Hiểu lầm về gan nhiễm mỡ ở trẻ em
Nhắc đến gan nhiễm mỡ mọi người thường nghĩ chỉ người lớn mắc phải, khi biết con mình mắc bệnh thì rất nhiều phụ huynh lo lắng. Nhưng cũng có người chủ quan cho rằng trẻ em sẽ không sao và không nguy hiểm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy gan nhiễm mỡ thường gặp ở trẻ thừa cân, béo phì, đa số không có triệu chứng và được phát hiện một cách tình cờ khi đi khám sức khỏe định kỳ, siêu âm bụng ghi nhận hình ảnh gan nhiễm mỡ.
Theo nghiên cứu, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu chiếm khoảng 7% ở trẻ em và lên đến 34% ở trẻ béo phì. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, theo thời gian bệnh nhân có thể gặp phải biến chứng xơ gan.
Những nguy hại khi trẻ bị gan nhiễm mỡ
Khi lượng mỡ chiếm trên 5% trọng lượng gan thì được gọi là gan nhiễm mỡ. Tỷ lệ mỡ càng cao mức độ gan nhiễm mỡ của trẻ càng nặng. Những nghiên cứu đã chỉ ra rằng, gan nhiễm mỡ gây tổn thương tế bào gan. Nếu tình trạng nhiễm mỡ kéo dài không được xử lý có thể dẫn đến xơ gan, thậm chí là ung thư gan.
Tùy vào tỷ lệ mỡ để phân loại mức độ gan nhiễm mỡ. Nếu tỷ lệ đó là 5 - 10% là gan nhiễm mỡ mức độ nhẹ, 10 - 25% là gan nhiễm mỡ mức độ vừa và trên 30% là mức độ nặng. Lúc này trẻ sẽ xuất hiện các cơn đau bụng, đau hạ sườn phải, phù nhẹ, một thời gian gan sẽ xơ cứng lại.
Nếu trẻ bị gan nhiễm mỡ sẽ rất nguy hiểm, vì thế cha mẹ nên thường xuyên quan tâm đến sức khỏe của con, cho trẻ đi khám định kì để bảo vệ sức khỏe cho trẻ.
Cần phát hiện sớm gan nhiễm mỡ ở trẻ em
Mặc dù gan nhiễm mỡ có nhiều yếu tố nguy cơ tiến triển nguy hại, nhưng bệnh này hoàn toàn có thể kiểm soát, nếu như bệnh nhân được phát hiện sớm. Tầm soát khá đơn giản chỉ với xét nghiệm men gan. Độ tuổi khuyến cáo nên tầm soát sớm bệnh này ở trẻ em là 9 -11 tuổi và ở những trẻ dư cân béo phì.
Một điểm đặc biệt lưu ý, việc điều trị bệnh lý này ở trẻ em chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và phương pháp điều trị chỉ là giảm cân bằng cách thay đổi chế độ ăn, cắt giảm tinh bột, chất đường, chất béo... kết hợp tập thể dục mỗi ngày. Bệnh nhân sẽ phải tái khám định kì từ 1 đến 6 tháng để đánh giá lại dinh dưỡng và xét nghiệm lại men gan, men gan giảm đồng nghĩa với sự hồi phục các tế bào gan bị thoái hóa mỡ.
Cha mẹ nên làm gì khi trẻ bị gan nhiễm mỡ?
Khi trẻ bị gan nhiễm mỡ, các bậc phụ huynh có thể áp dụng một số phương pháp sau để hỗ trợ điều trị bệnh này một cách tốt nhất. Cụ thể, cha mẹ cần chú ý đến chế độ ăn của trẻ, đây là việc đầu tiên mà cha mẹ cần làm nếu trẻ bị gan nhiễm mỡ, đặc biệt là ở trường hợp trẻ bị gan nhiễm mỡ do thừa cân, béo phì. Các bậc phụ huynh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để có được chế độ ăn khoa học cho trẻ.
Cần bổ sung rau xanh, trái cây, vitamin và khoáng chất để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, giúp phục hồi tổn thương ở gan nhanh hơn. Đồng thời, trẻ cũng cần tránh mỡ động vật, các loại bánh kẹo, đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ, nội tạng động vật… Luyện tập thể thao cũng giúp trẻ tăng cường sức đề kháng, hạn chế nguy cơ béo phì và cải thiện được tình trạng gan nhiễm mỡ.
Những trẻ bị mắc gan nhiễm mỡ nói riêng và trẻ đang trong thời kỳ phát triển nói chung, cần được tạo lập thói quen ăn uống đúng giờ. Các bậc phụ huynh nên tránh cho trẻ ăn bữa khuya, vì chúng không tốt cho gan và hoạt động của hệ tiêu hóa.
Không riêng trẻ bị gan nhiễm mỡ, việc kiểm tra sức khỏe định kỳ là cần thiết đối với tất cả mọi người. Khi đến lịch tái khám của trẻ, cha mẹ nên đưa trẻ đến đúng lịch để bác sĩ kiểm tra tình trạng bệnh của trẻ, đưa ra những thay đổi phù hợp nhất trong phác đồ điều trị của trẻ.
Luyện tập thể thao cũng giúp trẻ tăng cường sức đề kháng, hạn chế nguy cơ béo phì và cải thiện được tình trạng gan nhiễm mỡ.
Tóm lại: Khi trẻ em mắc bệnh gan nhiễm mỡ có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của cơ thể. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm. Cha mẹ cần trang bị các kiến thức cần thiết để phòng ngừa và chăm sóc tốt nhất cho trẻ.
Để phòng ngừa gan nhiễm mỡ cho trẻ, cần có một chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý. Hạn chế cho trẻ ăn những đồ chứa nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh... cho trẻ ăn nhiều rau xanh, củ quả. Các chất dinh dưỡng nạp vào cơ thể phải cân bằng, không được quá dư thừa, sẽ dẫn tới béo phì. Ngoài ra, cha mẹ cần thường xuyên cho trẻ vận động, từ đó giúp phát triển thể chất cũng như kiểm soát cân nặng của trẻ.
Theo suckhoedoisong.vn