Viêm khớp gout cấp đột ngột xuất hiện do acid uric kết tinh thành các tinh thể ở khớp
Gout - không chỉ là bệnh nhà giàu
Bệnh gout, hay còn gọi là thống phong, là một dạng viêm khớp có nguyên nhân do tinh thể acid uric lắng đọng trong khớp khi nồng độ chất này trong máu tăng quá bão hòa. Bệnh đặc trưng bởi các đợt viêm khớp cấp đau nhức dữ dội, sưng to, xảy ra nhiều nhất ở ngón chân cái và có tính lặp đi lặp lại (các cơn viêm khớp gout cấp), xảy ra ở nam nhiều hơn nữ. Khác với các bệnh viêm khớp khác thường bị nhiều khớp cùng lúc, cơn gout cấp thường chỉ tái phát mỗi lần một khớp.
Nguyên nhân của bệnh gout là do nồng độ acid uric tăng cao trong máu, có thể do tình trạng tăng sản xuất acid uric hoặc giảm đào thải acid uric ở thận. Trước đây, người ta cho rằng bệnh gout xảy ra do bệnh nhân tiêu thụ quá nhiều chất đạm, thịt cá, vì vậy mà bệnh này còn được gọi là bệnh của nhà giàu, quý tộc. Tuy nhiên, điều đó không hẳn là đúng, người bị thiếu một loại enzym chuyển hóa HPRT do yếu tố di truyền, người bị bệnh thận (suy thận, sỏi thận), bệnh về tủy xương, suy giáp là các đối tượng có nguy cơ cao bị gout. Người béo phì, uống nhiều rượu bia, thức uống có ga chứa đường fructose (đường HFCS), người đang hóa trị ung thư, dùng một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu, thuốc độc tế bào, aspirin liều thấp… cũng có khả năng mắc gout.
Bệnh gout có nguy hiểm không?
Bệnh gout diễn tiến qua nhiều giai đoạn. Đầu tiên, nồng độ acid uric trong máu tăng cao, là tiền đề của bệnh gout dù không phải tất cả bệnh nhân có acid uric máu cao đều mắc gout. Khi nồng độ vượt ngưỡng (khoảng hơn 9 mg/dL), cơn viêm khớp gout cấp đột ngột xuất hiện do acid uric kết tinh thành các tinh thể ở khớp, thường ở ngón chân cái một bên chân vào ban đêm làm khớp ngón sưng to, đỏ, nóng lên và đau nhức cực độ. Sau đó, cơn viêm có thể được kiểm soát làm bệnh nhân chủ quan là bệnh đã hết, nhưng bệnh sẽ tái phát với khoảng cách giữa các lần viêm cấp ngày càng rút ngắn lại nếu nồng độ acid uric trong máu không được kiểm soát tốt. Giữa lần viêm thứ nhất và thứ hai có thể cách nhau vài tháng đến vài năm, nhưng về sau có thể xảy ra liên tiếp không khi nào dứt cơn, bệnh nhân chuyển sang giai đoạn viêm khớp gout mạn. Viêm mạn xảy ra ở nhiều khớp, kéo dài làm biến dạng và thoái hóa khớp, teo cơ, cứng khớp và xuất hiện các cục u (gọi là hạt tophi) ở quanh khớp, sụn vành tai với kích thước từ vài mm đến vài cm chứa tinh thể acid uric.
Bệnh gout không đơn thuần chỉ là tình trạng viêm khớp gây đau đớn và ảnh hưởng đến chức năng vận động, nếu nặng sẽ có thể gây tàn phế. Một số trường hợp gout lâu năm, các cục u (hạt tophi) quá to sẽ làm bệnh nhân mặc cảm, cản trở hoạt động của khớp và có thể vỡ gây nguy cơ nhiễm khuẩn cao, dẫn đến viêm khớp nhiễm khuẩn. Khi nồng độ acid uric máu tăng cao, nó không chỉ kết tinh và lắng đọng ở khớp mà còn có thể lắng đọng ở thận gây sỏi thận, viêm thận kẽ và suy thận. Một số nghiên cứu cho thấy nếu nồng độ acid uric trong máu tăng cao kéo dài sẽ làm tăng gấp nhiều lần nguy cơ mắc các hội chứng chuyển hóa, bệnh tim mạch, đột quỵ, bệnh gan và thận, đều là những biến chứng rất nguy hiểm.
