Một buổi trị liệu bằng ngựa tại một trung tâm dưỡng lão của Singapore - Ảnh: ST
"Tôi thấy rất lạ nhưng rất vui khi đi dạo cùng với chúng và chạm vào chúng", vừa nói bà Bertha Hang, 74 tuổi, vừa dùng phần còn lại của cánh tay phải vuốt ve chú ngựa tên Valentina.
Bà Hang trở nên suy sụp vào năm 2003 khi căn bệnh nhiễm trùng huyết dẫn tới hoại thư đã cướp đi của bà một cánh tay. Sau vài lần nhận được "mã trị liệu" từ một tổ chức từ thiện, tinh thần của bà Hang cùng các bạn ở viện dưỡng lão tốt lên trông thấy.
Bà trở nên vui vẻ, cười nói và không còn sợ những con ngựa nữa. Nhưng vì sao lại là ngựa mà không phải là chó hoặc mèo, những con vật đã trở nên phổ biến và gần gũi với con người nhất?
Cũng giống như bất kỳ động vật nào đã được sử dụng để điều trị các vấn đề về tâm lý của bệnh nhân, ngựa không biết phán xét hay có thành kiến khi tiếp xúc với những người tàn tật, bị khiếm khuyết về ngoại hình hay nhận thức.
Bà Hang chải lông cho chú ngựa mà mình thích - Ảnh: ST
"Nhìn vào đôi mắt của những con ngựa và lắng nghe tiếng móng guốc của chúng gõ đều đều trên mặt đất có thể giúp người già bình tĩnh hơn, kể cả khi họ bị kích động", bà Jessamine A. Ihrcke, quản lý một tổ chức chuyên cung cấp "mã trị liệu", chia sẻ với báo Straits Times của Singapore.
Bà Jessamine cho rằng bản tính của loài ngựa là nhạy cảm, có thể phản ứng với bất kỳ sự thay đổi nhỏ nào của môi trường xung quanh. "Sự nhạy cảm đó giúp những người đối diện có thể thấy ngay hậu quả từ các hành động của mình, chẳng hạn như quát nạt và nói lớn tiếng.
Do đó để xây dựng được mối quan hệ với con vật, các bệnh nhân sẽ được hướng dẫn và tự tìm cách kiềm chế cảm xúc và hành động của mình".
Hiện có ít nhất 3 đơn vị cung cấp "mã trị liệu" ở Singapore. Một tổ chức từ thiện chuyên giúp đỡ người già, người khuyết tật tại các trung tâm dưỡng lão, hai đơn vị còn lại thu phí với khách hàng chủ yếu là các em thiếu niên nhi đồng.
Hai chú ngựa được sử dụng cho một buổi trị liệu đặc biệt ở trung tâm dưỡng lão - Ảnh: ST
Chi phí chăm sóc một con ngựa tại Singapore rất tốn kém, khoảng 1.000 đến 2.000 USD mỗi tháng nhưng phí một buổi "mã trị liệu" dài khoảng 45 phút cũng chỉ bằng một buổi vật lý trị liệu thông thường, dao động từ 80 đến 180 USD, theo báo Straits Times.
Những con ngựa được lựa chọn là ngựa sử dụng trong môn thể thao polo, vốn đã quá quen với con người. Dù chưa có nghiên cứu nghiêm túc nào cho thấy tính hiệu quả của "mã trị liệu", sự thay đổi tâm tính của các bệnh nhân sau khi tiếp xúc với ngựa đã trở thành thứ truyền từ tai người này sang người kia khiến "mã trị liệu" trở thành phương pháp "hot" ở Singapore.
Theo tuoitre