Hậu quả đau lòng

Từ khi mang thai, chị Thúy An - 28 tuổi, quận 10, TPHCM - đã có những biến đổi tâm lý bất thường. Sau sinh, tình trạng trầm trọng hơn, chị thường xuyên cáu gắt, xa lánh con. Chị không chịu nổi mỗi khi nghe tiếng con khóc, thậm chí còn bịt tai và la hét, giận dữ. Sự thay đổi này khiến gia đình mâu thuẫn, đẩy chị vào cô đơn.

Chồng chị An cho rằng, vợ thật quá quắt, ích kỷ khi ghét bỏ chính đứa con mình sinh ra. Nhờ sự động viên của người bạn thân, chị An đã đi khám tâm lý và được bác sĩ tư vấn, trị liệu.

Khi biết bệnh tình của vợ, người chồng rất hối hận, đã thông cảm và ân cần với chị hơn. Nhờ sự yêu thương, đồng hành của những người thân và được trị liệu kịp thời, chị An đã vượt qua được trạng thái rối loạn tâm thần sau sinh.

leftcenterrightdel
 Bác sĩ đang thăm khám và động viên một sản phụ sau ca vượt cạn thành công - Nguồn ảnh: Bệnh viện Hùng Vương

Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như vậy, vẫn còn nhiều trường hợp trầm cảm sau sinh không được phát hiện và điều trị kịp thời. Tại hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề “Dinh dưỡng thai kỳ, chăm sóc và điều trị dọa sảy thai” diễn ra tại TPHCM ngày 2/11, chị Hà Mai đến từ Bệnh viện Quốc tế City đã chia sẻ một câu chuyện đầy cảm xúc.

Chị kể rằng, trong công việc hằng ngày của mình, tắm rửa và mặc quần áo cho trẻ sơ sinh là điều quá quen thuộc. Tuy nhiên, khi trở thành mẹ và sinh một bé nặng 2,6kg, chị lại vô cùng bối rối và lo lắng. Lần đầu tự tay chăm sóc con, việc đơn giản như mặc áo cho bé cũng khiến chị gặp khó khăn và hoảng hốt.

Chị không xỏ nổi tay áo cho em bé và cảm thấy bất lực tới mức bật khóc. Câu chuyện của chị Hà Mai cho thấy những cảm xúc phức tạp mà phụ nữ trải qua khi lần đầu làm mẹ, dù là những người có chuyên môn.

Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Nguyễn Khánh Trang - Trưởng khối Sản, Bệnh viện Hùng Vương - nêu ra một số vụ việc đau lòng: ngày 8/5/2022, một bà mẹ đã quăng con vào máy giặt sau đó treo cổ tự tử (xảy ra 6 tuần sau sinh); ở Hà Tĩnh, người mẹ chém chết con 2 tháng tuổi và tự sát không thành; mẹ dìm chết con ở tỉnh Lâm Đồng…

Theo bác sĩ, trầm cảm sau sinh dẫn tới người mẹ làm tổn thương bản thân, làm hại chính đứa con mình yêu thương nhất thì đó không chỉ là thất bại của gia đình mà của cả xã hội.

Giải pháp nào?

Bác sĩ Khánh Trang nhấn mạnh, trầm cảm ở phụ nữ mang thai và sau sinh là vấn đề đáng báo động. Thực tế, các dấu hiệu trầm cảm có thể xuất hiện ngay từ những tháng đầu của thai kỳ và ngày càng trầm trọng.

Theo y văn, ước tính cứ 6 phụ nữ thì 1 người bị trầm cảm sau sinh (chiếm khoảng 15%). Tại Bệnh viện Hùng Vương, từ năm 2000 đã ghi nhận trầm cảm sau sinh chiếm trên 30% các sản phụ. Thống kê về trầm cảm sau sinh tại các bệnh viện sản khoa cả nước chưa bao giờ thấp dưới 17%.

