid-19, họ đã nhỏ hai liều vaccine sống vào mũi của con chuột này. Kết quả cho thấy virus corona bị yếu đi và đã ngăn chặn virus tự sao chép trong đường hô hấp trên của con chuột.
Trên tạp chí Nature Microbiology, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh: vaccine sống giảm độc lực này mang lại khả năng miễn dịch tốt hơn so với vaccine tiêm.
Trước đó, năm 2022 Trung Quốc và Ấn Độ đều đã tung ra vaccine nhỏ mũi, mặc dù không rõ chúng có thể hoạt động tốt như thế nào. Các nghiên cứu về hiệu quả của những loại vaccine này vẫn chưa được công bố, khiến nhiều người trên thế giới tự hỏi liệu phương pháp bảo vệ này có thực sự hiệu quả ở người hay không.
|
|
Các nhà khoa học đang nghiên cứu các lựa chọn thay thế mới cho vaccine tiêm cho Covid-19. |
Tiến sĩ Jakob Trimpert, bác sĩ thú y và trưởng nhóm nghiên cứu tại Viện Virus học tại Đại học Freie, Berlin, giải thích: "Chúng ta cần có khả năng miễn dịch cục bộ nếu muốn ngăn chặn virus đường hô hấp từ sớm."
Tiến sĩ Emanuel Wyler, một đồng tác giả khác, cho biết thêm: "Về mặt này, vaccine nhỏ mũi hiệu quả hơn nhiều so với vaccine tiêm, loại vaccine không thể hoặc khó tiếp cận được với màng nhầy".
Tiến sĩ Geraldine Nouailles, nhà miễn dịch học và trưởng nhóm nghiên cứu tại Khoa Phổi, Y học Hô hấp và Y học Chăm sóc Chuyên sâu tại Charité, giải thích: "Các tế bào T bộ nhớ cư trú trong mô phổi đóng vai trò hữu ích tương tự đối với các kháng thể trong niêm mạc. "Những tế bào bạch cầu này tồn tại trong mô bị ảnh hưởng rất lâu sau khi nhiễm trùng đã qua và ghi nhớ mầm bệnh mà chúng đã gặp phải trước đó. Nhờ vị trí của chúng trong phổi, chúng có thể phản ứng nhanh chóng với virus xâm nhập qua đường hô hấp".
Các chuyên gia vaccine cho rằng cần phải thận trọng, vì loại vaccine này vẫn còn phải vượt qua nhiều thử nghiệm trước khi sẵn sàng sử dụng nhưng họ nói rằng kết quả có vẻ đáng khích lệ.
Cũng liên quan đến phát triển vaccine phòng tránh virus corona, hãng Reuters đưa tin chính phủ Mỹ đang chi hơn 5 tỉ USD (117.235 tỉ đồng) nhằm tăng tốc phát triển các vaccine và liệu pháp điều trị Covid-19 mới.
|
|
Mỹ chi 5 tỉ USD tăng tốc phát triển vaccine Covid-19 thế hệ mới |
Theo một phát ngôn viên Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh (HHS) và một quan chức chính phủ Mỹ, khoản đầu tư này được đặt tên là "Dự án NextGen" nhằm mục đích bảo vệ tốt hơn khỏi virus corona, bao gồm cả virus gây ra Covid-19, có thể trở thành mối đe dọa trong tương lai.
Người phát ngôn của HHS cho biết, dự án được đặt tại HHS, sẽ phối hợp giữa chính phủ và khu vực tư nhân để thúc đẩy hệ thống vaccine và phương pháp điều trị mới. Nó sẽ bao gồm tất cả các giai đoạn phát triển từ nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và thử nghiệm lâm sàng cho đến khi giao hàng.
Nó sẽ tập trung vào việc tạo ra các kháng thể đơn dòng lâu dài chống lại các biến thể Covid-19 mới cũng như các loại vaccine rộng hơn có thể bảo vệ chống lại một số loại virus corona khác nhau.
Dự án cũng tìm cách tăng tốc độ phát triển các loại vaccine tạo ra khả năng miễn dịch niêm mạc và có thể được nhỏ qua mũi, với hy vọng chúng có thể làm giảm đáng kể tốc độ lây nhiễm và lây truyền.
Nguồn: Freie University Berlin, CNN, Reuters
Nguyễn Quế (Tổng hợp)