leftcenterrightdel
 Lòng vị tha là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên cuộc sống khỏe mạnh, lâu dài hơn. Ảnh:Pexels

Theo CNN, lan tỏa lòng tốt không chỉ giúp người khác cảm thấy tốt hơn mà còn tăng cường sức khỏe và hạnh phúc của chính bản thân.

Các nghiên cứu đã chỉ ra việc đặt hạnh phúc của người khác lên trên mà không mong đợi bất cứ điều gì được đáp lại sẽ kích thích các trung tâm khen thưởng của não bộ. Những chất hóa học dễ chịu đó tạo ra một loại “chất trợ giúp cao”. Ví dụ, hoạt động tình nguyện đã được chứng minh là giảm thiểu căng thẳng và cải thiện chứng trầm cảm.

Có lợi cả tinh thần và thể chất

Theo SCMP, giống như rất nhiều người Hong Kong ở đỉnh điểm của đại dịch Covid-19, Alex Wong thấy mình phải vật lộn với sức khỏe tâm thần.

Anh đã mắc chứng rối loạn lưỡng cực do áp lực công việc căng thẳng. Anh cũng cảm thấy lo lắng và căng thẳng, đặc biệt là vào ban đêm và không thể ngủ mà không say. Những cuộc giãn cách và hạn chế xã hội vào thời điểm đó khiến anh cảm thấy cô đơn và sống không có mục đích.

Khi đại dịch hoành hành, Alex Wong ngày càng cảm thấy chán nản và bị cô lập, nhưng anh vẫn giấu kín vấn đề của mình với bạn bè và những người thân yêu. “Tôi ngồi trong phòng vào ban ngày và thức suốt đêm vì tôi không muốn tiếp xúc với người khác và để họ nhìn thấy tôi trong lúc tồi tệ nhất”, anh chia sẻ.

Chính trong khoảng thời gian này, khoảng một năm rưỡi trước, Alex Wong cảm thấy mình cần phải tìm ra mục đích và ý nghĩa của cuộc đời mình, vì vậy anh đăng ký làm tình nguyện viên cho một tổ chức từ thiện chủ yếu giúp đỡ những người vô gia cư.

leftcenterrightdel
 Alex Wong dẫn dắt các tình nguyện viên tham gia “chuyến đi bộ nhân ái” để phân phát những vật dụng thiết thực cho những người vô gia cư ở Tsim Sha Tsui. Ảnh:Edmond So. 

Kể từ khi bắt đầu hoạt động tình nguyện, sức khỏe tinh thần và cảm xúc của Alex Wong đã được cải thiện.

“Làm công việc này giúp tôi cảm thấy biết ơn vì những gì mình có. Những người bạn vô gia cư đã giúp tôi hiểu rằng tôi cũng có thể hạnh phúc, ngay cả khi mọi thứ không theo ý mình. Nhờ họ, tôi có một cái nhìn mới về ý nghĩa của việc hạnh phúc và viên mãn”, Alex Wong cho biết.

Sự thay đổi trong quan điểm này khiến Alex Wong thừa nhận anh cần sự giúp đỡ của chuyên gia cho những cuộc đấu tranh về sức khỏe tâm thần, vì vậy anh bắt đầu gặp bác sĩ tâm lý và chuyên gia tư vấn.

“Tôi cảm thấy tốt hơn về cuộc sống của mình bây giờ, không chỉ vì tôi đang tạo ra sự khác biệt tích cực cho cuộc sống của những người kém may mắn khác mà còn vì những kết nối có ý nghĩa mà tôi thực hiện”, anh nói.

Tiến sĩ Adrian Low, một nhà tâm lý học tại Hong Kong, nói việc giúp đỡ và nhường nhịn người khác có thể làm giảm căng thẳng, dẫn đến hạnh phúc lâu dài về cảm xúc và tăng sự hài lòng trong cuộc sống.

Một nghiên cứu từ Đại học Bang Ohio, Mỹ cho thấy việc sẵn sàng hỗ trợ cho gia đình và bạn bè có mức đánh dấu viêm interleukin-6 (IL-6) trong cơ thể họ thấp hơn. Mức độ IL-6 cao hơn có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh như bệnh tim và ung thư.

leftcenterrightdel
Một người ngủ vô gia cư trên đường phố Hong Kong, được cung cấp nhu yếu phẩm thông qua tổ chức từ thiện. Ảnh:Edmond So. 

Lợi ích sức khỏe của hành động tử tế

- Hạ huyết áp: Giúp đỡ người khác được chứng minh là có tác dụng giảm huyết áp và cải thiện sức khỏe tim mạch. Một nghiên cứu yêu cầu một nhóm những người cao huyết áp chi 40 USD cho bản thân, trong khi một nhóm khác bị huyết áp cao được yêu cầu dùng tiền để giúp đỡ người khác.

Họ phát hiện ra những người chi tiền cho người khác có huyết áp thấp hơn vào cuối cuộc nghiên cứu kéo dài 6 tuần. Thực tế, những lợi ích sức khỏe này cũng lớn như những lợi ích từ chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục.

- Giảm đau: Theo CNN, cho đi là hành động làm giảm bớt nỗi đau của chúng ta. Một nghiên cứu gần đây cho thấy những người nói họ sẽ quyên góp tiền để giúp đỡ trẻ mồ côi ít nhạy cảm hơn với điện giật so với những người từ chối cho. Nghiên cứu phát hiện ra các vùng não phản ứng với kích thích đau đớn dường như ngừng hoạt động ngay lập tức do hành động cho đi và giúp đỡ người khác.

Ngoài ra, những người nghĩ rằng việc quyên góp của họ hữu ích, họ sẽ cảm thấy ít đau đớn hơn.

- Hạnh phúc hơn: Ở Anh, các nhà nghiên cứu phát hiện ra sự tử tế có thể tăng cường hạnh phúc trong vòng ba ngày. Nghiên cứu chỉ định mọi người vào ba nhóm: nhóm đầu tiên phải làm một hành động tử tế mỗi ngày, nhóm thứ hai thử một hoạt động mới và nhóm thứ ba không làm gì cả. Những nhóm tử tế và làm những điều mới lạ đã thấy niềm hạnh phúc tăng lên đáng kể.

leftcenterrightdel
 Hành động tử tế không cần quá lớn lao, có thể xuất phát bởi những việc làm ngẫu nhiên để giúp cho xã hội tốt đẹp hơn. Ảnh:Success Magazine. 

Bạn sẽ cảm thấy niềm vui lớn hơn nữa nếu bạn sáng tạo với những hành động tử tế của mình. Các nhà nghiên cứu về hạnh phúc Sonja Lyubomirsky và Kennon Sheldon phát hiện ra những người thực hiện nhiều hành động tử tế trong suốt tuần cho thấy mức độ hạnh phúc tăng lên nhiều hơn so với những người thực hiện cùng một hoạt động lặp đi lặp lại.

“Bạn đang làm cho thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn nhưng đừng quên - bất kỳ lòng tốt nào bạn dành cho người khác cũng là một món quà cho chính bạn", tổ chức hành động tử tế ngẫu nhiên cho biết.

Theo zingnews