Điều đáng lo ngại là nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, trầm cảm sau sinh có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng. Tại Việt Nam, với khoảng 1 triệu trẻ được sinh ra mỗi năm, vấn đề trầm cảm sau sinh đang là một thách thức lớn đối với xã hội.

Để giảm thiểu nguy cơ phụ nữ bị trầm cảm sau sinh, tiến sĩ, bác sĩ Tạ Thị Thanh Thủy - Giám đốc y khoa, Bệnh viện Quốc tế City - cho rằng, vai trò của nhân viên y tế vô cùng quan trọng. Thái độ ân cần, thấu hiểu của nhân viên y tế có thể tạo ra môi trường ấm áp, giúp sản phụ cảm thấy an tâm và được hỗ trợ.

Bên cạnh đó, các yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý của sản phụ như điều kiện sinh nở, sức khỏe của em bé, sự hỗ trợ từ gia đình, môi trường làm việc. Khi được chăm sóc thai kỳ tốt, sinh nở thuận lợi và sự hỗ trợ tốt từ người thân, sản phụ thường cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc. Ngược lại, những biến cố như trẻ sơ sinh phải nhập viện hoặc sự thiếu linh hoạt trong công việc có thể khiến sản phụ dễ rơi vào trạng thái căng thẳng, lo lắng, từ đó gia tăng nguy cơ trầm cảm.

Một bác sĩ đến từ Bệnh viện quận 12 đặt vấn đề Bệnh viện Hùng Vương cần thành lập đơn vị theo dõi và điều trị trầm cảm thai kỳ, trầm cảm sau sinh. Rất nhiều thai phụ khi đi khám ở các bệnh viện thì được phát hiện có dấu hiệu trầm cảm.

Thế nhưng, các bác sĩ cũng vô cùng dè dặt khi cho thuốc bởi họ đang mang thai. Nếu được một bệnh viện phụ sản quản lý vấn đề trầm cảm cho sản phụ sẽ tốt hơn.

Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương Hoàng Thị Diễm Tuyết đã phân tích vai trò của bác sĩ sản phụ khoa trong việc chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người bệnh. Bà nhấn mạnh nhiệm vụ chính của bác sĩ sản phụ khoa là theo dõi thai kỳ, sàng lọc các yếu tố nguy cơ, bao gồm cả trầm cảm.

Tuy nhiên, việc điều trị trầm cảm đòi hỏi kiến thức, kỹ năng chuyên sâu của bác sĩ tâm thần. Vì vậy, khi phát hiện dấu hiệu trầm cảm, Bệnh viện Hùng Vương sẽ chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế có chuyên khoa tâm thần để được điều trị.

Bệnh viện hiện đang tập trung xây dựng hệ thống sàng lọc hiệu quả để phát hiện sớm trầm cảm sau sinh, nhằm đảm bảo mọi sản phụ đều được chăm sóc sức khỏe toàn diện.

Bác sĩ Khánh Trang nêu ra một giải pháp, đó là bác sĩ có thể dùng bảng câu hỏi để sàng lọc dấu hiệu trầm cảm ở thai phụ, sản phụ. Dự kiến thời gian tới, bảng câu hỏi sàng lọc này sẽ được áp dụng tại tất cả cơ sở y tế, trong đó có mức quy ước bao nhiêu điểm thì cần chuyển người bệnh sang chuyên khoa tâm lý - tâm thần can thiệp.

Trầm cảm sau sinh là một vấn đề phức tạp, chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Cơ chế chính gây ra tình trạng này liên quan đến sự thay đổi mạnh mẽ về nội tiết tố sau khi sinh.

Sự giảm đột ngột nồng độ estrogen và progesterone có thể gây ra những rối loạn về tâm trạng, ảnh hưởng đến các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin và dopamine, vốn có vai trò quan trọng trong việc điều hòa cảm xúc.

Bên cạnh đó, các yếu tố tâm lý như áp lực chăm sóc con, lo lắng về tương lai, sự thay đổi vai trò cũng góp phần làm tăng nguy cơ trầm cảm…

Theo phụ nữ TPHCM