Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ có thể bao gồm sốt, nhức đầu, đau cơ, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh và kiệt sức. Một số người bị phát ban trên mặt và các bộ phận khác của cơ thể khoảng một đến ba ngày sau đó, có thể biểu hiện thành vết sưng tấy, vết loét và mụn nước…
Phát ban do bệnh đậu mùa khỉ có thể trải qua các giai đoạn nối tiếp nhau: rát, sần, mụn nước, mụn mủ, sau cùng đóng vẩy và kết thúc vào tuần thứ 3, thứ 4 sau khi phát ban. Trong quá trình này, phát ban có thể ngứa và thậm chí đau. Vậy làm thế nào bạn có thể giảm bớt những triệu chứng này, và khi nào thì cần điều trị?
Ở một số người - không phải tất cả - phát ban có thể gây đau đớn. Đây sẽ là tình huống chính khi điều trị được xem xét, TS Elizabeth Gilliams, chuyên gia truyền nhiễm tại Johns Hopkins Medicine cho biết.
Phát ban là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh đậu mùa khỉ.
1.Bảo vệ vết phát ban, nhưng không nên băng kín
Trong khi phục hồi tại nhà, cần chăm sóc các tổn thương, giữ cho chúng sạch sẽ và không bị nhiễm trùng.
Không nên băng kín vết thương, vì sẽ tạo ra một môi trường ẩm ướt, làm tổn thương vùng da lân cận, thúc đẩy lây nhiễm chéo, hoặc thậm chí gây ra các tổn thương hoặc phát ban nghiêm trọng hơn… sẽ làm ảnh hưởng tới quá trình lành bệnh.
Tuy nhiên, nếu người bệnh ra khỏi nhà và có tiếp xúc với người xung quanh, cần phải che chắn bất kỳ vết thương và phát ban nào bằng quần áo như áo tay dài, quần dài hoặc găng tay, TS Luis Ostrosky, chuyên gia truyền nhiễm Bệnh viện Memorial Hermann, thuộc Trung tâm Khoa học Y tế Đại học Texas tại Houston (UTHealth) cho biết.
2. Tránh gãi đối với phát ban đậu mùa khỉ
TS Gilliams cho biết, bệnh nhân đậu mùa khỉ bị phát ban hoặc tổn thương cần tránh gãi, vì gãi có thể khiến tổn thương lan rộng. Gãi có thể khiến vết thương bị đau và có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn. Gãi còn làm tăng nguy cơ truyền bệnh đậu mùa khỉ cho người khác.
3.Điều trị phát ban đậu mùa khỉ như thế nào?
Hiện vẫn chưa có phương pháp điều trị cụ thể cho bệnh đậu khỉ. Tuy nhiên, có một số cách để giảm bớt các triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ, bao gồm cả phát ban.
3.1 Thuốc kháng virus
Theo TS Gilliams, một phương pháp điều trị tiềm năng cho phát ban đậu mùa khỉ là dùng thuốc kháng virus tecovirimat.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, thuốc có thể được sử dụng để điều trị ban đầu hoặc giai đoạn sớm bệnh đậu mùa khỉ ở người lớn và trẻ em.
Hầu hết các phát ban do bệnh đậu mùa khỉ chỉ cần tập trung vào việc giữ cho các tổn thương sạch sẽ để tránh lây nhiễm vi khuẩn thứ phát. Tuy nhiên, tecovirimat có thể được sử dụng cho các trường hợp phát ban nặng ở các vùng nhạy cảm như mắt hoặc cho những người có hệ thống miễn dịch bị tổn thương, TS Ostrosky cho biết.
3.2 Điều trị không kê đơn (OTC) với phát ban đậu mùa khỉ
Một số loại thuốc không kê đơn có thể giúp ứng phó với phát ban đậu mùa khỉ
Nếu bạn bị phát ban đậu mùa khỉ và không cần dùng thuốc kháng virus theo toa, nhưng vẫn đang tìm cách để đối phó với phát ban gây đau hoặc ngứa, có một số phương pháp điều trị không kê đơn (OTC) có thể giúp:
- Kem hoặc gel steroid tại chỗ
- Thuốc mỡ (như vaseline hoặc aquaphor)
- Thuốc tê tại chỗ (như lidocaine)
Cũng có thể dùng thuốc mỡ kháng khuẩn, nhưng cần dùng các thuốc này thận trọng, vì nhiều người có thể bị dị ứng với một số loại thuốc mỡ nhất định.
Đối với cơn đau nhẹ, thuốc chống viêm như ibuprofen có thể giúp ích. Thuốc kháng histamin không kê đơn, acetaminophen (Tylenol) hoặc ngâm mình trong bồn tắm cũng có thể giúp giảm bớt các triệu chứng.
Theo suckhoedoisong.vn