Bóng cá của một số loài cá lớn như cá chiên, cá tầm, cá lạc, cá đường,… là thực phẩm cao cấp và làm thuốc trị bệnh.

Bóng cá giàu protid dạng keo (gelatin), chứa lipid, đường, nguyên tố vi lượng và vitamin… Theo Đông y, bóng cá vị ngọt, tính bình; vào Thận. Công dụng bổ thận ích tinh, tư dưỡng cân mạch, chỉ huyết, tán ứ tiêu thũng. Trị di tinh, hoạt tinh, thổ huyết, khái huyết, uốn ván kinh giật, băng huyết, trĩ lậu, đại tiện xuất huyết. Ngày dùng  9 - 50g; bằng cách nấu, hầm, xào, rán. Sau đây là một số thực đơn chữa bệnh có bóng cá.

Dùng cho người bị trĩ lậu, đại tiện xuất huyết: Bóng cá 30g, đường trắng 60g. Bóng cá chế biến, đường hoà tan trong nước, cả hai đun cách thuỷ tới chín nhừ. Ngày ăn 1 lần, liên tục 7 – 10 ngày.

Dùng cho phụ nữ bị bạch đới, khí hư rong kinh rong huyết, kinh nguyệt không đều: Bóng cá chế biến 150g nướng chín vàng tán bột mịn, mỗi lần dùng 15 - 30g, trộn với 2 quả trứng gà, hấp hoặc chiên. Khi ăn, uống với nước ấm có pha chút rượu. Dùng đợt 5 - 7 ngày

Dùng cho phụ nữ bị đau bại vùng thắt lưng, huyết trắng, ăn kém không tiêu do tỳ thận hư nhược: Bóng cá 50g, gạo nếp 50g. Bóng cá rửa sạch, ngâm mềm trong nước gừng có pha rượu, thái nhỏ, nấu cháo, thêm gia vị.

Bổ thận cố tinh: Bóng cá 30g, kỷ tử 30g, gạo 50g. Nấu cháo ăn, dùng đợt 15 – 30 ngày.

Bổ thận ích tinh dưỡng huyết, an thần: Bóng cá 30g, long nhãn 30g, hạt sen 30g, gạo 50g. Nấu cháo ăn.

Bóng cá nấu cháo long nhãn hạt sen, đại táo kỷ tử (bóng  cá nấu ngũ vị) tác dụng bổ thận ích tinh dưỡng huyết, an thần.

Bổ thận ích tinh: Bóng cá 30g, ba kích 20g, ích trí nhân 10g, kỷ tử 10g, sinh khương 2g, đại táo 3 quả. Đại táo xé nhỏ, thêm nước, tất cả hầm cách thủy 3 giờ. Ăn trong ngày.

Bổ thận ích tinh: Bóng cá 60g, hồ đào 60g, sa uyển tử 20g, đại táo 3 quả, gừng 2g. Đại táo xé nhỏ, sa uyển cho vào túi vải, thêm nước, hầm cách thủy 3 giờ. Ăn trong ngày.

Bổ thận cố tính- Chữa thận hư, đau lưng, hoa mắt chóng mặt: bóng cá 30g, ích trí nhân 10g, ngó sen 15g, gừng 5 lát, thịt lợn nạc 60g. Thêm nước, hầm cách thủy, thêm gia vị. Ăn trong ngày.

Bổ tỳ thận, trị đau lưng: Bóng cá 10g, xương ức gà, đầu cổ hay chân gà 0,5kg, thịt cua 200g, trứng gà 2 quả, bột năng 100g, hạt nêm, hành tây, rau mùi, bột tiêu. Hầm xương gà với khoảng 2,5 lít nước rồi lọc bỏ xương, cho hạt nêm vào nước dùng vừa ăn. Bóng cá ngâm nở, vắt ráo nước, thái hạt lựu. Thịt cua trộn với hành tây, ít bột tiêu và dầu, đảo đều. Cho bóng cá và thịt cua vào nồi nước dùng, nấu chín kỹ. Hòa bột năng với ít nước lạnh cho vào canh, khuấy đều, đun sôi. Trứng đánh tan, rưới vào súp, khuấy đều. Cho súp ra bát, rắc rau mùi thái nhỏ và hạt tiêu. Ăn nóng, làm món súp khai vị.

Súp bóng cá thịt cua làm món khai vị. Tác dụng bổ tỳ thận, trị đau lưng.

Chữa di tinh, hoạt tinh, thổ huyết, khái huyết, trĩ lậu, đại tiện xuất huyết: Bóng cá 50g, lạp xưởng 3 cái, ớt chuông 1 quả, hành lá, rượu trắng 1/3 thìa canh, tỏi 1 củ và gia vị. Bóng cá rửa sạch, ngâm nước gừng và rượu, vắt nước thái miếng; lạp xưởng, ớt thái lát; hành rửa sạch thái ngắn. Bóng cá rán vàng, vớt ra để ráo. Tỏi đập dập, băm nhỏ, phi thơm, cho lạp xưởng vào rán chín, cho tiếp hạt điều, ớt và rượu mai quế lộ, hạt nêm vừa ăn, cho bóng cá rán, hành vào đảo nhanh, tắt bếp. Món khai vị, tác dụng bổ tỳ thận.

Kiêng kỵ: Người bị rối loạn tiêu hoá, tiêu chảy, đàm thấp không dùng.

Lưu ý: Chọn bóng cá màu trắng đục hay vàng nhẹ, khô ráo, có độ cứng giòn đặc trưng. Tránh mua loại màu vàng sậm, ẩm ướt, có mốc hoặc mùi tanh nồng. Không nên mua nhiều để dự trữ vì bóng cá rất dễ bị mốc. Khi chế biến, rửa sạch, ngâm bóng cá trong nước gừng có pha ít rượu trắng để loại bỏ mùi tanh.

Theo suckhoedoisong