Tiến sĩ - dược sĩ Nguyễn Thành Triết, Phó trưởng Bộ môn Dược học cổ truyền, Trường ĐH Y Dược TP.HCM, giải đáp: Theo tài liệu "Những cây thuốc và vị thuốc của Việt Nam" của GS Đỗ Tất Lợi, người dân có thể dùng hoa đu đủ đực tươi hoặc phơi khô hấp với đường hoặc đường phèn dùng chữa bệnh ho, viêm ống phổi, mất tiếng.

Chưa có nghiên cứu chứng minh hoa đu đủ chữa khỏi ung thư

Chưa đủ căn cứ khoa học để khẳng định hoa đu đủ đực có tác dụng chữa ung thư. L.C

Trong thời gian gần đây, rất nhiều thông tin cho rằng lá và hoa đu đủ, đặc biệt là hoa đu đủ đực được xem là thần dược có tác dụng chữa nhiều loại ung thư khác nhau. Chúng tôi đã tra cứu nhiều nguồn tài liệu khác nhau gồm các đề tài, bài báo nghiên cứu trong và ngoài nước về lá và hoa đu đủ đực. Kết quả cho thấy hầu như các nghiên cứu về ung thư trên hai bộ phận này đều là thử nghiệm trên các dòng tế bào ung thư được nuôi cấy bên ngoài cơ thể sống, chưa có nhiều nghiên cứu trên cơ thể động vật và đặc biệt không thấy các nghiên cứu lâm sàng trên người. Một số nước có dùng hoa đu đủ để làm trà uống nhưng nhìn chung chưa thấy các nghiên cứu cung cấp bằng chứng về tác dụng trị liệu.

Tóm lại, chưa đủ căn cứ khoa học để khẳng định hoa đu đủ đực có tác dụng chữa ung thư.

Chúng ta có thể sử dụng lá, hoa đu đủ như cách pha trà uống thông thường, theo liều 4-12 g/ngày trong một khoảng thời gian nhất định (không uống thay nước), cần thận trọng với một số đối tượng đặc biệt như trẻ em, phụ nữ có thai và người bị loét dạ dày, lưu ý không sử dụng trong thời gian quá dài vì vị đắng của hoa đu đủ có thể ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa của tỳ, vị.

Khi sử dụng hoa đu đủ cho mục đích điều trị hay hỗ trợ điều trị bệnh thì cần phải hỏi ý kiến của chuyên gia để có cách sử dụng phù hợp.

Bạn đọc có thể đặt câu hỏi cho chuyên mục Bác sĩ 24/7 bằng hình thức nhập bình luận bên dưới bài hoặc gửi qua email: suckhoethanhnien247@gmail.com.

Câu hỏi sẽ được chuyển đến các bác sĩ, chuyên gia... để trả lời cho bạn đọc.

Theo Thanh niên