Lo lắng, bất an khi có bất thường
Chị Đ.C.T. - 30 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TPHCM - năm nào cũng đều đặn khám sức khỏe tổng quát. 2 năm nay, kết quả kiểm tra phụ khoa của chị có điểm bất thường. Nội soi cổ tử cung, bác sĩ thấy có vết trắng. Cả 2 lần, bác sĩ đều chỉ định chị làm phết tế bào cổ tử cung để tầm soát ung thư, nhưng chưa ghi nhận gì lạ. Chị được dặn phải theo dõi kỹ, vì 50% trường hợp có vết trắng cổ tử cung sẽ chuyển biến thành ung thư. Chị T. vô cùng lo lắng.
Tương tự, chị P.H.L. - 35 tuổi, làm việc văn phòng - rụng rời khi nhận được điện thoại của bệnh viện về kết quả khám sức khỏe tổng quát. Chị được mời tới gặp để thông báo về bệnh trạng tiền ung thư cổ tử cung. Bác sĩ nói chị cần phải khoét chóp cổ tử cung để ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh. Lúc này, tai chị L. lùng bùng, không hiểu tình trạng bệnh của mình có nguy hiểm không?
|
|
Bác sĩ Huỳnh Nguyễn Khánh Trang tư vấn về sức khỏe phụ khoa cho thai phụ - Ảnh do bệnh viện cung cấp |
Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Nguyễn Khánh Trang - Chủ nhiệm bộ môn sản phụ khoa Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trưởng khoa Sanh Bệnh viện Hùng Vương - cho biết, theo nhiều nghiên cứu tại Việt Nam, ước chừng 1.000 người đi khám tầm soát phụ khoa thì có 10 người bị bất thường, 10.000 người đi khám tầm soát phụ khoa thì có vài người bị ung thư giai đoạn sớm.
Mỗi năm, Bệnh viện Hùng Vương khám khoảng 100.000 ca thì ghi nhận 50-70 ca bị ung thư giai đoạn muộn, đa phần bệnh nhân ở vùng sâu vùng xa. Người bị ung thư cổ tử cung đang ngày càng trẻ hóa vì xu thế quan hệ tình dục sớm. Tại bệnh viện này, trường hợp trẻ nhất được ghi nhận ung thư cổ tử cung mới chỉ ngoài 20 tuổi. 90% nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung là do vi rút HPV, 10% còn lại do các yếu tố khác như di truyền, đột biến gen, tiếp xúc với chất gây ung thư.
Phụ nữ đã quan hệ tình dục có nguy cơ cao nhiễm vi rút HPV. Nếu xét nghiệm thấy nhiễm vi rút HPV nhóm độc lực cao nhưng chưa biến đổi tế bào cổ tử cung thì bệnh nhân cần theo dõi vì vẫn có nguy cơ chuyển biến ung thư dù ít. Trường hợp đã nhiễm HPV độc lực cao kèm biến đổi tế bào cổ tử cung thì sẽ tùy vào sự biến đổi đó mà có xử lý phù hợp.
Cần khám tầm soát hằng năm
Theo bác sĩ Huỳnh Nguyễn Khánh Trang, vừa khám sàng lọc, chưa phát hiện bất thường không đồng nghĩa là không có nguy cơ. Thời gian tế bào cổ tử cung biến đổi từ bất thường sang dị sản (tiền ung thư) mất vài năm. Tế bào dị sản cũng được chia thành các mức độ: nhẹ, trung bình, nặng. Dị sản nặng chính là ung thư tại chỗ, chưa di căn. Mỗi giai đoạn của tế bào chuyển từ dị sản nhẹ sang trung bình đến nặng cũng cần từ 1-2 năm.
Bác sĩ sẽ chỉ định khoét chóp - cắt đi 1 phần cổ tử cung - khi bệnh nhân bị dị sản nặng. Thực tế, không ít phụ nữ trẻ bị dị sản nặng phải khoét chóp cổ tử cung. Nếu họ mang thai sẽ có nguy cơ bị hở eo tử cung, dễ sinh non. Lúc này, bác sĩ sẽ khâu cổ tử cung để hỗ trợ. Phần mô chóp cổ tử cung sau đó sẽ được đem đi giải phẫu bệnh lý để xác định giai đoạn ung thư. Từ giai đoạn 2 trở đi, bệnh nhân sẽ cần cuộc mổ lớn như cắt tử cung, khoét hạch để kéo dài sự sống. Còn bệnh nhân vẫn đang ở giai đoạn ung thư tại chỗ và đã đủ con thì bác sĩ sẽ chỉ định cắt trọn tử cung để giải quyết bệnh triệt.
Bác sĩ Huỳnh Nguyễn Khánh Trang giải thích rõ hơn về dấu hiệu vết trắng cổ tử cung. Đó là khi cổ tử cung có tổn thương làm lớp tế bào dày lên. Bệnh nhân sẽ cần được bấm tế bào, mang đi sinh thiết thì mới đủ thông tin để chẩn đoán chính xác. 95% trường hợp tế bào cổ tử cung biến đổi bất thường nhưng chưa vào giai đoạn nguy hiểm thì sau quá trình theo dõi và điều trị vẫn hồi phục được. Chỉ có 5% sẽ diễn tiến xấu đi do sinh hoạt tình dục không an toàn làm lây nhiễm thêm nhiều chủng vi rút HPV mới.
Ông khuyến cáo, những bé gái ở độ tuổi dậy thì, chưa quan hệ tình dục hãy tiêm vắc xin phòng tránh ung thư cổ tử cung do vi rút HPV. Người trưởng thành cần khám sức khỏe tổng quát và tầm soát phụ khoa mỗi năm 1 lần. Quá trình chuyển biến ung thư cổ tử cung (nếu có) phải mất thời gian vài năm. Nếu tuân thủ khám tầm soát mỗi năm thì có thể phát hiện bệnh sớm và can thiệp kịp thời.
Theo phụ nữ TPHCM