leftcenterrightdel
 Nụ cười của bé gái sau cuộc phẫu thuật do Facing the World tài trợ. (Nguồn: Ảnh tư liệu FTW)

 

Chúng tôi tới thăm Katrin Kandel vào một chiều Hè khá oi ả ở London mà theo Katrin, làm bà nhớ tới cái nóng của Hà Nội.

Căn nhà xinh xắn ở trung tâm London của Giám đốc điều hành tình nguyện của tổ chức Facing the World (FTW), được bài trí đẹp mắt bằng những bức tranh nhiều màu sắc, trong đó có nhiều bức đến từ Việt Nam, mang lại cho chúng tôi cảm giác thân quen, gần gũi với chủ nhân của ngôi nhà.

Cuộc trò chuyện với Katrin khiến chúng tôi hiểu được tình cảm của bà dành cho Việt Nam và động lực để người phụ nữ mảnh mai này theo đuổi hành trình mang lại sự thay đổi lớn lao cho hàng nghìn trẻ em Việt Nam mắc dị tật hàm mặt bẩm sinh.

Mối duyên với Việt Nam tình cờ đến với Katrin vào năm 2007 khi FTW được một tổ chức từ thiện của Mỹ mời đến Việt Nam, nơi ghi nhận tỷ lệ trẻ em mắc dị tật bẩm sinh rất cao, ước tính cao gần gấp 10 lần so với các nước trong khu vực, theo một số chuyên gia.

Bà Katrin và các đồng nghiệp của bà ở FTW cảm thấy sự thôi thúc phải phát triển các trung tâm phẫu thuật hàm mặt để giúp đỡ trẻ em Việt Nam.

Chuyến thăm là khởi đầu cho hành trình 15 năm FTW đồng hành cùng các bác sỹ Việt Nam để mang lại nụ cười và một cuộc sống bình thường cho hàng nghìn trẻ em Việt Nam mắc dị tật hàm mặt bẩm sinh.

leftcenterrightdel
Bà Katrin Kandel, CEO tổ chức Facing the World. (Ảnh: Hải Vân/TTXVN) 

 

Là tổ chức từ thiện thành lập năm 2002 tại Anh nhằm giúp đỡ trẻ em mắc dị tật hàm mặt ở các nước đang phát triển, FTW ban đầu chọn cách đưa trẻ em Việt Nam cần phẫu thuật hàm mặt phức tạp sang Anh điều trị, với chi phí lên tới 0,5-1 triệu bảng/em.

Tuy nhiên, từ năm 2008, FTW bắt đầu đưa các đoàn bác sỹ nước ngoài thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau sang Việt Nam, phối hợp với các bác sỹ Việt Nam thực hiện các ca phẫu thuật hàm mặt phức tạp cho trẻ em.

Kể từ đó, FTW thực hiện chiến lược lâu dài và bền vững, giúp điều trị hàng chục nghìn bệnh nhi mắc dị tật hàm mặt bẩm sinh.

Bà Katrin cho biết giải pháp bền vững này dựa trên cách tiếp cận “trao cần câu thay vì cho cá,” theo đó, thay vì đưa bệnh nhi ra nước ngoài điều trị với chi phí tốn kém, tổ chức gửi bác sỹ Việt Nam đến các viện và trường y hàng đầu thế giới để học các kỹ thuật phẫu thuật và phương pháp điều trị dị tật hàm mặt.

Chương trình đào tạo bác sỹ của FTW bắt đầu từ năm 2015 tại các bệnh viện ở Anh, Canada, Mỹ và mới đây là Australia.

Cho đến nay, hơn 100 bác sỹ tại các bệnh viện đối tác của FTW ở Việt Nam đã được cử đi đào tạo tại các bệnh viện này trong thời gian từ 2-6 tuần, với chi phí trung bình khoảng 11.000 bảng/2 tuần đào tạo.

Bà Katrin cho biết mục mục tiêu của chương trình nhằm tạo điều kiện cho các bác sỹ Việt Nam có cơ hội làm việc và thiết lập quan hệ với các bác sỹ, chuyên gia tại các trung tâm phẫu thuật trên khắp thế giới.

