Theo Irina Gorelik, nhà tâm lý học trẻ em tại Trung tâm trị liệu Williamsburg, chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) ít liên quan đến thói quen dọn dẹp hoặc sự thiếu linh hoạt của một ai đó. Vì vậy, nó thường bị chẩn đoán sai đối với những người có thói quen buổi sáng nghiêm ngặt hoặc luôn giữ một bàn làm việc ngăn nắp.
OCD thực ra liên quan nhiều đến khả năng xử lý những suy nghĩ gây khó chịu của con người.
"Nếu ai đó trong chúng ta có điều gì phải lo âu, chúng ta có thể bỏ qua nó và cứ thế sống tiếp. Nhưng đối với một người mắc chứng OCD, lo lắng có thể gây ra những phản ứng tiêu cực. Họ có thể làm mọi thứ để sự lo lắng biến mất", Gorelik nói.
Theo bà, việc chẩn đoán liệu trẻ em mắc OCD hay không thường rất dễ do chúng biểu hiện trên những đứa trẻ theo những dấu hiệu dễ để ý.
Hai dấu hiệu trẻ mắc OCD
Trên CNBC, các chuyên gia đưa ra 2 dấu hiệu dễ nhận biết để chẩn đoán trẻ mắc rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
Cần được đảm bảo an toàn
Dấu hiệu này thể hiện trên một đứa trẻ liên tục hỏi bố mẹ về sự an toàn của bản thân, ngay cả khi chúng không gặp bất kỳ mối nguy nào rõ ràng trước mắt. Không chỉ lo cho riêng mình, những đứa trẻ này còn lo lắng về sự an toàn của những người xung quanh.
Gorelik cho biết bà đã gặp nhiều bệnh nhân là trẻ em lo lắng sẽ có chuyện không tốt xảy ra với gia đình mình. Những đứa trẻ này liên tục hỏi và kiểm tra gia đình chúng nhiều lần trong ngày.
Ngoài liên tục hỏi về sự an toàn, một số triệu chứng OCD khác xuất hiện trên trẻ cũng được Gorelik lưu ý như:
- Sợ bẩn, liên tục rửa tay
- Luôn lo lắng mình sẽ bị ốm
- Bám dính lấy những người xung quanh quá mức
Cần được đảm bảo không phiền lòng ai
Một đứa trẻ bên cạnh lo lắng về việc bản thân hoặc gia đình mình bị tổn thương, chúng cũng có thể lo lắng rằng mình đã làm phiền người khác, khiến người khác buồn hoặc tệ hơn là chúng đã tổn thương người khác.
Một số triệu chứng cụ thể có thể bao gồm:
- Thú nhận một suy nghĩ xấu hoặc về một hành động làm ảnh hưởng đến một ai đó.
- Liên tục hỏi về tình cảm của những người xung quanh dành cho mình như "Bố/mẹ còn yêu con không?".
Bố mẹ nên làm gì
Gorelik cho biết để chẩn đoán liệu một đứa trẻ có mắc OCD hay không khá tốn thời gian. Nếu một đứa trẻ liên tục ép bố mẹ chúng đưa ra sự đảm bảo, các bậc phụ huynh nên an ủi con mình.
"Hãy trấn an con rằng con không sao", bà gợi ý.
|
|
Trấn an con là điều có thể hỗ trợ trẻ mắc chứng OCD. Ảnh: Getty Images. |
Hoặc tốt hơn, các bậc cha mẹ nên giải thích với con rằng lo lắng là bình thường và không hùa theo nếu con liên tục ép mình làm những hành động thái quá.
Ví dụ, nếu một đứa trẻ luôn bày tỏ nỗi lo rằng ông bà chúng đang gặp nguy hiểm, những người làm cha mẹ không thể chiều theo con mình mà gọi cho ông bà 10 phút/lần. Lúc này, các bậc phụ huynh nên cùng con ngồi xuống và để cảm giác lo lắng trôi qua.
Theo zingnews