Hơn 4000 thôn bản chưa có cô đỡ

Ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế cho biết, hiện nay cả nước có gần 2.700 cô đỡ thôn bản ở 27 tỉnh.

Thông tin hoạt động mạng lưới cô đỡ thôn bản cho thấy hiện nay có 3726 xã thì số xã có đẻ tại nhà là 1386 (chiếm 37,2%). Cả nước có 12.939 thôn bản vùng địa bàn khó khăn thì Thừa Thiên Huế là tỉnh ít nhất với 27 thôn bản, Sơn La nhiều nhất với 1708 thôn bản. Số thôn bản cần có cô đỡ thôn bản là 7.221 nhưng hiện mới chỉ có 2.632 xã có cô đỡ thôn bản. Vẫn còn 4.639 xã chưa có đội ngũ này.

Trên cả nước, tổng số cô đỡ thôn bản được đào tạo trên 6 tháng là 2.632 nhưng chỉ có 1.702 cô đỡ thôn ban được đào tạo đang hoạt động (chiếm 64,7%) trong đó ít nhất là Phú Yên (3 người) và nhiều nhất là Điện Biên (203 người).Số cô đỡ thôn bản đang được hưởng phụ cấp của nhân viên y tế thôn bản là 1.142 người (chiếm 67%) trong đó tỉnh ít nhất là Phú Yên, nhiều nhất là Nghệ An và Điện Biên.

Giải pháp đẩy mạnh vai trò của cô đỡ thôn bản - Ảnh 2.
 

Cô đỡ thôn bản là cánh tay nối dài của ngành y tế.

Theo báo cáo của Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế), 30 năm trước, tỷ lệ tử vong mẹ ở Việt Nam vào khoảng 233/100.000 trẻ đẻ sống, cao gấp 4 lần thời điểm hiện tại. Tử vong mẹ tại các vùng sâu, vùng xa thậm chí còn cao hơn rất nhiều. Giai đoạn 2000 – 2001, tử vong mẹ đã giảm xuống ở mức 165/100.000 trẻ đẻ sống, tuy nhiên vẫn còn có sự khác biệt đáng kể về tình trạng sức khỏe và tử vong giữa các vùng địa lý, kinh tế - xã hội và giữa các nhóm dân tộc. Đặc biệt, tỷ lệ đẻ tại nhà không có cán bộ y tế đỡ đẻ trong giai đoạn này còn rất cao ở khu vực miền núi, dao động trong khoảng 50-58%.

Việc không khám thai, đẻ tại nhà không được hỗ trợ của cán bộ y tế là nguyên nhân quan trọng khiến tình trạng tử vong mẹ còn cao ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Điều này ảnh hưởng đến việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ về giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ em và thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền về sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Ngoài ra, nghèo đói, giao thông khó khăn, thiếu thông tin liên lạc, tiếp cận dịch vụ y tế còn hạn chế ở những vùng xa xôi, hẻo lánh… là những yếu tố cản trở đồng bào dân tộc sinh con tại cơ sở y tế. Đặc biệt, sự khác biệt về yếu tố văn hóa như ngôn ngữ, phong tục tập quán có liên quan đến việc mang thai, sinh con… cũng làm giảm khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế của người dân ở vùng núi cao.

Bên cạnh đó, nhân lực y tế, trong đó đặc biệt là nhân lực làm công tác chăm sóc thai sản và sơ sinh ở vùng miền núi luôn thiếu trầm trọng. Cán bộ y tế xã rất khó để thực hiện những dịch vụ làm mẹ an toàn, chăm sóc trẻ sơ sinh tại các thôn bản vùng núi cao và xa xôi hẻo lánh do điều kiện đi lại khó khăn, thiếu kinh phí, trang thiết bị.

Tạo điều kiện tốt nhất để cô đỡ thôn bản làm việc

Trên thực tế, cán bộ y tế là người dân tộc Kinh khó có khả năng hòa nhập, tiếp cận với đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là những dân tộc có nhiều nét văn hóa đặc thù như H'mông, Giẻ Triêng, Raglai…. Đồng thời, các chế độ, chính sách đãi ngộ, động viên, khuyến khích cán bộ y tế làm việc tại vùng khó khăn còn nhiều bất cập…

Hiện tại, Bộ Y tế đang trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị quyết về giải pháp thực hiện chính sách đối với nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản với nội dung: Duy trì bảo đảm mỗi thôn, bản có từ 1 đến 2 nhân viên y tế thôn bản đã được đào tạo hoạt động phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tế ở địa phương; những nơi còn khó khăn về công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em cần bố trí 1 cô đỡ thôn bản để thực hiện hoạt động chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em.

Thực hiện chính sách bồi dưỡng hằng tháng đối với đội ngũ nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản tối thiểu bằng mức theo quy định tại Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg ngày 11/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Tại nhiều địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khi xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã đưa nội dung chính sách hỗ trợ nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản vào Dự án 7: Chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em. Từ nguồn kinh phí của Chương trình này, các cô đỡ thôn bản ở vùng cao sẽ được tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Cô đỡ thôn bản là một loại hình nhân viên y tế phù hợp với các vùng dân tộc, miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi người dân khó tiếp cận với hệ thống y tế tuyến xã do những khó khăn về địa lý và các phong tục tập quán. Ưu điểm của cô đỡ thôn bản là có cùng văn hóa, phong tục tập quán nên dễ dàng tiếp cận và sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình để tuyên truyền, vận động, cung cấp dịch vụ làm mẹ an toàn ngay tại thôn bản...

Hiện Vụ Sức khoẻ Bà mẹ & trẻ em đang vận động Quỹ Thiện Tâm triển khai một dự án nhằm hỗ trợ cô đỡ thôn bản thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn. Vụ cũng đang phối hợp xây dựng Nghị quyết Chính phủ về giải pháp ổn định và phát triển đội ngũ y tế thôn bản và cô đỡ thôn bản. Huy động nhân lực, vận động tài trợ và cung cấp nhiều trang thiết bị, vật tư cho các địa phương, góp phần duy trì công tác chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em liên tục trong điều kiện dịch bệnh, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền. 

Theo suckhoedoisong.vn