|
|
2 phần sữa chua mỗi tuần có thể góp phần làm giảm nguy cơ tiểu đường type 2, theo một số bằng chứng khoa học - Ảnh: MEDICAL XPRESS |
Theo FDA, có một số bằng chứng cho thấy ăn ít nhất 2 phần sữa chua mỗi tuần có thể làm giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường type 2.
Vì vậy, cơ quan này vừa cho phép các nhà sản xuất sữa chua đưa ra các tuyên bố về sức khỏe đủ tiêu chuẩn đối với loại thực phẩm nhiều người ưa chuộng này.
Trong bộ tiêu chuẩn của FDA, một tuyên bố sức khỏe đủ điều kiện là tuyên bố được hỗ trợ bởi bằng chứng khoa học, mặc dù không đáp ứng tiêu chuẩn "thỏa thuận khoa học khắt khe hơn", theo Medical Xpress.
Như vậy, các tuyên bố sức khỏe hạn chế có nghĩa là một lời khuyên bạn có thể thử, nhưng không nhất thiết và chưa chắc chắn sẽ hiệu quả đối với mọi người.
Nó sẽ không như tiêu chuẩn về thời gian tập thể dục hay số muối nên ăn, mà đơn giản là một gợi ý sức khỏe cho người dân đối với một thứ gì đó dễ tiếp cận mà họ có thể lựa chọn.
FDA cho biết "có một số bằng chứng đáng tin cậy" về việc ăn sữa chua giúp giảm bệnh tiểu đường, với điều kiện bạn ăn nó như một thực phẩm nguyên chất.
Trước đó, một số nghiên cứu trên thế giới cũng cho thấy lợi khuẩn trong sữa chua có lợi cho một loạt hoạt động cơ thể, có thể đem lại lợi ích trong vấn đề chuyển hóa và hỗ trợ ngừa một số vấn đề như tăng huyết áp, mất ngủ.
Đối với tiểu đường type 2, một nghiên cứu từ Đại học Naples Federico II (Ý) cho thấy ăn khoảng 100 g sữa chua mỗi ngày sẽ giảm nguy cơ căn bệnh này.
Tuy nhiên, để đạt được lợi ích, các nhà khoa học đều lưu ý rằng nên ăn loại sữa chua nguyên chất, tức không có đường bổ sung, mà thị trường hay gọi là "sữa chua không đường". Thật ra loại gọi là "không đường" đã có sẵn đường lactose tự nhiên từ sữa. Nếu thêm đường bổ sung vào, sữa chua sẽ thành quá nhiều đường.
Trước đó, FDA từng cho phép một số hạn chế kiểu tương tự, ví dụ như tiêu thụ một số loại ca cao có thể giảm nguy cơ bệnh tim, nước ép nam việt quất giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu ở nữ giới...
Theo nld