leftcenterrightdel
Nhiệt độ lý tưởng để duy trì giấc ngủ là 15-19 độ C. Ảnh minh họa:New York Times

Trong một khảo sát bất kỳ, 10-40% người trưởng thành đến gặp bác sĩ nói rằng thỉnh thoảng họ bị mồ hôi về đêm.

Theo PGS.TS Kate Rowland (chuyên ngành Y học gia đình tại trường Y thuộc Đại học Rush, Chicago, Mỹ), đổ mồ hôi đêm (hay còn được biết đến là mồ hôi trộm) là triệu chứng hầu như vô hại, nhưng thỉnh thoảng cũng có trường hợp cá biệt. Chứng này tương đối phổ biến và có thể ảnh hưởng đến mọi người ở mọi độ tuổi và giới tính.

Đa dạng nguyên nhân

Chứng mồ hôi trộm được gây bởi nhiều nguyên nhân như nhiệt độ phòng ngủ, mắc bệnh, độ tuổi, các tật lúc ngủ hay dùng một số loại thuốc gây ra mồ hôi.

Nhiệt độ phòng ngủ

Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia Mỹ khuyến khích phòng ngủ nên có nhiệt độ 60-67 độ F, tương đương 15-19 độ C. Nếu phòng ngủ không thể luôn luôn mát mẻ, người ta có thể cân nhắc việc đặt thêm một chiếc quạt ở vị trí hợp lý.

Mặc dù đã có nghiên cứu chỉ ra rằng con người sẽ dễ dàng chìm vào giấc ngủ hơn sau khi tắm nước ấm, ngâm chân hay ở trong một không gian ấm áp, con người vẫn sẽ dễ đổ mồ hôi lúc ngủ nếu chăn quá dày.

"Lúc này, cơ thể đổ mồ hôi là đang giúp con người hạ nhiệt độ cơ thể", GS. Khoa học đời sống, Nhà nghiên cứu giấc ngủ tại Đại học Hoàng gia London (Anh) William Wisden giải thích.

Đồng quan điểm, TS. Rowland cũng cho rằng "nhiệt độ khiến bạn thoải mái đi vào giấc ngủ có thể không phải nhiệt độ thoải mái để bạn duy trì giấc ngủ".

Mắc bệnh

"Nếu một người vẫn ra mồ hôi trộm sau khi đã làm đủ bước để hạ nhiệt độ phòng, anh ta nên đến ngay phòng khám hoặc bệnh viện. Nếu anh ta xuất hiện thêm các triệu chứng khác như sốt, sụt cân, mệt mỏi, ho, khó thở hoặc đau thì có vẻ đây không hoàn toàn là ra mồ hôi trộm", TS. Rowland nói.

Cũng theo bà, bất kỳ bệnh nào gây sốt đều có thể khiến cơ thể đổ mồ hôi. Nhưng một vài bệnh nghiêm trọng như lao, HIV, viêm niêm mạc buồng tim, sốt rét hay tăng bạch cầu đều có liên quan đặc biệt đến chứng mồ hôi trộm. Cá biệt, đổ mồ hôi trộm cũng có thể là triệu chứng của vài bệnh ung thư như ung thư máu.

Độ tuổi tiền mãn kinh

Andrea Matsumura, tiến sĩ về giấc ngủ tại Phòng khám Oregon (Portland, Mỹ) kiêm Phát ngôn viên của Học viện Y học Giấc ngủ Mỹ, cho hay chứng mồ hôi trộm cũng hay xuất hiện ở phụ nữ trong độ tuổi tiền mãn kinh. Chứng này có thể đi kèm cùng chứng bốc hỏa, xuất hiện vài năm trước khi hoàn toàn mãn kinh và có thể kéo dài mấy năm sau đó.

"Nếu cảm thấy không ổn với việc đổ mồ hôi trộm trong thời kỳ tiền mãn kinh, mọi người nên trao đổi với chuyên gia sức khỏe - y tế để được điều trị", bà Matsumura gợi ý.

Có tật lúc ngủ

Trong số những bệnh nhân điều trị bệnh về giấc ngủ của TS. Matsumura, chứng đổ mồ hôi nhiều vào ban đêm xảy ra “thường là do vài người có kiểu thở bất thường trong giấc ngủ. Đó cũng có thể là dấu hiệu của chứng ngưng thở khi ngủ (hay còn gọi là ngủ ngáy)”.

Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng đổ mồ hôi ban đêm cũng có thể liên quan đến chứng mất ngủ, hội chứng chân không yên và chứng ngủ gật.

Sử dụng thuốc

Một số thuốc có thể gây đổ mồ hôi ban đêm, thường thấy nhất là thuốc trị trầm cảm, tiểu đường hoặc thực phẩm chức năng làm tăng nội tiết tố.

Tùy thuộc vào mức độ đổ mồ hôi và cảm nhận của bệnh nhân, trong nhiều trường hợp TS. Rowland khuyến khích bệnh nhân nên ngừng hoặc đổi thuốc.

Không khó điều trị

leftcenterrightdel
 Ra mồ hôi lúc ngủ là cơ chế điều hòa nhiệt độ hoàn toàn bình thường của cơ thể. Ảnh minh họa:New York Times.

Theo TS. Rowland, đổ mồ hôi khi ngủ có thể chỉ là một phần trong cách cơ thể bạn điều chỉnh nhiệt độ vào ban đêm. Đổ mồ hôi là một “phản ứng sinh lý bình thường” có thể giúp con người đạt hoặc duy trì nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ sinh học thông thường. Mức độ đổ mồ hôi ở mỗi người không giống nhau, nhiều người có thể đổ mồ hôi nhiều hơn người khác.

Ngoài ra, bà gợi ý nên thay drap giường hoặc quần áo ngủ có chất vải mềm nhẹ cũng có thể giúp hạn chế ra mồ hôi.

Bên cạnh đó, TS. Matsumura khuyến cáo tránh tập thể dục, uống rượu hoặc đồ uống nóng hay ăn quá gần giờ đi ngủ. Tất cả những điều này đều có thể gây đổ mồ hôi vào ban đêm.

TS. Rowland cũng gợi ý nên thử ngủ một mình nếu thường xuyên ngủ cùng người khác.

"Đôi khi ngủ cạnh một người như nằm gần cái lò nhiệt. Nó sẽ ảnh hưởng đến việc cơ thể bạn cân bằng nhiệt độ mỗi đêm", bà nói.

Theo zingnews