Những người mắc bệnh nha chu, đặc biệt là mắc bệnh nặng, có tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường và tiền tiểu đường cao hơn so với những người không mắc - ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK
Nhiều người mắc bệnh tiểu đường không biết mình bị bệnh cho đến khi xét nghiệm máu thấy lượng đường trong máu bất thường, hoặc cho đến khi bệnh tiến triển và các biến chứng nghiêm trọng bắt đầu xảy ra.
Tiến sĩ Ronald Tamler, Giám đốc Viện Tiểu đường Lâm sàng Mount Sinai (Mỹ), cho biết trong đa số trường hợp, bệnh tiểu đường là âm thầm, lặng lẽ. Hầu hết mọi người thường không có triệu chứng sớm.
Tuy nhiên, một số trường hợp có những dấu hiệu thầm lặng, theo Health.
Điều cần lưu ý là đối với bệnh tiểu đường, ngoài một số triệu chứng điển hình dễ nhận biết, thì có những triệu chứng kỳ lạ không ngờ, dễ bị bỏ qua.
Nếu bạn gặp phải bất kỳ vấn đề nào sau đây, hãy báo cho bác sĩ biết ngay.
1. Viêm nướu
Theo nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí nghiên cứu về tiểu đường BMJ Open Diab Research & Care, đây có thể là dấu hiệu sớm của bệnh tiểu đường. Nghiên cứu cho thấy những người mắc bệnh nha chu, đặc biệt là mắc bệnh nặng, có tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường và tiền tiểu đường cao hơn so với những người không mắc, theo Health.
Mối liên hệ giữa bệnh nha chu và tiểu đường không phải là mới, bác sĩ Tamler nói và dường như cả hai cùng song hành: Bệnh này làm tăng nguy cơ phát triển bệnh kia. Bệnh nha chu gây viêm cũng là yếu tố làm cho lượng đường trong máu tăng cao gây ra bệnh tiểu đường, theo Health.
2. Xuất hiện mảng da nâu đen
Bác sĩ Tamler cho biết, khá lâu trước khi phát bệnh, sẽ xuất hiện mảng da tối màu sau gáy. Còn gọi là bệnh gai đen, với mảng da dày, xạm, màu nâu đen, mượt như nhung. Đây thường là dấu hiệu của tình trạng kháng insulin. Kháng insulin là mất nhạy cảm với hoóc môn được sử dụng để điều chỉnh đường huyết, từ đó dẫn đến bệnh tiểu đường, theo Health.
Trong một số ít trường hợp, gai đen cũng có thể do u nang buồng trứng, rối loạn nội tiết tố, như thuốc tránh thai và corticosteroid cũng có thể gây ra tình trạng này.
3. Cảm giác kỳ lạ ở bàn chân
Khoảng 10 - 20% bệnh nhân tiểu đường bị tổn thương thần kinh. Trong giai đoạn đầu, điều này có thể hầu như không đáng chú ý, bác sĩ Tamler nói, có thể cảm thấy một cảm giác ngứa ran kỳ lạ ở chân hoặc bị giảm cảm giác hoặc giảm thăng bằng.
Tình trạng này cũng có thể do các bệnh nghiêm trọng khác, như bệnh đa xơ cứng, vì vậy, cần phải báo ngay cho bác sĩ, theo Health.
4. Nghe kém hoặc giảm thị lực
Nồng độ đường trong máu tăng cao có thể làm hỏng võng mạc và làm cho mức chất lỏng xung quanh nhãn cầu dao động, gây mờ mắt hoặc suy giảm thị lực. Khi lượng đường trong máu trở lại bình thường, thị lực thường được phục hồi. Nhưng nếu bệnh tiểu đường không được kiểm soát quá lâu, thiệt hại có thể trở thành vĩnh viễn.
Tương tự như vậy, lượng đường trong máu cao cũng có thể ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh trong tai và gây suy giảm thính lực. Bác sĩ Tamler nói, đó là điều ít được nói đến, nhưng các nhà thính học kinh nghiệm có thể nhận biết ngay. Vì vậy, khi kiểm tra sức khỏe, hãy chú ý đến thính lực, theo Health.
5. Ngủ trưa dài
Trong một đánh giá khoa học được trình bày năm 2019 tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Nghiên cứu Bệnh tật của châu Âu, những người ngủ trưa lâu hơn 1 giờ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn 45% so với những người ngủ ít hơn hoặc không ngủ.
Theo các tác giả nghiên cứu, ngủ trưa thực sự không thể gây ra bệnh tiểu đường. Nhưng đó có thể là dấu hiệu cảnh báo về một vấn đề tiềm ẩn như thiếu ngủ, trầm cảm hoặc ngưng thở khi ngủ, tất cả các tình trạng này đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, theo Health.
Theo thanhnien