EMA tin vào hiệu quả chống biến thể Ấn Độ của các vaccine COVID-19
Cập nhật lúc 09:58, Thứ năm, 13/05/2021 (GMT+7)
4 loại vaccine được cấp phép sử dụng tại EU hiện nay là của Pfizer/BioNTech và Moderna - vốn sử dụng công nghệ mRNA, cũng như vaccine của AstraZeneca và Johnson & Johnson.
Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại New Delhi, Ấn Độ. (Ảnh: THX/TTXVN)
Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) tin rằng các loại vaccine ngừa COVID-19 được phê chuẩn tại châu Âu có thể kháng lại biến thể virus SARS-CoV-2 từ Ấn Độ.
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, phát biểu họp báo, người phụ trách chiến lược vaccine của EMA Marco Cavaleri thông báo những dữ liệu được phân tích cho thấy vaccine của Pfizer/BioNTech và Moderna có hiệu quả phòng bệnh, "ít nhất là ở mức độ đảm bảo đủ bảo vệ cơ thể người trước biến thể mới từ Ấn Độ."
Cơ quan Dược phẩm châu Âu cũng hy vọng hai loại vaccine khác đã được phê duyệt ở Liên minh châu Âu (EU) là Oxford/AstraZeneca và Johnson & Johnson có hiệu quả với biến thể này.
Hiện Cơ quan Dược phẩm châu Âu đang thu thập thêm bằng chứng từ Ấn Độ - quốc gia đang sử dụng vaccine Oxford/AstraZeneca trong chương trình tiêm chủng.
4 loại vaccine được cấp phép sử dụng tại EU hiện nay là của Pfizer/BioNTech và Moderna - vốn sử dụng công nghệ mRNA, cũng như vaccine của AstraZeneca và Johnson & Johnson, sử dụng công nghệ "vector virus."
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), biến thể B.1.617, xuất hiện lần đầu ở Ấn Độ vào tháng 10/2020, đã được phát hiện tại 44 quốc gia và vừa được WHO xếp vào danh sách biến thể "đáng lo ngại" cấp toàn cầu khi virus lây lan nhanh hơn và tăng khả năng kháng cự với kháng thể và vaccine.
3 biến thể khác phát hiện lần đầu ở Anh (B.1.1.7), Brazil (P.1) và Nam Phi (B.1.351) được coi là nguy hiểm hơn phiên bản gốc của SARS-CoV-2 vì chúng dễ lây lan hơn, gây chết người hoặc kháng một số loại vaccine nhất định.
Các biến thể virus SARS-CoV-2 tại Ấn Độ bị cho là có khả năng lây nhiễm cao hơn và có thể tránh được những tác động của vaccine ngừa COVID-19. Theo Bộ Y tế Ấn Độ, hiện nước này ghi nhận hơn 23,3 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 254.000 ca tử vong.
Theo Vietnamplus