Delhi, Ấn Độ đang chứng kiến những trận lụt dữ dội nhất trong vòng một thập kỷ qua. Nước sông Yamuna dâng cao và làm ngập lụt khắp nơi. Độ ẩm gió mùa tăng lên, cộng với nước ô nhiễm phủ đầy thành phố, tạo điều kiện lý tưởng cho các loại mầm bệnh và virus sinh sôi, phát triển.
Theo báo cáo, số ca mắc bệnh viêm kết mạc đang gia tăng ở mức báo động trên cả nước. Trẻ em ở Delhi, Gujarat, Maharashtra và các bang phía đông bắc liên tục bị nhiễm trùng mắt.
Theo số liệu từ tờ Indian Express, Alandi, một thị trấn ở Pune, Maharashtra, đã báo cáo 2.300 ca mắc viêm kết mạc chỉ trong năm ngày, trong khi thành phố Vadodara của bang Gujarat là 500 ca mỗi ngày. Số ca mắc bệnh ở Delhi tăng hơn ba đến bốn lần so với năm trước, theo Hindustan Times.
Sau khi dịch viêm kết mạc bùng phát, bang Arunachal Pradesh, bang lớn nhất trong số các bang ở Đông Bắc Ấn Độ, đã ra lệnh đóng cửa tạm thời các trường học ở một số khu vực.
Theo PTI, các bác sĩ tại cả bệnh viện công và bệnh viện tư ở thủ đô New Delhi cho biết các bệnh nhân chủ yếu là người trẻ. Trong khu vực dành cho bệnh nhân ngoại trú, bệnh viện tiếp nhận khoảng 100 ca bệnh mỗi ngày có liên quan đến các chứng rối loạn mắt khác nhau, trong đó trung bình 10-15 trường hợp là viêm kết mạc. Ngoài ra cũng có những người bị viêm kết mạc nhẹ không đến bệnh viện mà tự điều trị hoặc nhận tư vấn sức khỏe thông qua các chương trình chẩn đoán online.
Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Trung tâm Thị giác ở thủ đô Quốc gia, tiến sĩ Mahipal Singh Sachdev nhận thấy tình trạng viêm nhiễm kiểu này đã gia tăng ít nhất từ 20% đến 25% so với thời gian trước.
Theo Saurabh Bharadwaj, Bộ trưởng Y tế thành phố, các bệnh nhân bị viêm kết mạc và dị ứng đa phần lớn đến từ các trại cứu trợ dành cho người dân phải di dời do lũ lụt.
Bác sĩ Parul Sharma, giám đốc Max Eye Care tại Bệnh viện Max ở Gurugram, tuyên bố rằng đợt bùng phát bệnh viêm kết mạc do virus năm nay kinh khủng hơn năm ngoái. “Mặc dù gió mùa là thời điểm hoàn hảo để virus và vi khuẩn sinh sôi do nhiệt độ và độ ẩm, nhưng lần này tần suất viêm kết mạc cao chưa từng thấy, gần gấp đôi so với những năm trước, virus dễ lây lan hơn nhiều”, Sharma nhận định.
Đôi điều cần biết về bệnh nhiễm trùng mắt và viêm kết mạc
Viêm kết mạc gây ra bởi nhiễm trùng, bệnh này còn được gọi là “bệnh cúm mắt” (eye flu). Sở dĩ có tên gọi như vậy một phần là vì bệnh có thể lây từ người này sang người khác. Và mặc dù được coi là bệnh không quá nguy hiểm nhưng nếu không điều trị kịp thời sẽ để lại biến chứng nguy hiểm.
Các triệu chứng và dấu hiệu nhiễm trùng thể hiện khác nhau ở tùy người, nhưng thường gặp nhất là đau mắt đỏ, ngứa mắt, mỏi mắt, có cảm giác cộm mắt, đôi khi đi kèm với một số triệu chứng hô hấp như viêm họng, sốt, nổi hạch. Bởi vì virus gây nhiễm trùng cổ họng và mắt là cùng một loại.
Theo Hiệp hội Nhãn khoa Hoa Kỳ (AOA), bất kỳ chất gây dị ứng hoặc chất kích thích nào từ khói, bụi, phấn hoa hoặc hóa chất đều có thể dẫn đến nhiễm trùng mắt. Rửa mặt bằng nước ô nhiễm cũng có thể gây viêm giác mạc. Thậm chí đeo kính áp tròng trong thời gian dài mà không làm sạch cũng có thể gây bệnh. Để điều trị bác sĩ sẽ kết hợp các loại thuốc khác nhau, có thể là thuốc nhỏ, thuốc bôi hoặc thuốc uống.
Các y bác sĩ khuyên rằng những người dân sống ở gần bờ sông Yamuna nên ưu tiên vệ sinh cá nhân. Họ cần đeo kính trong suốt, sạch và tránh chạm tay bẩn vào mắt.
Không chỉ người dân ở Ấn Độ mà bất kỳ người dân nào sống trong khu vực ngập lụt cũng nên chú ý vệ sinh, giữ gìn sức khỏe để tăng sức đề kháng trong đợt gió mùa.
Hạ Khương/Nguồn: Firstpost