Hai nữ sinh Hàn Quốc chăm chú xem cách tạo kiểu tóc mới trên smartphone trong một quán cà phê ở Seoul - Ảnh chụp màn hình CNN
Đồng hồ điểm 4 giờ sáng, cô nữ sinh 16 tuổi Yoo Chae Rin giật mình nhận ra đã xài điện thoại hơn 13 tiếng và chỉ còn chưa đầy 3 tiếng nữa là đến giờ đi học. "Ngay cả khi em biết mình nên cất điện thoại và đi ngủ, em vẫn tiếp tục. Em không dừng lại được và quyết định thức luôn đến sáng".
Có hàng ngàn bạn trẻ như Yoo ở Hàn Quốc hiện nay, nhưng Yoo có thể khác số đông ở một điểm: em đăng ký vào một trung tâm của chính phủ dành riêng cho những người trẻ không thể tự đặt điện thoại xuống.
Với một số phụ huynh, đưa con vào trại là phương sách cuối cùng và nếu nó không có tác dụng, họ sẽ buông xuôi và phó mặc.
Hoàn toàn miễn phí
Tỉ lệ sở hữu smartphone của Hàn Quốc thuộc tốp đầu thế giới, với 98% thanh thiếu niên có ít nhất 1 smartphone. Thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ Thông tin và Truyền thông Hàn Quốc (MSIT) cho thấy có khoảng 30% thiếu niên trong độ tuổi từ 10 đến 19 tuổi nằm trong diện "nghiện điện thoại quá đến mức không thể tự kiểm soát được mức độ sử dụng".
Để giải quyết thực trạng này, bắt đầu từ năm 2007, chính phủ Hàn Quốc bắt đầu thí điểm các trại cai nghiện internet cho thanh thiếu niên. Đến năm 2015, trước sự bùng nổ của smartphone, các lớp cai nghiện điện thoại được bổ sung.
Theo đài CNN, chỉ tính riêng trong năm 2019, Hàn Quốc đã tổ chức được khoảng 16 trại trên cả nước cho hơn 400 học sinh trung học. Mỗi lớp có khoảng 25 học viên và do 1 giáo viên quản lý. Những trại cai nghiện này hoàn toàn miễn học phí, mỗi gia đình chỉ phải đóng 100.000 won (khoảng 84 USD) tiền ăn uống.
Các học viên trong giờ học làm móng - Ảnh chụp màn hình CNN
Để giảm bớt cơn nghiện điện thoại, các học viên được đưa tham gia các hoạt động ngoại khóa và thám hiểm, các hoạt động nghệ thuật như vẽ tranh, học đàn hay làm đồ thủ công và học các môn thể thao. Khoảng 30 phút trước khi đi ngủ, tất cả được yêu cầu ngồi thiền.
"Hầu như em nào mới vào đây cũng bắt đầu ngày đầu tiên với vẻ mặt không thể đau khổ hơn nữa. Nhưng từ ngày thứ 3 thì mọi thứ thay đổi. Các em đi ra ngoài nhiều hơn để gặp các bạn khác", bà Yoo Soon Duk, giám đốc một trại cai nghiện smartphone chia sẻ với CNN.
"Ra trại"
Một tháng đi "cai nghiện" thực sự có ý nghĩa với nữ sinh Yoo. Em cho biết chỉ dùng điện thoại mỗi ngày khoảng 2 hoặc 3 tiếng, thay vì 6, 7 tiếng như trước.
Giáo viên trong trung tâm đã giúp Yoo hiểu vì sao em không thể dứt ra khỏi smartphone: ngay khi chán với một ứng dụng, em lại mở sang một ứng dụng khác và tiếp tục dán mắt vào màn hình điện thoại.
Những lời động viên của các phụ huynh gởi đến con em mình trong trại - Ảnh chụp màn hình CNN
Nhưng Yoo nói em không nghĩ những trại cai nghiện smartphone này thực sự hiệu quả với những người bị gia đình ép đi. "Em có quen hai bạn chung phòng. Ngày ra trại, họ thậm chí còn chẳng nói lời tạm biệt với em và những người khác mà chỉ chạy ào ra ngoài để lấy lại điện thoại".
Tiến sĩ Lee Jae Won, một bác sĩ tâm thần, đồng ý với câu chuyện của Yoo và cho rằng lợi ích lâu dài của trại phụ thuộc vào các học viên có chịu thay đổi thói quen sinh hoạt của họ hay không. "Những người vẫn không thể tự kiểm soát được mức độ sử dụng smartphone sau khi tham gia các trại này nên đi gặp bác sĩ", ông Lee khuyên chân thành.
Vì sao giới trẻ Hàn Quốc lại nghiện nặng? Áp lực xã hội và kỳ vọng của cha mẹ được xem là nguyên nhân khiến nhiều thanh thiếu niên Hàn Quốc nghiện smartphone. Sau mỗi buổi học chính khóa, các em bị đẩy vào các lớp học thêm. Với một số trường hợp cá biệt gặp bi kịch trong cuộc sống gia đình, smartphone là thứ duy nhất giúp các em cảm thấy hạnh phúc. "Em còn nhớ có một bạn đòi tự tử nếu không được dùng điện thoại. Bạn ấy nói smartphone là thứ duy nhất giúp bạn ấy cảm thấy kết nối được với thế giới", Yoo nhớ lại. |
Theo congnghe.tuoitre