Nghiên cứu công bố hôm 22/3 trên tạp chí PLOS One phát hiện ra rằng những người ngoài 60 tuổi — đặc biệt là nam giới — gặp nhiều rủi ro tử vong sớm sau khi mất vợ/chồng. Để đi đến kết luận này, các nhà nghiên cứu ở Đan Mạch, Anh và Singapore đã xem xét dữ liệu từ gần 1 triệu công dân Đan Mạch từ 65 tuổi trở lên.
|
|
Đánh mất người bạn đời là một trong những nguyên nhân thường gặp gây tử vong sớm |
Nhìn chung, trong vòng 1 năm sau khi mất vợ hoặc chồng, nam giới có nguy cơ tử vong cao hơn 70% so với những người đàn ông cùng độ tuổi không mất vợ. Ở phía ngược lại, nữ giới có nguy cơ tử vong cao hơn 27% so với những phụ nữ không mất chồng.
Giáo sư Dawn Carr - đồng giám đốc của chương trình Nghiên cứu về bối cảnh lão hóa, sức khỏe và bất bình đẳng tại Đại học Bang Florida (Mỹ) - cho biết, việc kiểm soát các biến số chính có thể khó khăn trong loại nghiên cứu này.
Tuổi già nói chung đem đến nguy cơ tử vong cao hơn và các cặp vợ chồng thường chia sẻ thói quen sống, cũng như những hành vi khác đóng vai trò lớn đối với sức khỏe, bao gồm chế độ ăn kiêng và tập thể dục. Nhưng nhờ nghiên cứu có quy mô lớn và thời gian theo dõi dài - lên đến 6 năm - nhóm tác giả có thể xem xét các yếu tố rủi ro cụ thể đối với hiệu ứng góa bụa.
Giới tính và tuổi tác là hai trong số các yếu tố rủi ro có ảnh hưởng lớn nhất đối với hiệu ứng góa bụa. Những người ở độ tuổi 60 - nhóm trẻ nhất được nghiên cứu - có nhiều khả năng tử vong liên quan đến mất người thân.
Nhóm tác giả chưa tìm ra lý do cho những phát hiện trên. Dù vậy, giáo sư Kara Dassel - trợ lý trưởng khoa Lão khoa tại Đại học Utah (Mỹ) – gợi ý: “Có thể việc mất người thân ở độ tuổi trẻ hơn sẽ tạo thêm căng thẳng so với khi về già, lúc mà chuyện sinh tử có thể được dự đoán trước chính xác hơn”.
Điều đáng ngạc nhiên là những người đàn ông trẻ tuổi hơn trong nghiên cứu dường như bị ảnh hưởng nặng nề hơn phụ nữ khi mất đi nửa kia. Cô Carr nói: “Dù ai cũng biết rằng những người đàn ông từ khoảng 75 tuổi trở lên phải chịu đựng nhiều hơn khi mất vợ so với phụ nữ lớn tuổi, kết quả tương tự không được mong đợi ở những người mới chỉ ngoài 60”.
Trong số những người đàn ông trẻ tuổi nhất của nhóm đối tượng tham gia nghiên cứu, nguy cơ tử vong cao hơn kéo dài đến 3 năm sau khi mất bạn đời, thay vì chỉ 1 năm như ở các nhóm tuổi lớn hơn.
Cả giáo sư Dassel và giáo sư Carr đều gợi ý rằng, đối với nam giới ở mọi lứa tuổi, nguy cơ tử vong gia tăng có thể liên quan đến tác động bất lợi của sự cô đơn khi về già - một trong những yếu tố rủi ro lớn nhất dẫn đến chết sớm.
Tác động của sự cô đơn, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất cũng như sức khỏe tinh thần của người lớn tuổi, còn giúp giải thích một phát hiện khác từ nghiên cứu.
Tuy nhóm tác giả nhận thấy rằng đối với tất cả những người tham gia, nguy cơ tử vong tăng lên trong năm đầu tiên sau khi vợ/chồng qua đời, con số này thực sự giảm trong vài tuần ngay sau lễ tang. Điều này có thể chỉ ra tác dụng hữu ích của sự hỗ trợ xã hội ngay lập tức từ gia đình và bạn bè, và có thể gợi ý rằng người cao tuổi cần được hỗ trợ lâu hơn, chuyên sâu hơn sau khi mất vợ hoặc chồng.
Theo phụ nữ TPHCM