leftcenterrightdel
 Loại virus phổ biến gây ra các vết loét và mụn giộp ở miệng hoặc bộ phận sinh dục có thể là chìa khóa của phương pháp điều trị ung thư mới

Thử nghiệm ban đầu tại Viện Nghiên cứu Ung thư (ICR) ở London, Anh cho thấy một phiên bản sửa đổi của virus Herpes simplex đạt hiệu quả chữa trị trên 25% bệnh nhân bị ung thư giai đoạn cuối trong thí nghiệm.

Virus Herpes - được biết đến là virus gây ra các vết loét ở miệng và cơ quan sinh dục - hoạt động trên bệnh ung thư bằng cách tạo ra các phân tử để kích hoạt phản ứng của hệ thống miễn dịch, đồng thời lây nhiễm và tiêu diệt tế bào ung thư từ bên trong.

Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm trên 39 bệnh nhân ung thư - bao gồm ung thư da, ung thư thực quản, phát triển khối u ở đầu và cổ.

Một bệnh nhân đến từ Tây London đã ca ngợi đây là “phép màu có thật” sau khi anh khỏi bệnh và có thể trở lại làm thợ xây.

Krzysztof Wojkowski, 39 tuổi, được chẩn đoán mắc ung thư biểu mô Mucoepidermoid, một loại ung thư tuyến nước bọt, vào tháng 5/2017. Sau nhiều lần phẫu thuật, anh được thông báo rằng không còn lựa chọn điều trị nào khác.

Anh chia sẻ: "Tôi đã tiêm virus Herpes biến đổi gen 2 tuần 1 lần trong 5 tuần để loại bỏ hoàn toàn căn bệnh ung thư. Tôi đã khỏi bệnh 2 năm rồi, đó là một phép màu thực sự. Tôi đã có thể đi làm trở lại và dành thời gian cho gia đình”.

Nhóm nghiên cứu đang hy vọng sẽ chuyển sang các thử nghiệm lớn hơn - sau khi trình bày nghiên cứu tại hội nghị của Hiệp hội chuyên khoa ung thư châu Âu (ESMO).

Trưởng nhóm nghiên cứu, giáo sư Kevin Harrington - chuyên gia về liệu pháp ung thư sinh học tại Viện Nghiên cứu Ung thư London - cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy một loại virus tiêu diệt ung thư được biến đổi gen có thể tạo ra 2 mũi tấn công chống lại các khối u - trực tiếp tiêu diệt các tế bào ung thư từ bên trong, đồng thời kêu gọi hệ thống miễn dịch chống lại chúng”.

“Những phát hiện thử nghiệm ban đầu cho thấy, một dạng virus Herpes được biến đổi gen có thể trở thành phương pháp điều trị mới cho một số bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn - bao gồm cả những người không phản ứng với các hình thức khác của liệu pháp miễn dịch”, ông nói thêm.

Virus RP2 được biến đổi gen và được tiêm trực tiếp vào khối u. Virus nhân lên bên trong các tế bào ung thư để phá vỡ chúng từ bên trong, đồng thời ngăn chặn một loại protein được gọi là CTLA-4 - giúp giải phóng hoạt động của hệ thống miễn dịch và tăng khả năng tiêu diệt tế bào ung thư.

Theo phụ nữ TPHCM