Điều trị bệnh gout và tăng acid uric huyết
Bệnh nhân khi xuất hiện cơn gout cấp sẽ được bác sĩ chỉ định điều trị với các thuốc giảm đau, kháng viêm như colchicin, các loại thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAIDs) hoặc corticosteroid để khống chế đợt viêm. Giai đoạn này bệnh nhân nên nghỉ ngơi, hạn chế vận động. Sau khi cơn viêm cấp qua đi, bệnh nhân được theo dõi, điều trị làm hạ và duy trì nồng độ acid uric trong máu ở mức cho phép (khoảng 6-7mg/dL) bằng các thuốc kháng tổng hợp acid uric như allopurinol, febuxostat, tăng đào thải acid uric như probenecid, tiêu hủy acid uric như enzym uricase. Cần chú ý, colchicin là một thuốc rất độc, liều dùng thấp, chống chỉ định dùng cho phụ nữ có thai, bệnh nhân suy gan thận nặng, còn các loại corticosteroid có rất nhiều tác dụng không mong muốn nguy hại, vì vậy mà bệnh nhân không được tự ý mua thuốc về dùng trong cơn viêm cấp, còn allopurinol là thuốc có khả năng gây dị ứng cao.
Bệnh nhân thường chủ quan chỉ điều trị hết đợt viêm cấp, tuy nhiên đó chỉ là điều trị triệu chứng của bệnh. Trong điều trị gout, điều quan trọng nhất là phải kiểm soát nồng độ acid uric trong máu ở mức cho phép, để ngăn chặn tái phát cơn viêm gout cấp và các biến chứng nguy hiểm của việc acid uric kết tinh và lắng đọng. Vì vậy, bệnh nhân cần gặp bác sĩ để theo dõi và điều trị đến khi nồng độ acid uric ổn định. Bệnh nhân mới chỉ tăng acid uric máu mà chưa xuất hiện cơn gout cấp sẽ chỉ được bác sĩ tư vấn thay đổi lối sống mà chưa chỉ định dùng thuốc.
Kiểm soát bệnh gout không khó như bạn nghĩ
Điều rất quan trọng trong điều trị gout nói riêng và tăng acid uric máu nói chung đó là phải thay đổi lối sống, đặc biệt là chế độ ăn uống của bệnh nhân. Bệnh nhân nên hạn chế ăn các loại thực phẩm chứa nhiều purin (là nguyên liệu tổng hợp acid uric) như các loại thịt đỏ (thịt bò, thịt lợn…), hải sản, nội tạng động vật, các loại đậu, măng tây, nấm, ca cao và sôcôla. Không uống rượu bia, thức uống có ga.
Bệnh nhân nên tập thể dục nhẹ nhàng mỗi ngày, kiểm soát cân nặng, tránh thừa cân, béo phì. Bệnh nhân không vận động nặng. Thay thế thịt đỏ bằng thịt trắng như cá sông, thịt gia cầm với lượng vừa phải mỗi ngày. Ăn nhiều rau xanh, trái cây chứa nhiều vitamin C, uống nhiều nước (2-2,5 lít/ngày), tốt nhất là loại nước khoáng có tính kiềm nhẹ sẽ làm tăng đào thải acid uric, hỗ trợ bệnh nhân kiểm soát nồng độ acid uric trong máu. Có thể bổ sung vitamin C dạng uống nếu bệnh nhân không bị sỏi thận.
Gout là căn bệnh gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát tốt bằng việc điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh. Bệnh nhân cần hiểu đúng về bệnh cũng như tuân thủ điều trị, xây dựng lối sống lành mạnh theo khuyến nghị của bác sĩ chuyên môn để tránh những biến chứng đáng tiếc xảy ra.
Mỗi người đều có nguy cơ mắc bệnh gout nếu không có chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng phù hợp. |
Theo suckhoedoisong