Giảm ăn mặn là hết bị phù chân?
Cập nhật lúc 22:05, Thứ ba, 27/06/2023 (GMT+7)
Rất nhiều người khi bị phù chân, tê nhức chân là đổ tại ăn mặn hoặc bị đau khớp. Đây là quan niệm chưa chính xác.
Mẹ tôi 78 tuổi, đang điều trị bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp. Gần đây, mẹ tôi hay bị tê và nặng chân. 2 bàn chân và bắp chân bị sưng phù lên, đi lại khó khăn, vào buổi tối thì đau nhức không ngủ được. Nhiều người khuyên mua thuốc bổ khớp về cho bà uống vì đó là dấu hiệu của viêm khớp. Anh trai tôi lại bảo do mẹ ăn quá mặn, ăn nhiều muối thường xuyên nên chân bị phù. Xin hỏi bác sĩ có phải mẹ tôi chỉ cần ăn nhạt thì chân sẽ hết phù và đau nhức?
Nguyễn Quỳnh Nga (38 tuổi, quận Tân Phú, TPHCM)
Bác sĩ chuyên khoa 2 Đặng Quý Đức - Phó trưởng khoa Nội tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy - trả lời: Rất nhiều người khi bị phù chân, tê nhức chân là đổ tại ăn mặn hoặc bị đau khớp. Đây là quan niệm chưa chính xác. Tê và phù chân chỉ là một triệu chứng, có thể xảy ra bởi nhiều nguyên nhân. Chính vì thế, khi thấy dấu hiệu bất thường, mọi người cần đi khám để được bác sĩ chẩn đoán và cho các chỉ định kiểm tra phù hợp nhằm điều trị bệnh kịp thời.
Triệu chứng tê bì, phù chân còn có thể do bệnh huyết khối tĩnh mạch. Để phát hiện huyết khối tĩnh mạch, bệnh nhân cần được siêu âm mạch máu chân, chụp CT mạch máu, xét nghiệm tình trạng tăng đông của máu… Những người cần theo dõi và tầm soát bệnh lý huyết khối tĩnh mạch là người làm công việc văn phòng, giáo viên (ít vận động, đứng hoặc ngồi nhiều), người cao tuổi, bệnh nhân ung thư và phụ nữ mang thai…
Nếu được phát hiện bệnh sớm, bệnh nhân sẽ được tư vấn, can thiệp kịp thời để tránh biến chứng nguy hiểm do huyết khối gây ra. Nghiêm trọng nhất khi bị huyết khối tĩnh mạch là tình trạng thuyên tắc phổi, bệnh nhân có thể bị đe dọa tính mạng.
Theo phụ nữ TPHCM