Giấc ngủ cần được coi trọng
Năm 2017, GS-TS Matthew Walker (người Anh) cho xuất bản quyển sách Why We Sleep do ông viết, đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt với tựa Sao chúng ta lại ngủ. Nội dung sách xác định giấc ngủ không chỉ để nghỉ ngơi mà còn để nâng cao sức khỏe. Những điều GS Walker đưa vào quyển sách của ông đã làm nhiều người, trong đó có tỉ phú Bill Gates, phải thay đổi.
Nhà đồng sáng lập Microsoft đã đưa Why We Sleep vào top 5 cuốn sách yêu thích nhất của ông năm 2019. Trên trang GatesNotes - blog của Bill Gates, ông chia sẻ: "Trước đây do công việc quá bận rộn, lại còn đánh giá thấp tác dụng của giấc ngủ, tôi uống rất nhiều cà phê để thức đêm làm việc, sức khỏe giảm sút rất nhanh. Sau khi đọc Why We Sleep, tôi thừa nhận phải thay đổi quan điểm về giấc ngủ khi nhận ra mình không ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm như tác giả viết". Bill Gates cũng khuyến khích mọi người nên coi trọng giấc ngủ hơn.
Các nhà khoa học thuộc các đại học hàng đầu của Mỹ như Harvard, California, Stanford... đã kiên trì tổ chức nghiên cứu một cách nghiêm túc nhằm tìm ra những hiệu quả thực tế mà giấc ngủ đem lại cho con người. Năm 1953, giấc ngủ REM (rapid eye movement) được xác định. Theo đó, giấc ngủ của con người có 5 giai đoạn, gồm: ru ngủ (rất ngắn), ngủ nông, ngủ sâu, ngủ rất sâu, ngủ mơ (REM).
Theo trang WebMD, giấc ngủ REM thường xảy ra 90 phút sau khi ngủ. Giai đoạn đầu tiên của REM thường kéo dài 10 phút. Mỗi giai đoạn REM sau sẽ dài hơn. Bạn có thể có những giấc mơ mãnh liệt trong giấc ngủ REM, vì não lúc này hoạt động rất tích cực. REM rất quan trọng vì nó kích thích các vùng não giúp học tập và có liên quan đến việc tăng sản xuất protein, giảm huyết áp cũng như mang lại nhiều lợi ích khác cho sức khỏe.
Đại học Stanford của Mỹ là nơi đầu tiên trên thế giới thành lập Viện Nghiên cứu về giấc ngủ vào năm 1963. Nhiều kết luận khoa học về giấc ngủ của Stanford được công nhận. Theo đó, nhờ có giấc ngủ mà bộ não của con người liên tục được cải thiện mỗi ngày. Khi chúng ta ngủ, bộ não vẫn làm việc để phục hồi trí nhớ, những thông tin quan trọng được lưu giữ và hình thành ký ức mới. Hệ miễn dịch đồng thời được củng cố, độc tố bị loại bỏ để chống lại nhiều bệnh tật.
Quy luật giấc ngủ là "đồng minh" mạnh nhất
Năm 2017, cuốn sách viết về giấc ngủ của GS-TS Nishino Seiji (người Nhật Bản) The Stanford Method for Ultimate Sound Sleep nhanh chóng trở thành best-seller tại Nhật (đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt với tựa: Ngủ ngon theo phương pháp Stanford - Cuộc cách mạng về giấc ngủ). Ông đặt ra vấn đề: Tại sao có người ngủ 8 tiếng mỗi đêm nhưng vẫn buồn ngủ vào ngày hôm sau, trong lúc một số người chỉ ngủ 6 tiếng vẫn có thể tìm được sảng khoái? Với 30 năm nghiên cứu đồng thời là Giám đốc Phòng nghiên cứu Sinh học thần kinh về giấc ngủ và nhịp sinh học của Đại học Stanford, ông Seiji giải thích: "Điều quan trọng là chất lượng chứ không phải số lượng giờ ngủ mỗi đêm. Giấc ngủ được xác định bởi 90 phút đầu tiên. Chất lượng giấc ngủ có liên quan trực tiếp đến chất lượng khi tỉnh giấc. Chất lượng của 90 phút đầu tốt thì phần còn lại của giấc ngủ sẽ được cải thiện theo tỷ lệ thuận. Nếu bạn gặp khó khăn ở "90 phút đầu tiên" thì cho dù bạn ngủ bao lâu đi chăng nữa, dây thần kinh tự chủ bị rối loạn và việc tiết hormone hỗ trợ các hoạt động ban ngày cũng sẽ gặp khó khăn. Bạn cần biến giấc ngủ của mình thành "đồng minh mạnh nhất" thay vì "kẻ thù đáng sợ nhất". Chất lượng cuộc sống của bạn có thể thay đổi rất lớn tùy thuộc vào việc bạn biến giấc ngủ thành kẻ thù hay đồng minh".
GS Seiji cũng nhấn mạnh: Hiệu suất làm việc ban ngày phụ thuộc vào giấc ngủ của bạn. Một phần ba thời gian ngủ vào ban đêm sẽ quyết định hai phần ba thời gian còn lại.
Các chuyên gia nghiên cứu về giấc ngủ chia sẻ những điều cần thiết để có giấc ngủ chất lượng tốt.
1. Ăn uống lành mạnh: Ăn nhiều hoa quả và rau xanh. Tránh thực phẩm chế biến sẵn. Uống nhiều nước hơn.
2. Vận động: Chỉ cần tập thể dục vừa phải từ 15 đến 25 phút mỗi ngày không chỉ mang lại giấc ngủ ngon mà còn có nhiều lợi ích cho sức khỏe.
3. Từ bỏ những thói quen xấu: Độc hại nhất là sử dụng rượu bia quá mức. Tiêu thụ một lượng lớn đường là một thói quen xấu cần loại bỏ. Sau cùng và rất quan trọng, đừng hút thuốc, hoặc bỏ hút thuốc càng sớm càng tốt.
|
Theo Thanh niên