leftcenterrightdel
 

Nguy hiểm cho gan hơn cả rượu và đường

Năm 1970, ở Hoa Kỳ xuất hiện một chất tạo ngọt mang tên xi-rô fructose. Kể từ đó có một làn sóng từ bỏ các loại đường thông thường và chuyển sang dùng xi-rô fructose. Sau đó, tỷ lệ béo phì ở quốc gia này đã tăng từ 13% lên 40%; tỷ lệ mắc bệnh gút tăng từ 3% năm 1970 lên 9% năm 1996; tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường tăng từ 1% năm 1958 lên 7,4% vào năm 2015.

Xi-rô fructose vô cùng phổ biến trên toàn cầu, nhưng bạn có thực sự hiểu rõ về các tác hại của chúng?

Xi-rô fructose được cấu tạo từ fructose và glucose. Sở dĩ nó có vị ngọt là do fructose chiếm tỷ lệ cao (fructose là chất tạo ngọt hàng đầu).

Ngoài việc tăng thêm vị ngọt, xi-rô fructose còn có thể cải thiện hương vị thực phẩm, kéo dài thời hạn sử dụng và quan trọng nhất là rẻ hơn sucrose.

Vì vậy, mọi thứ từ sản phẩm chăm sóc sức khỏe cho người già đến đồ ăn nhẹ cho trẻ em đều có chứa loại gia vị này.

Cơ thể chúng ta có một hệ thống khá hoàn chỉnh để quản lý quá trình trao đổi chất glucose: 80% glucose di chuyển trong máu để cung cấp năng lượng cho các cơ quan và tế bào, 20% còn lại ở gan dưới dạng dự trữ glycogen. Trong giai đoạn này, insulin được sử dụng để điều hòa lượng đường trong máu. Tuy nhiên, cơ thể không xử lý fructose tốt như glucose. Có hơn 90% trong số đó chỉ có thể chuyển hóa thành chất béo ở gan và cuối cùng dẫn đến hàng loạt vấn đề về sức khỏe.

leftcenterrightdel
 

Một nghiên cứu năm 2009 trên "Tạp chí Dinh dưỡng" cho thấy những người uống một cốc đồ uống có chứa xi-rô fructose mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu cao hơn 55% so với những người không uống đồ uống.

Ngoài gây hại cho gan, fructose còn gây ra nhiều tác hại hơn thế.

Xi-rô fructose có thể gây ra những tác hại nào cho sức khỏe?

1. Bệnh tiểu đường

Một nghiên cứu năm 2009 trên Tạp chí Điều tra Lâm sàng đã chỉ ra mối liên hệ giữa xi-rô ngô fructose và bệnh tiểu đường.

Nghiên cứu đã mời hai nhóm tình nguyện viên, một nhóm uống 3 cốc đồ uống có chứa xi-rô fructose mỗi ngày và nhóm còn lại uống 3 cốc đồ uống có chứa glucose mỗi ngày. Kết quả cho thấy uống đồ uống có xi-rô fructose có nhiều khả năng gây tích tụ chất béo trong nội tạng, làm giảm độ nhạy insulin và tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Năm 2012, các nhà nghiên cứu từ Đại học Oxford và Đại học Nam California cũng xác nhận quan điểm này. Sau khi so sánh 42 quốc gia, họ phát hiện ra rằng so với các quốc gia không sử dụng xi-rô fructose, thì các nước còn lại có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn 20%.

2. Bệnh gút

Một bác sĩ làm việc tại Đại học Boston ở Hoa Kỳ từng thực hiện một nghiên cứu về bệnh gút và lượng xi-rô đường fructose. Nghiên cứu có sự tham gia của 46.000 người tham gia và kéo dài trong 12 năm.

Kết quả cho thấy những người uống đồ uống chứa xi-rô fructose 5-6 lần một tuần có nguy cơ mắc bệnh gút cao hơn 29% so với người bình thường. Những người uống đồ uống chứa xi-rô fructose ít nhất 2 lần một ngày có nguy cơ mắc bệnh gút cao hơn 85%. 

leftcenterrightdel
 

Có thể bạn tò mò, vì xi-rô fructose không phải là hải sản hoặc nội tạng động vật, tại sao nó có thể gây ra bệnh gút?

- Thứ nhất, trong quá trình chuyển hóa ở gan, fructose tạo ra adenosine diphosphate, dẫn đến tăng sản xuất axit uric;

- Thứ hai, việc hấp thụ quá nhiều fructose sẽ dẫn đến dư thừa năng lượng. Năng lượng này cuối cùng sẽ được chuyển hóa thành chất béo trung tính và tích trữ trong cơ thể, đồng thời axit uric cũng sẽ được sản sinh trong quá trình này;

- Cuối cùng, lượng lớn fructose có thể làm giảm khả năng bài tiết axit uric của thận và làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút.

Ngoài ra, theo Healthline, đường ăn và đường fructose đã được chứng minh có khả năng gây viêm, làm tăng nguy cơ béo phì, bệnh tim và ung thư.

leftcenterrightdel
 

Xi-rô fructose thường tìm thấy ở đâu?

1. Đồ giải khát: Nước ép trái cây, kem, sữa chua, đồ uống có ga...

2. Bánh ngọt, bánh mì, kẹo mềm...

3. Rượu: Rượu vang, rượu táo, rượu hoa quả, rượu ngọt.

4. Thực phẩm chức năng.

5. Đồ ăn đóng hộp: Trái cây bảo quản, trái cây đóng hộp, mứt...

Nên sử dụng thực phẩm chứa đường như thế nào cho an toàn?

Một nghiên cứu năm 2008 trên “Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Hoa Kỳ” cho thấy nếu lượng fructose tiêu thụ mỗi ngày dưới 50 gram, cơ thể có thể chuyển hóa phần đường này một cách hợp lý mà không gây ảnh hưởng xấu đến lipid máu và cân nặng. Do đó việc bạn cần làm không phải là nghĩ cách tránh dùng chúng tuyệt đối mà nên kiểm soát thực phẩm mà mình tiêu thụ.

leftcenterrightdel
 

Khi mua các loại thực phẩm, đồ uống nêu trên, bạn nên cẩn thận kiểm tra danh sách thành phần để xem chúng có chứa xi-rô fructose hay không. Ngay cả khi sản phẩm ghi không đường, bạn cũng đừng bất cẩn vì nạp quá nhiều aspartame, cyclamate, saccharin, acesulfame kali và các chất làm ngọt khác dùng trong thực phẩm không đường cũng có hại cho cơ thể.

Khi mua đồ uống như cà phê, trà sữa, tốt nhất bạn nên lưu ý là ít đường hoặc không đường.

Nếu bạn thực sự muốn tiêu thụ món đồ ăn nào có vị ngọt, bạn có thể ăn trái cây. Mặc dù chúng cũng chứa đường fructose nhưng hàm lượng của chúng ít hơn nhiều so với đồ uống và còn chứa nhiều chất xơ, có thể hỗ trợ quá trình trao đổi chất và tiêu hóa.

Bảo Nam