Ngoài việc gửi bác sỹ Việt Nam ra nước ngoài đào tạo, từ năm 2018, trung bình mỗi năm FTW cử đến Việt Nam hai đoàn bác sỹ đến từ các bệnh viện nơi cấp học bổng và đào tạo bác sỹ Việt Nam để phối hợp với các đồng nghiệp Việt Nam thực hiện các ca phẫu thuật dị tật hàm mặt phức tạp, đồng thời tổ chức các hội nghị chuyên môn trực tuyến với các bác sỹ phẫu thuật trên khắp Việt Nam.

Bà Katrin cho biết FTW cũng đặc biệt quan tâm tới phương pháp khám, tư vấn và điều trị từ xa như một phần của chiến lược đào tạo.

leftcenterrightdel
 Các bác sỹ Việt Nam và Anh khám sàng lọc cho bệnh nhi. (Nguồn: Ảnh tư liệu FTW)

 

FTW đã hợp tác với Tổ chức khám chữa bệnh từ xa Teledoc để phát triển nền tảng InTouch Health, một công nghệ cho phép phát triển mô hình kết nối hai chiều về chuyên môn giữa các bác sỹ Việt Nam với các đối tác quốc tế, và giữa các bác sỹ Việt Nam ở trong nước.

Với nền tảng này, các bác sỹ Việt Nam được kết nối với các chuyên gia tại những trung tâm phẫu thuật hàng đầu thế giới, những người có thể tư vấn và đào tạo các bác sỹ Việt Nam thường xuyên mà không cần phải có mặt tại Việt Nam.

Bà Katrin cho biết trong khi không thể tăng số lượng bác sỹ, việc sử dụng công nghệ khám chữa bệnh từ xa sẽ tận dụng tối đa chuyên môn của các bác sỹ.

Thông qua mô hình khám chữa bệnh này, các bác sỹ ở các trung tâm tại các thành phố lớn ở Việt Nam có thể kết nối với các bác sỹ, y tá tại các trung tâm y tế ở các vùng sâu, vùng xa để hỗ trợ khám chữa bệnh cho trẻ em và tư vấn về cách điều trị, chẳng hạn như việc quyết định chuyển bệnh nhi đến các trung tâm lớn để phẫu thuật hay chỉ cần điều trị tại địa phương.

Theo bà Katrin, Việt Nam có điều kiện thuận lợi để phát triển cách tiếp cận này. Cho đến nay, FTW đã tài trợ thiết bị và công nghệ khám chữa bệnh từ xa với tổng giá trị 2,4 triệu bảng (3,12 triệu USD) cho các trung tâm phẫu thuật tại Việt Nam.

Hiện nay, FTW đang hợp tác với ba bệnh viện đối tác tại Việt Nam, gồm bệnh viện tư nhân Hồng Ngọc, Viện quân y 108 và Bệnh viện hữu nghị Việt Đức.

leftcenterrightdel
Các bác sỹ Việt Nam và Anh trong một ca phẫu thuật tại Viện quân y 108. (Nguồn: Ảnh tư liệu FTW) 

 

Thông qua hai bệnh viện công hàng đầu của Việt Nam với mạng lưới kết nối gần 100 bệnh viện và trung tâm y tế trên khắp cả nước, FTW có thể mở rộng chương trình trên cả nước, giúp điều trị cho trẻ em nghèo mắc dị tật bẩm sinh.

Tại Viện quân y 108, FTW đã tài trợ cho việc thành lập Trung tâm phẫu thuật hàm mặt và thẩm mỹ đầu tiên ở Việt Nam vào cuối năm 2018.

Với hai nền tảng khám chữa bệnh từ xa của InTouch Health và 26 bác sỹ được đào tạo theo chương trình của FTW, dự kiến sau 8 năm hoạt động, Trung tâm sẽ kết nối và điều trị 60% trẻ em mắc dị tật hàm mặt bẩm sinh ở Việt Nam.

Bà Katrin cho biết việc thành lập trung tâm phẫu thuật hàm mặt và thẩm mỹ tại Viện 108 là một ví dụ về tính hiệu quả của việc sử dụng công nghệ khám chữa bệnh từ xa.

Trước khi trung tâm ra đời, FTW chỉ có thể hỗ trợ thực hiện một cuộc phẫu thuật tại các vùng xa mỗi năm.

Giờ đây, trung tâm có thể thực hiện mỗi tháng một cuộc. Trong thời kỳ dịch COVID-19, trung tâm vẫn có thể thực hiện các cuộc phẫu thuật mặc dù các đoàn bác sỹ nước ngoài không thể đến Việt Nam.

