1. Những ảnh hưởng của mất ngủ
Mất ngủ là một rối loạn giấc ngủ phổ biến, đặc biệt hay gặp ở người có áp lực công việc cao. Hầu hết người lớn cần ngủ khoảng 7 đến 8 giờ mỗi đêm, nhưng có người nhu cầu ngủ ít hơn thời gian đó. Nếu đêm bạn ngủ ít nhưng hôm sau vẫn làm việc đầy đủ, không mệt mỏi thì đó không được gọi là mất ngủ (hay còn gọi là thiếu ngủ).
Khi ngủ không đủ giấc, cơ thể sẽ bị ảnh hưởng:
- Tăng nguy cơ gặp tai nạn do lái xe trong trạng thái buồn ngủ.
- Suy giảm khả năng miễn dịch: Thiếu ngủ kéo dài có thể phá vỡ hệ thống miễn dịch, do đó bạn có ít khả năng chống lại các vi sinh vật.
- Gây các rối loạn về tâm lý, tâm thần: Thiếu ngủ ban đêm sẽ khiến cơ thể ủ rũ, thiếu tập trung trong công việc và dễ cáu kỉnh vào ngày hôm sau. Thiếu ngủ kéo dài còn có thể dẫn đến các rối loạn tâm thần như trầm cảm hay lo âu.
- Tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như: Đái tháo đường, ung thư, sa sút trí tuệ, các bệnh tim mạch...
2. Các thuốc an thần trị mất ngủ
Mất ngủ khiến người bệnh rất khó chịu, do đó việc dùng thuốc an thần để điều trị mất ngủ hay bị lạm dụng. Hậu quả của lạm dụng thuốc là không hề nhỏ. Do đó, trước khi dùng thuốc, bệnh nhân cần đi khám tại chuyên khoa thần kinh hoặc tâm thần. Dựa vào các triệu chứng lâm sàng và các kết quả cận lâm sàng, bác sĩ chuyên khoa mới có thể đánh giá về nguyên nhân và mức độ thiếu ngủ cũng như sức khỏe toàn trạng của bệnh nhân rồi mới kê đơn.
Nhiều trường hợp, có thể chỉ cần tư vấn tâm lý, sử dụng một số thảo dược đã giúp người bệnh có lại giấc ngủ đủ. Khi dùng thuốc điều trị mất ngủ không đúng, nguy cơ gây hại sẽ nhiều hơn hiệu quả.
- Nhóm benzodiazepines: Đây là các thuốc an thần gây ngủ khá quen thuộc do thường được sử dụng. Các hoạt chất phổ biến như diazepam, bromazepam, clonazepam (biệt dược seduxen, valium, lexomil, rivotril...). Nhóm thuốc này có tác dụng hiệu quả trong điều trị các rối loạn tâm lý và thần kinh, do đó được sử dụng điều trị chứng mất ngủ trong một số trường hợp.
Khi dùng thuốc, có khá nhiều tác dụng phụ như:
- Buồn ngủ.
- Hoang mang.
- Chóng mặt, gây vấn đề rối loạn thị lực
- Lo lắng.
- Cảm giác chán nản.
- Đau đầu.
- Mệt mỏi vào ngày hôm sau gây khả năng phối hợp kém…
Ngoài ra, đây là nhóm thuốc có thể gây nghiện, do đó chỉ định sử dụng trong thời gian ngắn, không quá một tuần trong đợt điều trị. Trường hợp bệnh nhân lạm dụng thuốc và sử dụng lâu dài các thuốc benzodiazepin có thể dẫn đến tình trạng lệ thuộc thuốc. Sự lệ thuộc có thể bắt đầu khi sử dụng thuốc trong vòng một tháng, ngay cả với liều lượng đã được quy định.
Ngoài lệ thuộc thuốc, các triệu chứng cai thuốc cũng khiến bệnh nhân rất khó chịu, như: Khó ngủ, chán nản và đổ mồ hôi, nhưng khi có dấu hiệu phụ thuộc thuốc lại không được ngừng thuốc đột ngột. Bởi ngừng thuốc đột ngột có thể dẫn đến tình trạng run, chuột rút và co giật, thậm chí là đe dọa tính mạng. Chính vì vậy, cần giảm dần liều các thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Thuốc ngủ "Z-drugs" như zolpidem (stilnox, ambien), eszopiclone (lunesta), zaleplon (sonata). Đây là loại thuốc được ưa dùng trong rối loạn giấc ngủ nhờ tác dụng gây ngủ êm dịu và ít khi xảy ra nhờn thuốc và hội chứng cai khi ngừng thuốc.
Tuy nhiên thực tế cho thấy, cũng nhiều bệnh nhân sử dụng các thuốc Z-drugs có nguy cơ lệ thuộc thuốc và một số tác dụng phụ khác như choáng váng, khô miệng, táo bón… Thuốc không nên tự sử dụng quá 4 tuần và cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng.
- Một số thuốc kháng histamine như promethazine và diphenhydramin cũng được dùng để điều trị chứng mất ngủ. Hai loại thuốc này có tác dụng an thần đáng kể nên có thể cải thiện tình trạng mất ngủ, khó ngủ, ngủ không sâu giấc và ngủ chập chờn. Thuốc này có một số tác dụng phụ như mệt mỏi, choáng váng, giảm khả năng phối hợp và suy giảm hệ thần kinh trung ương. Ngoài ra thuốc cũng có thể gây táo bón, mờ mắt, khô miệng và đau đầu.
- Thuốc được chiết xuất từ thảo dược, như rotudin - chiết xuất từ lá vông nem có tác dụng gây ngủ, hạ huyết áp, hạ thân nhiệt, trấn tĩnh và ức chế hệ thần kinh trung ương.
- Các thảo dược có thể hỗ trợ người mới mất ngủ nhẹ, như cây lạc tiên có thể giúp ngủ ngon, giảm tình trạng giấc ngủ đến muộn, ngủ không sâu giấc và thường xuyên thức giấc giữa đêm. Tâm sen, bình vôi... cũng có tác dụng an thần, hỗ trợ điều trị mất ngủ.
3. Một số lưu ý trước khi dùng thuốc
Sử dụng thuốc ngủ là biện pháp cuối cùng, khi các biện pháp khác không còn hữu hiệu. Do đó, khi mới bắt đầu có dấu hiệu khó ngủ, ngủ chập chờn không đủ giấc, người bệnh cần thực hiện các biện pháp sau:
- Không dùng các thiết bị điện tử trước khi ngủ.
- Tắm nước ấm trước khi đi ngủ cũng giúp ngủ ngon giấc hơn.
- Nên sử dụng các sản phẩm chức năng và thảo dược để điều trị mất ngủ trước khi sử dụng thuốc.
- Nghe nhạc nhẹ nhàng, đọc sách cũng dễ vào giấc ngủ hơn.
- Các thuốc an thần gây ngủ rất dễ bị lạm dụng, do đó chỉ được sử dụng theo đơn của bác sĩ.
Theo suckhoedoisong.vn