Mô phỏng gan khỏe mạnh (trái) và gan nhiễm mỡ (phải). Ảnh: Healthline.

Gan nhiễm mỡ là sự tích lũy chất béo trong gan vượt quá 5% trọng lượng của gan. Khoảng gần 30 triệu người Việt bị gan nhiễm mỡ, bác sĩ Trần Thị Khánh Tường, Khoa Gan mật, Bệnh viện Y Dược TP HCM, cho biết. Theo Bộ Y tế, 30-35% số bệnh nhân gan nhiễm mỡ sẽ tiến triển thành xơ gan. Đặc biệt, người gan nhiễm mỡ do bia rượu hơn 50% gan sẽ bị xơ hóa, 25% tiến triển đến xơ gan và 14% sẽ bị ung thư gan.

Tới 90% người nghiện rượu bị gan nhiễm mỡ và 10% còn lại gặp những vấn đề khác như tiểu đường tuýp 2, mỡ máu cao, béo phì, ít vận động, sử dụng thuốc quá liều hoặc rối loạn dinh dưỡng... Trong đó, sử dụng rượu bia, chế độ dinh dưỡng, thói quen ăn uống nhanh và ít vận động là những nguyên nhân gây bệnh. Thậm chí cả người gầy cũng mắc bệnh này.

Theo bác sĩ Tường, người bị gan nhiễm mỡ ở giai đoạn đầu chưa được chỉ định dùng thuốc nên điều chỉnh chế độ ăn uống và tăng cường tập luyện. Vì vậy, nhiều người chủ quan cho rằng bệnh không đáng lo, song nó phát triển thầm lặng, không có triệu chứng cụ thể, dễ nhầm lẫn với các bệnh khác, có thể biến chứng thành xơ gan, ung thư gan.

"Người bị gan nhiễm mỡ dù ở giai đoạn nào cũng tuyệt đối không thể chủ quan mà phải chú trọng điều trị, ngăn chặn biến chứng sớm", bác sĩ Tường nói.

Bác sĩ Tường cho biết khi bị gan nhiễm mỡ, trước tiên người bệnh cần kiểm soát các yếu tố nguyên nhân như từ bỏ rượu bia (đối với nguyên nhân do rượu); điều trị đái tháo đường, giảm cân, tăng cường vận động và duy trì một chế độ dinh dưỡng hợp lý... đối với nguyên nhân không do rượu.

Tiến sĩ Phạm Hưng Củng, nguyên Vụ trưởng Y Dược học Cổ truyền, Bộ Y tế, cho biết, gan đóng vai trò như một nhà máy lớn của cơ thể với việc đảm nhiệm hơn 500 chức năng khác nhau. Nổi bật là chức năng miễn dịch giúp sản xuất, chuyển hóa, ổn định cholesterol; chức năng lưu trữ; giải độc và hấp thu, biến đổi dinh dưỡng. Gan làm tốt nhiệm vụ khi phospholipid trong các màng tế bào gan được duy trì và ổn định.

Theo ông Củng, để phòng ngừa và giảm tình trạng gan nhiễm mỡ, nên ăn uống điều độ, đúng bữa, đúng giờ, đúng khẩu phần, ăn ít vào buổi tối, hạn chế ăn sau 19h. Không ăn nhiều thực phẩm giàu cholesterol như các loại phủ tạng và da động vật, lòng đỏ trứng, hạn chế chất béo động vật. Tăng cường thực phẩm nguồn gốc thực vật như phospholipid đậu nành hay chất saponin từ cây nần nghệ sẽ giúp hạ mỡ máu, mỡ gan, giảm cholesterol hiệu quả. Hạn chế dùng cà phê, trà đặc, thuốc lá, rượu, bia và thức uống có cồn.

Người làm việc văn phòng nên tăng cường vận động. Dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để tập luyện và duy trì đều đặn. Trong thời gian làm việc tại văn phòng, cứ 30 phút hãy vận động 5 phút để tăng hiệu quả đốt cháy calo và phòng ngừa gan nhiễm mỡ.

Theo vnexpress