Trong vòng 5 năm tới, FTW dự kiến sẽ hỗ trợ 40.000 cuộc phẫu thuật dị tật hàm mặt trẻ em do các bác sỹ Việt Nam được đào tạo thực hiện.

leftcenterrightdel
Một ca mổ hàm mặt phức tạp. (Nguồn: Ảnh tư liệu FTW) 

 

Tổ chức cũng có kế hoạch gửi 200 bác sỹ Việt Nam ra nước ngoài đào tạo, đồng thời tiếp tục tài trợ các thiết bị y tế và công nghệ phục vụ khám chữa bệnh từ xa.

Một điểm đặc biệt của FTW là tất cả những người làm việc cho tổ chức đều tình nguyện và không nhận lương, từ CEO Katrin Kandel tới các bác sỹ phẫu thuật và các bệnh viện đối tác ở Việt Nam và nước ngoài, cũng như những người tham gia vào công việc hành chính của tổ chức như kế toán, pháp chế, truyền thông...

Những đóng góp của FTW đã được chính phủ Việt Nam và Anh công nhận. Bà Katrin Kadel đã được trao tặng Huân chương hữu nghị của Chủ tịch nước Việt Nam; Kỷ niệm chương vì hòa bình hữu nghị giữa các dân tộc, và Bằng khen vì những đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội năm 2021 của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.

Bà cũng được trao tặng Giải thưởng Points of Light năm 2017 của Thủ tướng Anh, giải thưởng công nhận những đóng góp của các cá nhân và tổ chức tình nguyện giúp mang lại sự thay đổi cho cộng đồng.

Bà Katrin cho biết về lâu dài FTW kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành một trung tâm đào tạo phẫu thuật hàm mặt ở Đông Nam Á.

Khi FTW mở rộng chương trình sang các nước láng giềng như Lào và Campuchia, bà Katrin hy vọng Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới đào tạo của tổ chức, giúp đào tạo cho các nước trong khu vực tương tự như Anh, Mỹ, Canada đang hỗ trợ Việt Nam.

Bà cho rằng Việt Nam có nhiều bác sỹ giỏi và các trung tâm y tế trình độ cao tại các thành phố lớn, hoàn toàn có đủ điều kiện để trở thành một trung tâm phẫu thuật hàm mặt của khu vực, đặc biệt với việc Viện quân y 108 và Bệnh viện Việt Đức được Đại học phẫu thuật hoàng gia Anh chính thức công nhận về trình độ chuyên môn, đồng nghĩa hai bệnh viện này có trình độ đào tạo tương đương các bệnh viện hàng đầu ở Anh.

Với vẻ xúc động, bà Katrin chia sẻ với chúng tôi một kỷ niệm về một bé sơ sinh mà bà đã gặp.

Cô bé mới chỉ khoảng 6 tháng tuổi nhưng có khuôn mặt dị dạng khiến người bình thường có thể sẽ không dám nhìn. Nhưng cuộc phẫu thuật do các bác sỹ của FTW cùng các đồng nghiệp Việt Nam thực hiện đã tạo nên sự kỳ diệu, biến em thành một cô bé rất đáng yêu.

Bà Katrin chia sẻ: “Đó là một cảm giác tuyệt vời khi bạn nhìn thấy sự thay đổi có thể giúp một đứa trẻ bị cô lập khỏi cộng đồng có thể trở lại hòa nhập với xã hội.”

Và chúng tôi đã hiểu vì sao Katrin Kandel lại quyết tâm theo đuổi hành trình thay đổi số phận của những đứa trẻ Việt Nam thiếu may mắn này.

Bà Katrin nói những em bé Việt Nam phải chịu những dị tật bẩm sinh khủng khiếp và tình yêu của gia đình dành cho các em là động lực để bà và FTW hoàn thành sứ mệnh của tổ chức ở Việt Nam.

Rời nhà bà Katrin, chúng tôi tin rằng với động lực đầy tính nhân văn này, bà và FTW sẽ gặt hái nhiều thành công mới trong hành trình mang lại hy vọng và hạng phúc cho những đứa trẻ thiếu may mắn ở Việt Nam và trên thế giới, cũng như gia đình của các em./.

Theo vietnamplus