Không chỉ khuyến khích chế độ ăn không thịt, các bác sĩ Anh còn cho rằng nên chấm dứt mô hình trang trại chăn nuôi để ngăn chặn các đại dịch như Covid-19 trong tương lai - ẢNH MINH HỌA: REUTERS
Phát hiện gần đây về một chủng cúm mới có "tiềm năng thành đại dịch" khiến mối liên hệ giữa ăn thịt và sức khỏe được đề cập nhiều hơn trong các cuộc thảo luận về cách ngăn chặn khủng hoảng sức khỏe toàn cầu trong tương lai.
Đã có bằng chứng cho thấy việc nhiễm chủng cúm G4 EA H1N1 ở những người làm việc trong lò mổ và ngành chăn nuôi lợn tại Trung Quốc từ năm 2016. Các nhà nghiên cứu hiện đang lo ngại rằng loại virus này có thể dễ dàng lây lan từ người sang người, tạo ra dịch bệnh toàn cầu, theo euronews.
Giáo sư James Wood, người đứng đầu Khoa Thú y tại Đại học Cambridge (Anh), nói với BBC rằng nghiên cứu "đến như một lời nhắc nhở" về chuyện động vật nuôi là một nguồn virus có khả năng gây ra đại dịch.
Bác sĩ Gemma Newman thuộc tổ chức phi lợi nhuận Plant-Based Health Professionals (Anh) đã đưa ra lời kêu gọi công chúng bỏ ăn thịt như một phần của chiến dịch “No Meat May” năm nay. Khoảng 33.000 người đã tham gia so với 10.000 người hưởng ứng năm 2019. Một cuộc khảo sát cho thấy 38% trong số đó tham gia vì lo ngại xung quanh ngành công nghiệp thịt và các bệnh như Covid-19, theo euronews.
Những bệnh có thể lây lan giữa động vật và người này là nguyên nhân nhiều vụ dịch lịch sử bao gồm cả bệnh cúm và Ebola. Tuy nhiên, cần phải nói rằng, có rất ít bằng chứng cho thấy ăn ít thịt trực tiếp làm giảm sự xuất hiện của dịch bệnh chết người. Thay vào đó, yếu tố quan trọng nhất, theo Chương trình Môi trường của Liên Hiệp Quốc, là sự tiếp xúc gần gũi giữa con người và động vật như lợn, dơi hay chim, cho phép mầm bệnh lây giữa các loài.
Năm 2016, người ta đã xác định sự xâm lấn ngày càng tăng của chăn nuôi vào các hệ sinh thái tự nhiên là một yếu tố thúc đẩy các bệnh động vật, cảnh báo cuộc cách mạng chăn nuôi gia súc có thể dẫn đến thảm họa tiềm tàng. Các trang trại quy mô công nghiệp giống như “quả bom với thời gian đếm ngược” và việc thay đổi chế độ ăn uống, bỏ thịt có thể giúp tiến tới một tương lai an toàn hơn, theo euronews.
Giám đốc Plant-Based Health Professionals, bác sĩ Shireen Kassam, tin rằng giảm tiêu thụ thịt là “nhu cầu khẩn cấp” đối với cả sức khỏe con người và hành tinh.
Hơn 90% thịt chúng ta tiêu thụ được sản xuất tại các trang trại quy mô công nghiệp, là điều kiện hoàn hảo cho các bệnh nhiễm trùng mới sinh ra, kèm theo khả năng gây dịch bệnh và đại dịch.
Trang trại cũng đòi hỏi phải sử dụng nhiều kháng sinh, góp phần làm gia tăng đáng kể số lượng các bệnh kháng kháng sinh ảnh hưởng đến con người. Trong khi đó, từ lâu, chúng ta đã biết rằng chế độ ăn uống dựa trên thực vật lành mạnh, giảm thiểu hoặc loại bỏ thịt, có liên quan đến một số tỉ lệ bệnh mạn tính thấp nhất, sống lâu và khỏe mạnh hơn, theo euronews.
Theo thanhnien